Bao năm trăn trở trước cuộc sống khó khăn của người dân, trăn trở với mảnh đất đồi núi quê mình “tiềm năng đất đai rộng, lao động dồi dào” chẳng lẽ bó tay trước cái đói cái nghèo, lãnh đạo xã Hùng Sơn qua các thời kỳ đã có nhiều cuộc săn lùng khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh tìm giống cây con về phát triển kinh tế vườn đồi như: Vải thiều Lục Ngạn, dâu tằm, dê, giống cam Phủ Qùy, tiêu Tân Lâm và các loại cây ăn quả khác về trồng, nhưng tất cả đều không thành công. Những năm của thập kỷ 90 xã Hùng Sơn vẫn là xã nghèo, không ít người đã phải rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa.
Bao khát vọng, nung nấu của cán bộ địa phương qua các thế hệ “thua phen này, bày phen khác” quyết không lùi “cuộc săn lùng cây con” để phát triển kinh tế trên mảnh đất Hùng Sơn vẫn tiếp tục. Đầu năm 2001, thực hiện chủ trương của huyện Anh Sơn phát triển cây chè, Đảng ủy xã tổ chức hội nghị “Diên Hồng” với những cán bộ, đảng viên, người dân có tư tưởng tiến công vào mặt trận xóa đói, giảm nghèo. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, đồng chí Võ Văn Hiền đã tiên phong nhận nhiệm vụ dẫn 120 cán bộ, đảng viên và những nông dân có chí hướng làm ăn đến xã Long Sơn tham quan, học tập cách trồng chè. Sau khi tham quan về, ban đầu có 3 hộ nông dân bắt tay vào trồng 3 ha chè đầu tiên vào năm 2001, năm 2002 có thêm 65 hộ dân trồng 27 ha chè công nghiệp. Sau bốn năm, chè cho thu hoạch, đạt lợi nhuận 1 sào chè (sào Trung bộ) gấp đôi trồng lúa đã mở hướng đi mới cho xã Hùng Sơn.
Được tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ trồng chè và phát triển hồ đập nhỏ, diện tích cứ tăng dần theo từng năm, tăng 50 ha, rồi 200 ha, 300 ha... Theo người dân địa phương, cây chè rất thích hợp với vùng thổ nhưỡng này, vốn đầu tư không lớn, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và một số cây trồng khác, lại thu hoạch quanh năm. Mặc dù giá cây chè có lúc lên xuống theo thị trường nhưng nhờ lãnh đạo xã bám dân, chỉ đạo hướng dẫn mô hình trồng chè hữu cơ, chè sạch an toàn, tìm đầu ra cho sản phẩm và chưa bao giờ phải “giải cứu” nên bà con xã Hùng Sơn đã bị cây chè cuốn hút. Sau 20 năm gây dựng, xã Hùng Sơn đã trở thành vựa chè của huyện Anh Sơn và của tỉnh Nghệ An với hơn 600 ha chè LDP1. Giờ đây, đến xã Hùng Sơn chúng ta có thể thấy những đồi chè xanh tít tắp, đẹp như tranh, thu hút không ít bạn trẻ đến tham quan và ghi lại những hình ảnh đẹp nơi đây.
Cùng với phát triển vùng nguyên liệu chè, xã Hùng Sơn thành lập các tổ hợp, hợp tác xã chế biến chè, đích thân đồng chí Võ Văn Hiền đã cùng với một số hộ gia đình ra tận Thái Nguyên học cách chế biến chè chất lượng cao. Từ công nghệ chế biến chè tiếp thu được, năm 2016, hợp tác xã Minh Sáng được thành lập, với 7 thành viên, việc đầu tư kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè được tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn. Năm 2018, mô hình trồng chè theo hướng VietGap đã chiếm hơn một nửa diện tích trồng chè của toàn xã, trong đó, có 130 ha được chứng nhận VietGap, không sử dụng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ bón gốc, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Hiện nay trên địa bàn xã có 5 cơ sở hoạt động chế biến chè, trong đó có 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 hợp tác xã, 1 xưởng chế biến tư nhân và 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chè. Năm 2020, xã Hùng Sơn sản xuất và tiêu thụ được hơn 10 nghìn tấn chè các loại, đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng. Trong đó, trà Minh Sáng, một đặc sản của huyện Anh Sơn do hợp tác xã chè xanh Minh Sáng sản xuất đạt sản phẩm OCOP 03 sao của tỉnh Nghệ An năm 2019.
Từ một xã nghèo, với gần 1000 hộ, hơn 4.200 nhân khẩu, trong đó 33% là bà con giáo dân. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sự năng động, dám nghĩ dám làm “làm đâu chắc đó” của lãnh đạo xã, sự đoàn kết lương giáo, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã Hùng Sơn đã hoàn thành 19 chỉ tiêu về đích nông thôn mới năm 2015, thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và huyện; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2 %. Hiện nay, xã Hùng Sơn đang triển khai đề án chỉnh trang vệ sinh môi trường ở các xóm theo hướng thân thiện môi trường: Xanh, sạch, đẹp, sáng. Xã phấn đấu 100% tuyến đường trong xóm đều có điện chiếu sáng; hệ thống mương thoát nước hoàn chỉnh, trồng cây xanh và hoa dọc theo các tuyến đường, xây dựng xã Hùng Sơn trở thành xã nông thôn mới nâng cao thuộc tốp đầu của Huyện Anh Sơn trong năm 2021.
Trần Duy Ngoãn