Từ hành trình với chữ Hán Nôm...
Trần Mạnh Cường sinh năm Mậu Thìn 1988, trong một gia đình trí thức tại huyện miền núi Con Cuông. Khi nói về tên của mình, anh chia sẻ rằng bố mẹ đã đặt tên anh theo tên Đại úy Cường, nhân vật trong vở kịch “Nhân danh công lý” của tác giả Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm. Trong đó, Đại úy Cường là biểu tượng của sự chính trực, công minh, không bị lay chuyển bởi tiền bạc hay quyền uy, mà luôn dũng cảm đứng ra bảo vệ người yếu thế và đưa những kẻ tội đồ đối diện với lương tâm và pháp luật.
Từ nhỏ, ngoài giờ học tập từ bố mẹ, anh đã thấm đẫm những câu thơ, bài phú cổ điển từ bà nội, nên đã sớm được đắp bồi và say mê với kho tàng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cơ duyên đưa anh đến với chuyên ngành Hán Nôm lại có phần đặc biệt khi không đủ điểm đỗ vào ngành Luật Hình sự của Đại học Luật Hà Nội, anh đã nhanh chóng đăng ký NV2 vào chuyên ngành Hán Nôm của Đại học Khoa học Huế.
Trong quá trình học tập tại Huế, một vùng đất vốn được xem là trung tâm văn hóa lớn, Cường đã có cơ hội tiếp xúc và khám phá nhiều giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc. Tại đây, thông qua các thư tịch cổ viết bằng chữ Hán Nôm, Cường không chỉ được tiếp cận với kiến thức uyên thâm của các nhà Nho trong lịch sử, mà còn tiếp thu được những di sản văn hóa đa dạng từ các vùng miền khác.

Trần Mạnh Cường cùng PGS sử học Hasuda Takashi - khoa Lịch sử trường Đại học Nigata - Nhật Bản nghiên cứu về quan hệ Việt - Nhật tại Nghệ An

Những văn bản cổ quý giá từng xuất hiện trong các trang giáo trình, cùng với những tư liệu thu thập được từ các chuyến điền dã thời sinh viên, không chỉ là các tư tưởng triết học, lịch sử, địa dư, văn học… mà còn là những câu chuyện dân gian, phong tục, tập quán đặc sắc của các vùng miền trên khắp đất nước. Chính sự tiếp xúc thường xuyên với các thư tịch cổ đã làm thay đổi hoàn toàn định hướng cuộc đời của Cường. Ước mơ trở thành một luật sư từ thuở còn trung học, với khát khao theo đuổi công lý và pháp luật, dần bị thay thế bởi niềm đam mê mãnh liệt dành cho việc khám phá nghiên cứu và gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của đất nước.
Sau 4 năm miệt mài học tập dưới mái trường Đại học Khoa học Huế, Cường đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Hán Nôm, một lĩnh vực tưởng như ít người theo đuổi nhưng lại mang trong mình giá trị sâu sắc của dân tộc trên nhiều lĩnh vực như chính trị, binh pháp, văn chương, địa dư, sử học, y học, tôn giáo... Cuối năm 2010, Cường đã được nhận về công tác tại Thư viện Nghệ An theo diện thu hút nhân tài của địa phương.
Trở về mảnh đất xứ Nghệ, nơi gắn liền với tuổi thơ và là nơi lưu giữ biết bao di sản văn hóa dân tộc, anh không ngừng nỗ lực tìm kiếm và giải mã những tài liệu cổ quý giá, để cung cấp nhiều hơn những quan điểm mới mẻ về nhiều lĩnh vực dưới góc nhìn lịch sử.
Mặc dù công việc của anh tại thư viện chỉ là một thư viện viên bình thường, với mức lương ít ỏi và phương tiện di chuyển đơn giản  là một chiếc xe máy thô sơ, nhưng Cường vẫn không quản ngại khó khăn, rong ruổi khắp các làng quê xứ Nghệ, và thậm chí còn mở rộng hành trình của mình ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Hễ nghe tin ở đâu có lưu giữ các tài liệu cổ, dù là ở những nơi xa xôi hay khó khăn, anh lập tức tìm đến với sự háo hức của một người khao khát khám phá và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sau 10 năm gắn bó với Thư viện tỉnh Nghệ An, vào đầu năm 2020, Cường chuyển công tác sang Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An. Tại môi trường chuyên sâu về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, anh càng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa những dự định và niềm đam mê của mình.

Trần Mạnh Cường trao đổi với GS Sử học Andrew Hardy, trưởng đại diện Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Việt Nam

Những mẩu tư liệu tưởng chừng như nhỏ bé và nằm rải rác trong các dòng họ, nơi đền, chùa cổ xưa của những ngôi làng hẻo lánh, hay trong những bộ thư tịch quý hiếm tại các trung tâm lưu trữ lớn trên khắp cả nước, qua bàn tay và sự kiên trì của Cường, đã nhiều lần trở thành những khám phá bất ngờ, tiết lộ những quan điểm khoa học mới mẻ và quý giá, có ý nghĩa to lớn về lịch sử và văn hóa. Những phát hiện này không chỉ góp phần làm sáng tỏ nhiều góc khuất trong quá khứ mà còn làm giàu thêm kho tàng tri thức dân tộc, mở ra những trang sử mới cho các công trình nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Hành trình 15 năm miệt mài tìm tòi, học hỏi, và thu thập tư liệu gốc trên địa bàn Nghệ - Tĩnh, đã giúp Cường ghi dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực nghiên cứu về vùng đất và con người xứ Nghệ.
... Đến những nghiên cứu và phản biện khoa học
Trần Mạnh Cường trở nên đặc biệt không chỉ bởi kiến thức sâu rộng mà còn nhờ sự tận tâm và kiên trì trong việc khám phá những tư liệu lịch sử quan trọng, mang lại những góc nhìn mới mẻ về quá khứ. Một trong những đóng góp nổi bật của anh là việc làm sáng tỏ vai trò của mảnh đất Nghệ An trong việc thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XVII. Chính Nghệ An, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, đã đặt nền móng cho một thời kỳ hữu nghị rực rỡ giữa hai quốc gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giao thương quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Trần Mạnh Cường còn khám phá ra những manh mối quan trọng về sự thịnh vượng của cảng Phục Lễ (Hưng Nguyên, Nghệ An) vào thế kỷ XVI. Thương cảng này từng là một trung tâm giao thương quốc tế sầm uất, đóng vai trò chiến lược trong kinh tế đất nước, tương tự như Hội An ở Đàng trong và Phố Hiến tại Đàng ngoài. Tuy nhiên, do nhiều biến động lịch sử, cảng Phục Lễ dần suy tàn và bị lãng quên. Nhờ những phát hiện lịch sử quan trọng của Cường, người dân xứ Nghệ mới hiểu rõ hơn về vùng đất Hưng Nguyên từng vang bóng một thời, khơi dậy niềm tự hào về di sản của quê hương. Những đóng góp này không chỉ làm sáng tỏ những trang sử bị lãng quên, mà còn góp phần hồi sinh ý thức văn hóa.
Hay như qua việc nghiên cứu bộ tư liệu của dòng họ Trần Văn ở An Hòa, Quỳnh Lưu, Trần Mạnh Cường đã làm sáng tỏ một phần lịch sử đầy tự hào khi tìm ra danh tính của hai vị tướng tài ba, Trì Uy tướng quân Trần Suất và em trai Trần Hiền. Hai vị tướng này là người trực tiếp tuyển quân tại Nghệ An dưới sự chỉ đạo của vua Quang Trung, tham gia vào trận chiến đánh đuổi quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Họ không chỉ phò tá hai đời vua Quang Trung và Quang Toản, mà còn được đánh giá cao như những võ tướng kiệt xuất, trung thành và tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp thống nhất và bảo vệ đất nước. Hình ảnh của hai vị tướng không chỉ là biểu tượng của lòng trung kiên và tài năng quân sự dưới triều đại Tây Sơn, mà còn là minh chứng cho những giá trị bất diệt của tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ non sông, trở thành một biểu tượng đẹp về những nhân vật lịch sử của triều đại Tây Sơn.
Bên cạnh đó, Trần Mạnh Cường còn được xem là một chuyên gia phản biện những quan điểm lịch sử vốn đã xưa nay quen thuộc. Anh từng khẳng định ở một bài viết trên Đặc san KHXH&NV Nghệ An về việc nghiên cứu lịch sử: “Lịch sử là những cái đã qua, người đời sau không một ai có thể chứng kiến trực tiếp những gì đã diễn ra ở khoảng thời gian trước đó. Vì vậy, trong trường hợp muốn biết được lịch sử, cần phải tìm được chứng cứ có độ xác tín cao, đó chính là các tư liệu gốc (primary source) và vật chứng gốc (original evidence) được ghi chép vào đúng thời điểm mà nó xuất hiện và trực tiếp tham gia vào sự kiện, chưa hề trải qua việc sao chép hay viết lại do người đời sau thực hiện. Việc nghiên cứu lịch sử cũng giống như điều tra hình sự, phải lấy câu “trọng chứng hơn trọng cung” làm đầu. Như vậy thì mới có thể nhận thức đúng đắn về các sự kiện diễn ra trong lịch sử được”.
 Mặc dù không phải là người học chuyên ngành lịch sử, nhưng nhờ có vốn chữ Hán Nôm, nên anh đã trực tiếp đọc và sưu tầm nhiều tư liệu gốc, bao gồm nhiều loại hình văn bản trên địa bàn Nghệ Tĩnh như văn bia, bằng cấp, lệnh chỉ, lệnh dụ, gia chỉ, cấp phó... Chính vì vậy mà anh đã chứng minh nhiều khảo cứu của nhiều bậc tiền bối chưa đủ cơ sở và thiếu chính xác, như việc mốc ra đời tên gọi một số huyện trên địa bàn Nghệ Tĩnh, mốc thời gian Vinh trở thành lị sở Nghệ An, tên gọi Nghệ An dưới thời Tây Sơn… Những bài viết của anh đều thể hiện kiến thức sâu rộng và góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ, chân thực. Nhiều người khi đọc tác phẩm của anh không khỏi ngỡ ngàng, vì sự già dặn trong tri thức và cách viết tưởng chừng chỉ có ở những lão thành chuyên về lịch sử. Đặc biệt là những phản biện của Trần Mạnh Cường đều với tinh thần khoa học nên được nhiều người tán đồng và khâm phục (Những bài viết này đều đã được đăng tải trên nhiều số Đặc san KHXH&NV Nghệ An với bút danh Tử Quang, mời bạn đọc xem lại).
Đặc biệt nhất là việc ứng dụng tri thức văn hóa cổ để định hướng điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại, bởi nhiều tên gọi cổ xuất hiện nhiều trong thành ngữ ca dao và những tác phẩm trứ danh, gắn liền với tâm thức bao thế hệ người dân khả năng cao sẽ mất đi, thay vào đó là những tên ghép trông rất lạ lùng và vô nghĩa. Trần Mạnh Cường đã khẳng định “Địa danh thường là sự tái hiện của một sự kiện hay, cô đọng của một chặng đường lịch sử, và là biểu tượng của một phần văn hóa. Mỗi địa danh đều mang ký ức chung về sự phát triển của mỗi một quê hương xứ sở, phản ánh lịch sử, đặc điểm văn hóa địa phương và gắn liền với tâm thức của người dân ở rất nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà địa danh thực sự là “hóa thạch sống” của lịch sử”, đồng thời đề xuất 3 giải pháp trong việc duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh, được chính quyền địa phương và người dân tán thành quan điểm.
Hay như việc huyện Thanh Chương và 1 số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới đây tổ chức 555 danh xưng, đã tạo nên nhiều dư luận trái chiều về mốc thời điểm. Bởi xưa nay, rất nhiều người tán đồng quan điểm tên gọi Thanh Chương ra đời sau năm 1729 do kiêng húy của chúa Trịnh Giang mà đổi từ Thanh Giang sang Thanh Chương, theo quan điểm của Giáo sư Hà Văn Tấn và Giáo sư Ngô Đức Thọ. Chính vì được trích dẫn từ những công trình khảo cứu công phu và giá trị của 2 cây đại thụ trong giới học thuật, nên quan điểm này dễ dàng được chấp nhận và lan tỏa. Tuy nhiên, Cường cho rằng, những nhận định ở trên là chưa đủ cơ sở và thiếu chính xác. Bởi dựa vào những tư liệu gốc hiện tồn gồm các loại hình văn bản hành chính của 2 triều đại Lê và Nguyễn, như: Văn bia, Sắc phong, Bằng cấp, Lệnh chỉ, Lệnh dụ, Gia chỉ, Cấp phó... đang được lưu giữ tại các dòng họ ngay trên mảnh đất Thanh Chương hiện nay, thì 2 chữ "Thanh Chương" đã được ghi chép rất rõ ràng từ trước năm 1729. Trong khi đó, Cương mục ghi rõ rằng, tháng 3 năm Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469), Vua Lê Thánh Tông định bản đồ trong nước, đặt 12 thừa tuyên. Trong đó, thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh tất cả gồm 8 phủ, 18 huyện, 2 châu. Mốc thời gian ra đời của đa số danh xưng của các huyện trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Nam Đường (Nam Đàn), Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thạch Hà, Kỳ Hoa (Kỳ Anh), đều ra đời vào năm 1469.
Với vốn tri thức tích lũy được qua từng năm cũng đã giúp anh xây dựng nên bộ font tư liệu để thai nghén và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, có thể kể đến như: “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ và luật pháp quốc tế”. Ở cuốn sách này, Trần Mạnh Cường đã dẫn dắt người đọc men theo dòng chảy lịch sử Việt Nam (từ thế kỷ XVII cho tới cuối triều Nguyễn - thế kỷ XIX) tìm đến với những ghi chép, sự mô tả về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách đầy đủ và chi tiết trong nhiều tác phẩm của các nhà Nho xứ Nghệ, như: “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của nho sinh Đỗ Bá Công Đạo; “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, “Quảng Thuận đạo sử tập” của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, “Đại Việt sử ký tục biên” do Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du đồng biên soạn…
 Thông qua các ghi chép cụ thể với những hình ảnh, minh chứng rõ ràng, người đọc có thể cảm nhận được, với tầm nhìn về vai trò quan trọng của biển đảo, ông cha chúng ta từ xa xưa đã đổ biết bao công sức để khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo khác, khi mà chúng chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Điều đặc biệt, trong các tác phẩm địa dư của Việt Nam viết về Hoàng Sa - Trường Sa dưới hai triều Lê và Nguyễn thì hầu như đều có sự đóng góp rất lớn của các trí thức người Nghệ. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts) có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý quan trọng, được Trần Mạnh Cường trực tiếp biên dịch, hiệu đính, đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế. Điều thú vị là để viết được cuốn sách này, Trần Mạnh Cường đã theo học văn bằng 2 chuyên ngành Luật Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân, để có thể có đủ kiến thức về lĩnh vực Công pháp quốc tế.
Hay như nhiệm vụ khoa học “Văn bia Phật giáo Nghệ An” được Trần Mạnh Cường nghiên cứu trên các phương diện lịch sử, văn học, văn hóa, địa lý, giáo dục; đính chính, bổ cứu những vấn đề chưa thỏa đáng, thiếu sót của một số văn bia. Từ đó, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn bia Phật giáo trên địa bàn Nghệ An. Thông qua nhiệm vụ khoa học này, Trần Mạnh Cường đã nghiên cứu và đưa ra tổng quan về 7 giá trị nội dung của văn bia Phật giáo Nghệ An: phản ánh lịch sử du nhập và phát triển lâu đời của Phật giáo Nghệ An; phản ánh đặc trưng chùa làng của vùng đất xứ Nghệ; phản ánh cuộc sống thanh bình, niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương; phản ánh cấu trúc ngôi chùa đặc trưng của xứ Nghệ cũng như việc trùng tu, tôn tạo di tích; phản ánh tục bầu Hậu ở xứ Nghệ; phản ánh tính chất tam giáo đồng nguyên trong đời sống tôn giáo - tín ngưỡng của người Nghệ An; cung cấp thêm thông tin về hành trạng và sự nghiệp của nhiều nhân vật lịch sử. Nhiệm vụ này đã được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An nghiệm thu, và Nhà xuất bản Nghệ An đưa vào danh sách sách nhà nước đặt hàng xuất bản.
Đặc biệt nhất phải kể tới Bộ sách y học “Quỳ viên gia học” gồm 12 quyển với hơn 1000 trang chữ Hán Nôm của danh y Hoàng Nguyên Cát. Bộ sách này đề cập nhiều lĩnh vực, từ lý luận cơ bản về kinh dịch, quan điểm về y đức, đến nghiên cứu về mô hình bệnh tật, dược liệu và đặc biệt là các bệnh án mà danh y Hoàng Nguyên Cát đã gặp hoặc trực tiếp điều trị, các bài thuốc được ông ghi chép lại. Trần Mạnh Cường và Dịch giả Trương Đình Tín thuộc nhóm biên dịch và biên tập bộ sách đồ sộ này. Hiện sách đã được Nhà xuất bản Nghệ An cấp phép xuất bản dự kiến vào tháng 11 năm 2024.
Hiện nay, Trần Mạnh Cường đang chủ trì  nhiệm vụ khoa học nghiên cứu về tác phẩm Nghệ An thi tập (2 tập) của danh sĩ Bùi Huy Bích và tác phẩm Quỳnh Lưu phong thổ ký của danh sĩ Hồ Tất Tố, dự kiến nghiệm thu vào cuối năm 2024 và đề xuất sách nhà nước đặt hàng năm 2025. Trần Mạnh Cường cũng đang hoàn thiện thêm nhiều tác phẩm khác như: Nam Thiên biện lục (Nhận thức lại một số vấn đề trong lịch sử xứ Nghệ); Trời Nam in dấu (Uy Minh vương Lý Nhật Quang với đất và người xứ Nghệ);…
Với chuyên ngành Hán Nôm, Trần Mạnh Cường đã dịch nghĩa nhiều văn bia, sắc phong, cùng nhiều văn bản Hán Nôm tại Nghệ Tĩnh. Những bản dịch của Trần Mạnh Cường mang lại kiến thức mới về lịch sử địa phương và giúp cộng đồng tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống. Chính vì vậy mà anh đã “phỏng cổ” và nổi tiếng với khả năng sáng tác thơ, phú. Những bài thơ của anh thường gợi lên cảm xúc man mác, sâu lắng;  mang đậm chất cổ điển nhưng vẫn chứa đựng hơi thở của thời hiện đại. Anh có nhiều bài phú được truyền tụng là “Covid 19 đại dịch phú” (Bài phú đại dịch Covid 19) và “Rào Trăng bi hùng phú” (văn tế 13 chiến sỹ hy sinh tại thủy điện Rào Trăng). Đặc biệt, anh còn là tác giả của nhiều câu đối tại những công trình tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng tại xứ Nghệ như: đình Hoành Sơn, đền Khe Sặt, đền Hưng Đạo Vương, đền vua Lê Thái Tổ, đền Ông Hoàng Mười, đền vua Quang Trung,… Anh hiện đang là Admin của Hội thơ Đường luật Việt Nam trên facebook với hơn 13.000 thành viên.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Ngoài những đóng góp xuất sắc trong nhiều lĩnh vực chuyên môn và các công trình phản biện khoa học có giá trị, Trần Mạnh Cường còn được biết đến như một nhà sưu tầm uy tín, với bộ sưu tập tư liệu sách cổ quý hiếm đáng trân trọng. Đặc biệt, sách cổ Hán Nôm là di sản văn hóa vô giá của dân tộc, chứa đựng không chỉ kiến thức mà còn cả tâm hồn, lịch sử và bản sắc của người Việt qua nhiều thế hệ.
Mỗi cuốn sách, mỗi dòng chữ đều là một mảnh ghép quan trọng của nền văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và triết lý sống mà cha ông ta đã gìn giữ và truyền lại. Việc bảo tồn và lưu giữ những tài liệu quý giá này không chỉ là bảo vệ kho tàng tri thức của quá khứ mà còn là nhiệm vụ cao cả để truyền tải những giá trị văn hóa tinh hoa đến tương lai.
Trong bối cảnh nhiều cơ quan làm thất lạc sách cổ Hán Nôm và nhiều người thu thập văn bản Hán Nôm bán ra nước ngoài, Trần Mạnh Cường nổi lên như một biểu tượng của sự đam mê và trách nhiệm, khi anh dành trọn tâm huyết để sưu tầm và bảo tồn những cuốn sách cổ quý giá, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Anh đã thành lập “Hoan Diễn tàng thư các” để làm nơi lưu giữ bộ sưu tập gồm nhiều tác phẩm vô giá, trong đó phải kể đến “Phan Bội Châu niên biểu” - cuốn sách do chính chí sĩ Phan Bội Châu viết về cuộc đời mình từ khi sinh ra năm 1867 cho đến khi bị bắt và giải về nước năm 1925. Ngoài ra, còn có “Dược tính quốc âm”, tập hợp những bài thơ Đường luật và phú chữ Nôm viết về các loại thuốc Nam truyền thống, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và văn học dân tộc.
Đặc biệt, đáng chú ý nhất là những cuốn sách cổ vẽ bản đồ của Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - hay còn gọi là “Bãi Cát Vàng” - thuộc về phủ Quảng Ngãi, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Song song đó, anh cũng sưu tầm các sách cổ của Trung Hoa, trong đó bản đồ nước này chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề có sự xuất hiện của Hoàng Sa và Trường Sa, làm sáng tỏ những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, khẳng định chắc nịch quyền làm chủ tuyệt đối của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Những tài liệu này không chỉ là kho báu văn hóa, mà còn là bằng chứng lịch sử sống động, khẳng định vị trí và quyền lợi của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự cống hiến của Trần Mạnh Cường không chỉ góp phần gìn giữ quá khứ mà còn bảo vệ và tôn vinh sự thật lịch sử, để lại một di sản vô giá cho các thế hệ sau.
Điều đặc biệt và đáng trân trọng ở Trần Mạnh Cường là anh chỉ mua lại những cuốn sách cổ từ các lái buôn, tuyệt đối không thu mua từ người dân - những hậu duệ của chủ sở hữu gốc. Với anh, việc giữ gìn giá trị tinh thần và báu vật thời gian của một gia đình hay dòng họ, quan trọng hơn bất cứ lợi ích vật chất nào. Anh từng chia sẻ một cách thẳng thắn và đầy đạo đức: “không thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực mình đang nắm sở trường, để lấy đi báu vật thời gian và giá trị tinh thần của một gia đình hay dòng họ nào đó, dù những cuốn sách này hiện đang được người nước ngoài thu mua và định giá cực kỳ to lớn”.
Chính vì tấm lòng trân quý di sản văn hóa dân tộc, mỗi khi điền dã về những nơi thôn cùng ngõ vắng, Trần Mạnh Cường luôn tận tâm hướng dẫn cho người dân cách bảo quản và gìn giữ những tư liệu cổ. Anh luôn nhắc nhở họ về giá trị vô cùng lớn lao của những tài liệu này, không chỉ về mặt tri thức mà còn là di sản tinh thần của gia đình và cả cộng đồng, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ và truyền thống.
 Sự quan tâm chân thành của anh không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của di sản họ đang nắm giữ, mà còn khơi dậy trong họ niềm tự hào và ý thức sâu sắc về việc bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đây chính là cách Trần Mạnh Cường lan tỏa tinh thần trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc, không chỉ qua hành động sưu tầm mà còn bằng việc truyền cảm hứng và kiến thức cho cộng đồng. Chính tinh thần này đã làm cho hành trình sưu tầm của anh không chỉ là việc bảo tồn di sản quốc gia, mà còn là một biểu hiện của trách nhiệm và lòng nhân ái.
Vĩ thanh
Những nỗ lực không ngừng của Trần Mạnh Cường không chỉ bảo vệ di sản văn hóa dân tộc mà còn khơi dậy lòng yêu mến và ý thức trách nhiệm với lịch sử, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ những giá trị vô giá mà tổ tiên để lại.
Dù tuổi đời còn trẻ, Trần Mạnh Cường đã chứng minh rằng, với niềm đam mê sâu sắc, người trẻ hoàn toàn có thể tạo nên những đóng góp lớn lao cho di sản văn hóa của quê hương. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thu thập và nghiên cứu các tư liệu cổ của anh không chỉ giúp bảo tồn những giá trị quý báu của dân tộc mà còn mở ra những góc nhìn mới về lịch sử, trong một thời đại mà nhiều giá trị truyền thống đang dần bị phai mờ.
Câu chuyện của Trần Mạnh Cường gợi lên sự ngưỡng mộ sâu sắc, không chỉ vì sự thông tuệ và chăm chỉ, mà còn bởi lòng yêu nước, lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa. Anh không đơn thuần là một “ông đồ” trong nghĩa truyền thống, mà là người bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa qua từng thế hệ. Qua hành trình của mình, anh đã gợi nhớ và khơi dậy về một thời đại mà tri thức và học vấn luôn được xem trọng, và văn hóa được gìn giữ như kho báu quý giá của dân tộc.