Luật mới được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan…
Áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% thì sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì đều sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế GTGT đầu ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra ngân sách để hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố bất cập đối với NSNN, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế GTGT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định thêm mức thuế suất 2 % sẽ phải kết cấu lại Luật Thuế giá trị gia tăng như thiết kế khoản riêng về mức thuế suất, bổ sung quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này. Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế GTGT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành. Với tỷ lệ 72,67% Quốc hội đã thông qua Luật Thuế GTGT (sửa đổi).
Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm
Luật Thuế GTGT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm. Số liệu tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng. Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng. Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã quy định nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm.
Bỏ quy định cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, chính sách này đến nay không còn phù hợp và cần thiết do các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, khắc phục được tình trạng gian lận hoá đơn. Mặt khác Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế, trong đó người mua chỉ được hoàn thuế trong trường hợp “người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế”, tạo căn cứ pháp lý cho Cơ quan thuế chỉ giải quyết hồ sơ hoàn thuế khi bên bán đã kê khai và nộp tiền vào NSNN. Do đó, sẽ không xảy ra trường hợp hoàn thuế cho các hoá đơn giả khi không có giao dịch và không có số thuế đầu vào đã được nộp vào ngân sách.
Không miễn các loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ
Thực tế, thời gian gần đây đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử bán hàng vào Việt Nam với giá trị rất nhỏ, rất thấp, rất rẻ và rất cạnh tranh, để tăng cường hiệu quả quản lý thu thuế, Quốc hội thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp, yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.