Lý do, không chỉ được nhắc đến trong báo cáo này mà còn ở nhiều báo cáo khác, đó là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Và sự ngại, việc sợ này, như chia sẻ của Giám đốc một bệnh viện hạng đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh gói gọn trong chữ "giá": Vì sao cứ phải là giá rẻ nhất thì mới được chọn?
Thực tế, dù luật không quy định câu từ chính xác phải lấy giá rẻ nhất nhưng bảo hiểm chỉ thanh toán theo giá thấp nhất. Vấn đề này bảo hiểm đã có văn bản. Bệnh viện đã tiếp nhiều đoàn thanh tra kiểm toán và luôn được hỏi tại sao chọn giá này mà không phải giá kia, giảm trừ thanh quyết toán rất nhiều - thành viên Tổ thẩm định của một bệnh viện cho biết. Dẫn chứng cụ thể là một chiếc kim của Trung Quốc giá 5.000 đồng nhưng kim của châu Âu giá tới 10.000 đồng. Đoàn thanh tra, kiểm toán sẽ yêu cầu giải thích tại sao không lấy giá của Trung Quốc trong khi kỹ thuật giống nhau? Như vậy, điều này có phần mâu thuẫn với thực tế là khi bác sỹ muốn chọn vật tư, thiết bị chất lượng tốt, dù giá cao để đạt hiệu quả chuyên môn, điều trị tốt cho bệnh nhân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một đại biểu Quốc hội khi chia sẻ với báo chí cũng cho biết, "điểm nghẽn" của cơ chế đấu thầu được nói tới lâu nay là thuốc trúng thầu phải có giá rẻ nhất. Giá trúng thấp nhất sẽ được dùng làm giá kế hoạch sang năm, thuốc trúng thầu năm nay lại phải thấp hơn giá kế hoạch. Như vậy năm sau phải rẻ hơn năm trước. Đây là cơ chế bất cập vì mục tiêu cao nhất của đấu thầu là để người bệnh có thuốc, trang thiết bị bảo đảm chất lượng với giá hợp lý nhất.
Rằng không chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng có thể có “quân xanh, quân đỏ”, có thông thầu, chỉ định thầu… ai sai sẽ bị pháp luật xử lý. Điều quan trọng là không nhất thiết áp dụng cứng nhắc đấu thầu mà cần xem xét mục tiêu cuối cùng là gì, so sánh giữa các giải pháp, cái nào tốt nhất cho dân thì làm. Luật Đấu thầu áp dụng chung cho tất cả mặt hàng, thuốc không phải ngoại lệ nên vấn đề là cần cơ chế mới - đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh.
Cần nhắc lại rằng, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã phát biểu: Chúng ta đã lắng nghe vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế từ các bệnh viện. Vấn đề bây giờ là cần tiếp thu, sửa thông tư đồng bộ với Bộ Y tế. Cần bắt tay làm ngay, sửa hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ví dụ như ai là người ký quyết định phê duyệt chủ trương đấu thầu thuốc.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản trong đó nhấn mạnh thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...
Nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, tuy nhiên thực tế vẫn đang có vướng mắc về mặt pháp lý. Do đó, điều cần thiết là phải có giải pháp khắc phục, để những người thực thi nhiệm vụ không thể sai và không dám sai.
Ninh Hà