Nhiều vi phạm, sự cố
Ở khu vực Suối Bắc hiện có 3 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng thiếc bằng phương pháp hầm lò, gồm: Công ty TNHH Thiếc Hà An; Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh; Công ty TNHH Thiếc Hồng Bảo Ngọc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cả 3 đơn vị đều có những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên - môi trường, dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, Công ty TNHH Thiếc Hà An được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 377/GP-BTNMT ngày 27/3/2013, được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 6/7/2012.
Trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH Thiếc Hà An có một số tồn tại trong việc chấp hành pháp luật, bị đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước với số tiền 68 triệu đồng; Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 901/QĐ-BTNMT ngày 5/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản số tiền 250 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 4,5 tháng kể từ ngày 4/6/2024; Đoàn kiểm của Công an huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 70 triệu đồng…
Với Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2728/GP-BTNMT ngày 21/12/2013. Vào ngày 9/3/2017, tại khu vực mỏ ở suối Bắc đã xảy ra sự cố vỡ đập bùn thải gây tràn bùn xuống khe, suối thuộc các xã Châu Hồng, Châu Thành, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, cá chết ở xã Châu Quang, buộc phải dừng hoàn toàn hoạt động để khắc phục sự cố.
Từ sự cố vỡ đập bùn thải, đoàn kiểm tra theo Quyết định số 377/QĐ-BTNMT ngày 13/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh có một số tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên - môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với số tiền 1.070 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng. Đến năm 2022, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh tiếp tục bị đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND của UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 31.775 triệu đồng.
Còn với Công ty TNHH Thiếc Hồng Bảo Ngọc, được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 379/GP-BTNMT ngày 27/3/2013; bắt đầu khai thác năm 2015 và phải dừng hoạt động ở năm 2020 do hàm lượng thiếc giảm. Tuy nhiên, Công ty TNHH Thiếc Hồng Bảo Ngọc cũng có những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên - môi trường, bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, công ty này bị đoàn kiểm tra theo Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường với số tiền 70 triệu đồng; Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản với số tiền 152,96 triệu đồng.
Về sự cố môi trường từ hoạt động khai thác, chế biến quặng thiếc, đến nay đã xảy ra 2 vụ việc, gồm vụ vỡ đập chắn bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh xảy ra ngày 9/3/2017; cùng đó là vụ cá chết bất thường tại khu vực suối Nậm Huống chảy qua xóm bản Cải, xã Châu Thành ngày 1/7/2024.
Riêng với vụ việc ngày 1/7/2024, bằng Văn bản số 7151/UBND-NN ngày 21/8/2024, UBND tỉnh thông tin đến Bộ Tài nguyên và Môi trường nội dung, qua kiểm tra, xác minh cho thấy Công ty TNHH Thiếc Hà An đã bơm nước thải từ hầm lò (sau khi xử lý lắng qua các bể lắng) thải vào hang casto (moong khai thác quặng thiếc cũ của Công ty CP Kim Loại màu Nghệ Tĩnh) và tự chảy ra ở đầu nguồn suối Bắc, xã Châu Thành; đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước mặt ở khe, suối: mẫu nước mặt lấy tại điểm khu vực hang casto thải ra đầu nguồn suối Bắc, xã Châu Thành ngày 8/7/2024 qua phân tích cho thấy có 5/8 thông số vượt quy chuẩn, gồm: Amoni vượt 1,71 lần; Asen vượt 5,4 lần; Cadimi vượt 18,56 lần; Mangan vượt 23,7 lần; Sắt vượt 16,34 lần.
Kiến nghị kiểm tra toàn diện
Để Bộ Tài nguyên và Môi trường rõ hơn những khó khăn, tại Văn bản số 7151/UBND-NN ngày 21/8/2024 UBND tỉnh Nghệ An phân tích: Các khu vực mỏ được cấp phép khai thác quặng thiếc gốc ở khu vực Suối Bắc, huyện Quỳ Hợp đều nằm ở vị trí có địa hình đồi núi cao hơn nhiều so với địa hình xung quanh. Khu vực này cũng nằm ở vị trí đầu nguồn nước được sử dụng tưới tiêu, chăn nuôi và sinh hoạt của dân cư. Vì vậy, khi xảy ra các sự cố từ các khu vực khai thác, chế biến quặng thiếc, bùn và nước thải chứa kim loại nặng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của người dân. Trong khi đó, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa dự báo được các vấn đề nêu trên.
Một số vấn đề rất đáng băn khoăn, đó là trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở (đối với hạng mục khai thác, chế biến) so với thời điểm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực trên trong thời gian qua chưa đảm bảo yêu cầu, còn có chồng chéo về nội dung và thẩm quyền xử lý.
Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An nhận thấy “cần thiết kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đảm bảo không để xảy ra các vụ việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và nhân dân tại các địa bàn có liên quan của huyện Quỳ Hợp như đã xảy ra trong thời gian qua”. Và có kiến nghị: “Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra tổng thể việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng thiếc tại khu vực suối Bắc, huyện Quỳ Hợp; kết quả kiểm tra, xử lý, kiến nghị của đoàn kiểm tra là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền có liên quan thực thi công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, kiến nghị của UBND tỉnh là rất cần thiết. Vì Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đủ thẩm quyền; và có các cơ quan chuyên môn đủ năng lực, kinh nghiệm để kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường tại các mỏ thiếc khu vực suối Bắc, qua đó, đề ra được các biện pháp quản lý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang trao đổi thêm: “Khi xảy ra sự cố, chính quyền 2 cấp ở huyện Quỳ Hợp rất vất vả. Không chỉ là việc kịp thời xuống cơ sở để ghi nhận sự cố hay tổ chức xác minh ban đầu, mà rất vất vả trong công tác dân vận ổn định tư tưởng trong nhân dân, giữ không để xảy ra điểm nóng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện nội dung kiến nghị của UBND tỉnh để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Trường hợp tiếp tục cho phép các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến quặng thiếc ở khu vực Suối Bắc, đề nghị quan tâm kiến nghị của huyện Quỳ Hợp từ nhiều năm qua, đó là thay thế, chuyển nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước Quỳ Hợp…”.