Đền Cô Đá tọa lạc trên ngọn đồi cao về phía Đông làng, thuộc khu vực rú Nhà Ông, qua cái yên ngựa nhỏ về phía tây là rú Làng. Thời xa xưa, xung quanh Đền là cây rừng rậm rạp, dây leo chằng chịt, che phủ cả đường đi, lối vào. Hồi đó, nơi đây rất âm u, tĩnh mịch. Người ta chỉ vào thắp hương, khấn vái khi có việc cần, bình thường không ai dám đến khu vực Đền. Thực ra, Đền là một khối đá màu xám đất, bề mặt gồ ghề, trên phủ một lớp địa y mỏng, nổi cao hơn mặt đất ngọn đồi chừng 40 - 50 centimét, chiều dài gần 2 mét, nằm hướng Đông - Tây. Sát giữa hông phía bắc khối đá có một lư hương bằng đá lèn màu xám cao chừng 30 centimét, có hai tai ngai, được chôn chặt trên bàn thờ láng bằng đất sét mỏng, nứt nẻ, xỉn màu mưa nắng.
Truyền thuyết về việc hình thành đền Cô Đá được các bậc cao niên trong làng kể lại: Thời nước ta còn bị người Trung Hoa cai trị, các quan lại người Tàu trong vùng đã chọn khu rừng nơi đây để tích trữ, cất dấu vàng bạc, của cải mà họ cướp bóc được của người Việt. Để giữ được kho báu, họ dùng thủ đoạn rất tàn nhẫn với quan niệm: chỉ có linh hồn các cô gái đồng trinh mới linh thiêng, mới giữ được kho vàng của họ.
Thời ấy, để thực hiện việc đó, người Tàu thường mua các cô gái từ nhỏ, độ tuổi từ 13 rồi nuôi đến 18, 19 tuổi nhưng không vượt quá 20, xinh đẹp thì càng tốt. Các cô gái sẽ được đưa lên kiệu và được quân lính khiêng đến căn hầm đã xây dựng sẵn. Phù thủy sẽ sử dụng phép thuật để cô gái sống được đúng 100 ngày mà không phải ăn uống gì. Cô gái phải sống trong cảnh chờ chết, rất tuyệt vọng, hận thù, nên khi chết sẽ trở thành thần giữ của.
Cũng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, riêng tại đây chúng nuôi ba em gái, có người họ Vũ của làng Vĩnh Tuy. Sau khi dấu xong của, chúng chôn sống cả ba cô gái để giữ kho vàng. Một thời gian lâu sau đó, trong một đêm mưa to, gió lớn, sấm sét nổi lên đùng đùng, sáng mai dân làng thấy một khối đá nổi lên khỏi mặt đất như ngày nay.
Cũng không có sổ sách nào ghi chép lại ai đã lập bàn thờ đầu tiên khi khối đá xuất hiện và sau đó có cái lư hương bằng đá gắn bên cạnh. Chỉ biết từ những năm xa xưa đó cho đến những năm đầu của thiên niên kỷ XXI, ngôi đền tồn tại song hành cùng đời sống văn hóa tâm linh, gần gũi và linh thiêng như giọt sữa nuôi dưỡng những tâm hồn người con dân làng quê tôi.
Có biết bao câu chuyện kỳ bí lưu truyền về sự linh thiêng của đền Cô Đá đã được dân làng tôi kể lại. Nhiều nhất có lẽ là chuyện các gia đình trong làng bị mất trộm đồ vật, tiền bạc, lợn, trâu, bò đi lạc một thời gian cứ tới đền Cô Đá cầu xin, sau đó đều tìm lại được. Dần dà, cả những người có những chuyện không hay trong gia đình như về sức khỏe, về tình duyên hay học sinh đến mùa thi cũng đến đây cầu nguyện. Tiếng lành đồn xa, lúc đầu, chỉ có dân làng, sau lan rộng ra cả vùng có người xa hàng trăm cây số cũng đến chiêm bái.
Sự kỳ bí và linh thiêng của đền Cô Đá được lưu truyền từ xưa đến nay chưa ai dám khẳng định là chuẩn xác và cũng không ai dám bác bỏ. Từ lâu, dân làng muốn tạo dựng khuôn viên Đền cho bề thế hơn, phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng cho mọi người, nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Mãi đến những năm đầu của thiên niên kỷ mới (2004 – 2006), những người phát tâm của làng xin được phép chính quyền thực hiện ý nguyện...
Ngày nay, khu đền đã được tạo dựng khang trang, bề thế trên khuôn viên có diện tích gần 1.500 mét vuông, bằng tiền công đức của những người phát tâm trong làng Vĩnh Tuy, một số làng xã lân cận, các con cháu đi làm ăn xa và của khách thập phương khi đến thắp hương.
Nghi môn Đền được xây dựng có kiến trúc kiểu tam quan, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi: “Thạch Tự Linh Từ”, hai bên cổng chính có 2 câu chữ Hán:
- Câu bên trái: 十二天仙明降應 (phiên âm: Thập nhị thiên tiên minh giáng ứng)
- Câu bên phải: 千年聖德顯民生 (phiên âm: Thiên niên Thánh đức hiển dân sinh). (Tạm dịch: Mười hai tiên thiên ngời ngời giáng ứng. Ngàn năm Đức Thánh sáng ngời nhân gian). Bước qua cánh cổng Đền, khách đến chiêm bái có cảm nhận như bước vào không gian của cõi Thánh Thần linh thiêng, với khói hương phảng phất, cảnh sắc thanh bình giao hòa cùng tiếng chim ríu rít, líu lô. Lối vào sân Đền là tán của những cây gừa, cây bồ đề có bộ rễ dài xõa xuống như bộ râu của các ông Phúc, Lộc, Thọ rủ bóng im lìm, trầm mặc, chở che cho mọi kiếp đời khi đến thỉnh cầu. Bước lên hàng chục bậc tam cấp, du khách vào thắp hương, khấn lễ có thể thấy Ngài Cô Đá trên cao phía trước mặt, bao quanh có nhiều tượng Phật. Phía trái là cây bời lời cổ thụ hàng chục năm tuổi, phía Nam trước mặt là các cây ngát và tiếp theo là rừng cây xanh rậm rạp, che bóng mát cho Ngài. Du khách thập phương truyền tai nhau rằng khi đến Đền Cô Đá xin duyên được duyên, xin điều lành đều bình an, sức khỏe, công việc đều thuận lợi. Đến lễ, ai cũng phải mang theo cái “tâm” trong sáng, hướng thiện, bớt sân si, vị kỉ. Chị Nguyễn Thị Thủy, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Lần nào về quê Diễn Châu tôi cũng đều ghé thăm để thắp hương lên đức Ngài Cô Đá. Sau khi hành lễ tôi cảm thấy tâm hồn thư thái, thanh thản, bình yên. Hình như có một đấng siêu nhiên nào đó đang chở che, đang thanh lọc tâm hồn cho tôi”.
Cũng như từ xa xưa đến nay, vào những ngày tuần tiết, sóc vọng, dân làng tôi vẫn đến thắp hương cầu xin Ngài Cô Đá ban cho gia đình sức khỏe, hạnh phúc, cuộc sống an lành, cho đất nước bình yên. Họ mang theo niềm tin về các vị thần linh có sức mạnh siêu nhiên phù trợ, để vững lòng hơn trước mọi biến cố cuộc đời. Niềm tin ấy, lâu dần đã hình thành nên những tín ngưỡng văn hóa mang đậm sắc màu thần thoại, một nét tâm linh và tự do tín ngưỡng rất riêng của làng. Tin vào sự linh thiêng của đền Cô Đá, nhưng dân làng tôi cũng không cuồng tín, không chấp nhận những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh xã hội.
Trải qua thời gian, đền Cô Đá tồn tại như một vừng dương sáng rực trên bầu trời quê tôi, song hành cùng đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân và cùng ngần ấy thời gian chứng kiến biết bao thăng trầm lẫn sự đổi thay to lớn của làng quê lúa thanh bình này.