Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang:
Đúng vai, đúng thẩm quyền trong xây dựng pháp luật
Tại Kỳ họp này, các nội dung thuộc công tác lập pháp sẽ thể hiện tinh thần đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật, đó là luật không quy định những gì mà nghị định, thông tư đã quy định. Đổi mới gì thì đổi mới nhưng trước hết phải bảo đảm “đúng vai”. Cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quy định; cái gì thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ quy định, vừa qua, có lúc chúng ta còn sa đà vào quy trình, thủ tục mà quy trình, thủ tục là thuộc thẩm quyền của bộ, thẩm quyền của Chính phủ.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu luật phải cụ thể, đồng thời phải đúng thẩm quyền. Quan điểm chỉ đạo "đúng vai, đúng thẩm quyền" trong xây dựng pháp luật là hoàn toàn chính xác. Có ý kiến băn khoăn như vậy thì luật ban hành xong có phải chờ nghị định, thông tư hay không, trong bối cảnh vừa qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm như vậy. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực kèm theo”. Do đó, phải thực hiện nghiêm vấn đề này. Bây giờ ai kiểm soát vấn đề này? - Trước tiên là trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, rồi cơ quan ban hành phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong ban hành văn bản quy định chi tiết. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, các cơ quan của Quốc hội cần phải tăng cường giám sát để bảo đảm các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm văn bản luật có hiệu lực thi hành; đồng thời, phải kiểm soát, bảo đảm được các quy định trong các văn bản quy định chi tiết phù hợp với quy định của pháp luật.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):
Chuyển biến rất rõ nét trong cách thức xây dựng pháp luật
Kỳ họp thứ Tám có ý nghĩa rất quan trọng, có tính bản lề để chuẩn bị cho việc “về đích” trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được đề ra cho cả nhiệm kỳ, do vậy, khối lượng công việc Quốc hội xem xét giải quyết nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có tới 31 nội dung liên quan đến công tác lập pháp, 14 nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và rất nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Các nội dung thuộc công tác lập pháp trình ra Quốc hội tại kỳ họp này cũng thể hiện một tinh thần đổi mới, sự chuyển biến rất rõ nét trong cách thức xây dựng pháp luật, đó là quan điểm không luật hóa những vấn đề nghị định, thông tư quy định; Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Bối cảnh này đòi hỏi cần có lý luận mới, tư duy mới, chiến lược mới, cách thức triển khai và nhiệm vụ đặt ra mới hơn. Điều này cũng đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế cần phải có tư duy mới, cách thức mới để khơi thông những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. Do vậy, tinh thần này được phản ánh rất tức thì ngay trong Kỳ họp thứ Tám.
Điều này thể hiện ngay trong các dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp, bên cạnh những dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến một lần còn có những dự án Luật được trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Nhiều nội dung được Chính phủ đề xuất bổ sung vào chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn và kiến tạo cho sự phát triển, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, điều hành kinh tế vĩ mô và nhiều nội dung khác liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Với số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp là rất lớn, sức ép đặt lên các cơ quan của Quốc hội cũng rất lớn. Các đại biểu Quốc hội cần phát huy trách nhiệm cao nhất trong nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án luật, bảo đảm ban hành được những đạo luật tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng của các cơ quan, đến thời điểm này, tôi cơ bản thấy yên tâm với các nội dung được trình Quốc hội và tin tưởng rằng, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp. Qua đó cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc đề xuất những nội dung xuất phát từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống; sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đồng hành của các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, kiến tạo cho phát triển.
ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An):
Phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới phát sinh
Kỳ họp thứ Tám có nhiều nội dung quan trọng. Chỉ riêng về lập pháp, số lượng dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó, nhiều dự án luật có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị quyết Trung ương 10 Khóa XIII đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn nhưng thực tế là thực tiễn luôn thay đổi, do đó cần phải kịp thời có hành lang pháp lý để điều chỉnh.
Tại Kỳ họp thứ Bảy, tôi cũng đã có đề nghị nghiên cứu thay đổi cách thức xây dựng pháp luật để chúng ta có thể phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới phát sinh mà pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, không nhất thiết phải chờ sơ kết, tổng kết để sửa đổi một cách toàn diện. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật thì cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và toàn diện từ cơ quan soạn thảo, không chỉ đối với dự thảo luật mà còn phải có kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi luật được Quốc hội thông qua. Đồng thời, tạo điều kiện hơn nữa để cơ quan thẩm tra được thông tin sớm về chính sách và các ý kiến góp ý, phản biện của người dân, cơ quan, tổ chức phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, trong đó, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là vấn đề cử tri hết sức quan tâm.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Tám, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Bảy, Quốc hội khóa XV. Với hơn 90% kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.