Khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na được thành lập năm 2005 để phục vụ những hộ dân phải nhường đất cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ. 46 căn nhà sàn rộng 40-60 m2 được xây mới, nằm sát sườn núi, mặt tiền hướng ra sông Nậm Nơn. Trong số này có 37 căn do chủ đầu tư làm; 9 căn người dân tự xây, nhận hỗ trợ mỗi hộ 12 triệu đồng.

nha-7260-1699802710.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hgxHLP06kwRxP-HcI3TQqg

Một góc của Khu tái định cư Khe Ò. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều hạng mục phụ trợ như đường bêtông, điện lưới, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng... cũng được đầu tư. Người dân tại nhiều bản ở xã Yên Na chuyển đến Khe Ò sinh sống bằng nghề đi rừng, làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm tái định cư, 43 gia đình lần lượt rời Khe Ò đến làm nhà tại các khu đất dọc sông Nậm Nơn hoặc mặt bằng công trường trước đây là lán trại của nhà thầu thi công thủy điện để sinh sống. Hiện chỉ có 3 hộ bám trụ lại bản vì không có kinh phí di dời.

Ông Lương Đại Thắng, 72 tuổi, đang sống tại khu tái định cư Khe Ò, cho biết năm 2010, trận mưa lớn làm xuất hiện vết nứt dài hơn 100 m phía sau núi, một tảng đá lớn lăn xuống đè sập nhà bếp của hộ dân, đẩy một phần xuống vực. Lo sợ nguy hiểm, người dân rủ nhau đi nơi khác. Thời điểm đó chính quyền xác định 7 căn nhà có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng để tự di dời.

khu-tai-dinh-cu-yen-na-2-2207-1699765068.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4neO0xcw_Kpz2hAloE1fDg

Một căn nhà tại khu tái định cư Khe Ò hoang phế. Ảnh: Đức Hùng

Theo ông Thắng, ngoài lo sạt lở, nhiều gia đình rời đi để làm nghề khác cải thiện thu nhập. Bởi đất Khe Ò toàn đá sỏi, không thể cải tạo trồng hoa màu. "Vợ chồng tôi cùng hai hộ trong bản kinh tế khó khăn, tuổi đã cao, nếu đến nơi mới cũng không lấy đâu ra tiền xây nhà. Vì vậy chúng tôi an phận ở lại làm nghề đánh cá dọc sông suối, chăn nuôi gia cầm", ông nói.

13 năm kể từ khi 43 hộ dân rời bản, khu tái định cư Khe Ò xuống cấp, đường bêtông rộng 4 m, dài hơn 50 m dẫn vào bản hai bên cỏ dại mọc um tùm, những ngả đường phụ đất đá xói mòn. Các căn nhà trước đây sơn màu vàng, xây kiên cố nay hoen ố, rêu mốc, tường bong tróc, bên trong nhiều vật dụng sinh hoạt vứt ngổn ngang. Trường mầm non, nhà văn hóa cộng đồng... đã bung hết mái, cây bụi cao hơn một mét phủ kín.

"Vắng người ở nên không gian tại Khe Ò hoang tàn, buồn tẻ. Bản cách khu dân cư và thị tứ Bản Vẽ 4-5 km nên vào buổi tối hay những lúc mưa lũ chúng tôi dường như bị cô lập với bên ngoài", một người dân cho hay.

khu-thaidinh-cu-yen-na-3-9735-1699765068.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ipssp0CwFo1xoJdS2AO7tA

Bản Khe Ò hiện nay còn 3 hộ dân bám trụ. Ảnh: Đức Hùng

Lãnh đạo xã Yên Na cho biết toàn xã có 3 khu tái định cư di dân thủy điện Bản Vẽ. Trước đây vì lý do cấp bách trong giải phóng mặt bằng nên quá trình khảo sát địa hình, địa chất để lập khu tái định cư tại Khe Ò chưa thấu đáo. Người dân ở một thời gian thấy sạt trượt, hẻo lánh, con cái đi học xa nên rời đi.

Theo ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, 43 hộ dân lúc rời Khe Ò đi nơi khác ở chưa bàn giao mặt bằng cho địa phương. Sắp tới cán bộ chuyên môn sẽ khảo sát, đề nghị nếu ai không có nhu cầu sử dụng thì trả lại công trình, sau đó mới tính tiếp phương án xử lý.

Thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc Trung Bộ, nằm ở đầu nguồn sông Cả, huyện Tương Dương, công suất thiết kế 320 MW; mực nước bình thường 200 m; dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3; hòa lưới điện quốc gia năm 2010. Khi làm dự án, 2.910 hộ với 13.735 nhân khẩu thuộc 31 bản của 8 xã vùng lòng hồ phải di dời.