Với diện tích tự nhiên lên đến trên 13,728 triệu km2, chiếm trên 83% diện tích của cả tỉnh và khoảng 36% dân số toàn tỉnh, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, miền Tây Nghệ An là địa bàn sinh sống lâu đời của các đồng bào dân tộc như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo có tiềm năng phát triển kinh tế rừng trong đó có du lịch.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - GIám đốc Sở Du lịch phát biểu khai mạc Hội nghị

Miền Tây Nghệ An có Khu Dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận năm 2007 là Khu Dự trữ lớn nhất trên cạn của Việt Nam, có địa hình đa dạng, có những đỉnh núi cao (đỉnh cao nhất Pu xai lai leng 2.720 m), sông suối dày đặc với nhiều thác ghềnh; có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên, có nhiều hang động đẹp có sức thu hút đối với khách du lịch. Bên cạnh những tiềm năng do thiên nhiên ban tặng, vùng miền núi Tây Nghệ An còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn…mang đậm nét văn hoá đặc sắc văn hóa vùng miền có thể phát triển du lịch bền vững. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định không gian phát triển khu vực miền Tây Nghệ An: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Quang cảnh Hội nghị

Ngày 22/7/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay đã thực hiện hỗ trợ cho 36 hộ gia đình, 12 bản, 12 xã của 9 huyện, với tổng kinh phí 6,12 tỷ đồng. Đây là tiền đề để các hộ gia đình, thôn bản, các huyện phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao sinh kế của người dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của các huyện miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, qua 03 năm triển khai Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND còn có một số khó khăn: Kinh phí hỗ trợ còn ít; lực lượng lao động tại một số điểm chưa được đào tạo và tập huấn một cách bài bản, sản phẩm du lịch cộng đồng còn có sự trùng lặp giữa các địa phương…

Từ những tồn tại như trên, Giám đốc Sở Du lịch đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND; đề ra các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở miền Tây Nghệ An gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Chủ trì Hội nghị

Giám đốc Sở Du lịch cũng nhấn mạnh để du lịch miền Tây Nghệ An có bước phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh với vai trò là “bà đỡ”, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ những khó khăn cho đồng bào trong quá trình thực hiện Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND nhằm tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với ý nghĩa đó, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND, bàn các giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, mong rằng tại Hội nghị này, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức, các doanh nghiệp với thái độ tích cực, tầm nhìn và kinh nghiệm phong phú của mình sẽ mang đến những sáng kiến có tính giải pháp chiến lược, thúc đẩy phát triển du lịch cho các địa phương miền Tây Nghệ An, tạo đà cùng du lịch của cả tỉnh./.