Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến, quy định “nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp” gây nhiều ý kiến tranh luận những ngày qua.

Không ít ý kiến từ các nhà giáo cho rằng, đề xuất này có phần khó hiểu, khi giáo viên đã học 4 năm trường sư phạm, có đủ bằng cấp đứng trên bục giảng vẫn cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp để hành nghề.

Khi cách làm cũ đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của nhiều người

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, một điều mới xuất hiện trong cuộc sống thường không dễ dàng được chấp nhận, nhất là khi cách làm cũ đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của nhiều người.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng vậy, khi đề cập đến “giấy phép hành nghề” của giáo viên - cấp cho những người hành nghề trong lĩnh vực giáo dục.

“Lâu nay chúng ta thấy, sinh viên sư phạm ra trường, nộp đơn xin việc mỗi khi các Sở GD-ĐT tuyển giáo viên, trúng tuyển thì đi làm. Chuyện này lâu dần thành quen, nên khi dự thảo Luật Nhà giáo đề cập đến giấy phép hành nghề trong lĩnh vực giáo dục - mà giấy phép đó được cấp cho giáo viên thì đã gây sự phản ứng trong đội ngũ nhà giáo và xã hội.

Tôi nghĩ, phản ứng này cũng bình thường, khi có những giải thích rõ ràng thì chắc chắn sẽ được những người đang làm việc trong cơ sở giáo dục cũng như xã hội sẽ chấp nhận”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.

14-1706270328357.jpg
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Ông nhấn mạnh, những thay đổi khác với những gì sẵn có sẽ luôn bị phản ứng. Việc có những giáo viên phản ứng “vì có cái gì đó bất thường với cuộc sống hàng ngày” là lẽ thường.

Vấn đề đặt ra là các nhà làm luật cần giải thích kỹ vì sao phải có giấy phép hành nghề đối với giáo viên? Nếu hiểu rõ lợi ích cũng như yêu cầu pháp lý, giáo viên sẽ ủng hộ.

“Tất nhiên, nếu bản dự thảo được đưa thành luật mà gây khó chịu cho đội ngũ thầy cô đang làm công tác giáo dục thì không ổn, nên phải có Nghị định, Thông tư hướng dẫn nếu Luật Nhà giáo được ban hành”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh thêm.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, kinh nghiệm ở một số nước phát triển cho thấy, muốn làm việc trong các cơ sở giáo dục thì phải có giấy phép hành nghề. Các tổ chức nghề nghiệp là nơi cấp phép, tất nhiên cũng là nơi tổ chức bồi dưỡng các môn học phù hợp với Luật Nhà giáo để người muốn làm việc phải thông thạo Luật, các quy định (cả quy định về đạo đức hành nghề cho giáo viên) khi họ thực hiện chức năng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Do đó, nên cố gắng để không làm mất thời gian, công sức của người muốn hành nghề dạy học, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng hoàn toàn có thể tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí cho giáo viên khi thi lấy chứng chỉ hành nghề, nếu có thể kết hợp trong chương trình đào tạo giáo viên thì “càng tốt”.

“Nếu Luật Nhà giáo với quy định về người làm giáo dục nói chung, giáo viên và giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng được ban hành thì các văn bản dưới luật như Nghị định, nhất là Thông tư phải được làm rõ cho từng đối tượng, trước hết là những người đã hành nghề. Đặc biệt, phải không gây xáo trộn trong công việc của họ rồi mới tính tới các hệ quả khác do Luật mang lại. Cẩn trọng không khi nào là thừa, nhất là khi nó tác động đến số lượng rất lớn các nhà giáo đang làm việc hiện nay!”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm.

Cần làm rõ một số câu hỏi

Cùng quan điểm về việc cần giải thích kỹ vì sao phải có giấy phép hành nghề đối với giáo viên, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, thực tế, từ trước tới nay, Luật của Nhà nước ta vẫn quy định giáo viên phải có chứng nhận nghề nghiệp, không phải bây giờ mới có.

“Trước nay, chúng ta quy định làm giáo viên thì phải tốt nghiệp trường sư phạm (trung cấp, cao đẳng và đại học sư phạm). Bằng tốt nghiệp của trường sư phạm được xem là giấy phép hành nghề. Một số người tốt nghiệp ở các ngành khác, muốn làm giáo viên thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Điều đó chứng tỏ rằng đã tốt nghiệp sư phạm thì nghiễm nhiên trở thành giáo viên và đây có thể xem là giấy phép - giấy chứng nhận hành nghề giáo viên”, GS.TS Đinh Quang Báo nói.

trung_1711_03-1706270358835.jpg
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Theo ông, với quy định “nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp” được đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo, cần làm rõ một số câu hỏi.

Cụ thể: Định nghĩa rõ ràng thế nào là giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên? Việc có bằng tốt nghiệp sư phạm có cùng nội hàm với giấy chứng nhận giáo viên không, hay tốt nghiệp sư phạm vẫn cần có thêm chứng nhận giáo viên? Giấy chứng nhận này liên quan gì đến những người không tốt nghiệp sư phạm nhưng muốn trở thành giáo viên?

Ông nhấn mạnh, làm rõ được tất cả khía cạnh để xã hội và đội ngũ nhà giáo hiểu, cảm thấy quy định mới là phù hợp và cần thiết mới tránh được các phản ứng.