Không chỉ là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị mà còn là biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần khát khao đổi mới, hành động; là một hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho một chặng đường mới, hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
Cần xác định cụ thể “cơ quan nhà nước cấp trên”
Tôi còn nhớ tháng 10.2016, Báo Đại biểu Nhân dân mở Diễn đàn “Quốc hội và HĐND: Gắn kết - đổi mới - hành động”, với nhiều bài viết luận bàn về các mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Quốc hội với HĐND, các cơ quan của HĐND… nhằm xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan dân cử trước Nhân dân.
Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022
Diễn đàn khá sôi động với nhiều bài viết, trong đó, nhận thức chung Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, ý chí, quyền lực của Nhân dân được thể hiện tập trung nhất trong Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp 2013 quy định:“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”; “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Hiến pháp cũng quy định chính quyền địa phương (HĐND và UBND) chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên, có nhiệm vụ, quyền hạn được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Rõ ràng, để bộ máy nhà nước tổ chức vận hành bảo đảm tính thống nhất, Hiến pháp đã quy định HĐND các cấp có “cơ quan nhà nước cấp trên”.
Tuy vậy, các quy định của pháp luật về chủ thể “cơ quan nhà nước cấp trên” chưa được làm rõ. Mối quan hệ giữa cơ quan dân cử các cấp thắt chặt hay lỏng lẻo tùy thuộc vào người đứng đầu ở mỗi cấp trong từng nhiệm kỳ. Vai trò và quyền hạn của Thường trực HĐND - cơ quan Thường trực của HĐND cũng chưa có nhiều thay đổi về thẩm quyền so với trước. Chưa có quy định cụ thể mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới, mặc dù trên thực tế, mối quan hệ này là nhân tố tác động trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND mỗi cấp. Sự giám sát, kiểm tra, hướng dẫn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đối với hoạt động của HĐND cấp tỉnh; của HĐND cấp trên đối với hoạt động của HĐND cấp dưới cũng chưa nhiều.
Đa số các lập luận từ Diễn đàn “Quốc hội và HĐND: Gắn kết - đổi mới - hành động” nhấn mạnh, pháp luật cần xác định cụ thể “cơ quan nhà nước cấp trên” của HĐND, Thường trực HĐND trong quá trình tổ chức, hoạt động chứ không thể nói chung chung. Bởi lẽ, hệ thống cơ quan dân cử các cấp hoạt động có thứ bậc thẩm quyền rõ ràng. Dĩ nhiên, pháp luật không quy định cá nhân ĐBQH là cấp trên của đại biểu HĐND; cá nhân đại biểu HĐND các cấp không phải là cấp trên, cấp dưới của nhau; nhưng theo Hiến định, Quốc hội (bao gồm các ĐBQH), HĐND (bao gồm các đại biểu HĐND) đều do cử tri bầu ra, tạo thành cơ quan quyền lực nhà nước ở mỗi cấp, với quyền hạn khác nhau. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. HĐND các cấp quyết định các vấn đề của địa phương theo phân cấp, phân quyền, không trái với pháp luật và quyết định, chỉ thị của cấp trên.
Hoạt động khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Những năm qua, thể chế Nhà nước nói chung và thể chế của cơ quan dân cử không ngừng được xây dựng, đổi mới và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, chưa thể nói là đã đầy đủ các quy phạm pháp luật để điều chỉnh tất cả các mối quan hệ nội hàm và mối quan hệ phát sinh.
Trong các hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND các địa phương cũng như quá trình hoạt động của HĐND các cấp, nhiều ý kiến, kiến nghị về việc cần đổi mới phương pháp hoạt động của cơ quan dân cử; thể chế hóa bằng pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường và thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước với HĐND, các cơ quan của HĐND các cấp; giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã; tạo thành một hệ thống vận hành thống nhất, gắn bó, hiệu quả, “có trên, có dưới”, có sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, chịu trách nhiệm rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn ở mỗi cấp đã được pháp luật quy định.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, trong các ngày 21.2, 7.3 và 21.3 vừa qua, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì tổ chức 3 Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 tại ba khu vực: phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam, với sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Sự kiện này thể hiện tinh thần hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến của cơ quan dân cử mà Chủ tịch Quốc hội đã cam kết.
Quốc hội và HĐND các cấp là thiết chế nhằm chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống xã hội ở nước ta, là nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 mà Đảng ta đang chủ trương thực hiện. Chính vì vậy, thành công của các Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và chủ trì vừa qua là bước đột phá, không chỉ là diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị, mà còn là biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần khát khao đổi mới, hành động; là một hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho một chặng đường mới hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
THS. Nguyễn Vân Hậu