Khẩn trương hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trước tháng 10/2024
Chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Liên quan đến lĩnh vực Nội vụ, nhiều đại biểu đã chất vấn một số nội dung về công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025.
Trong giai đoạn này, cả nước có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươnǵ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; còn 10 tỉnh không thực hiện.
Theo đó, ở cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị (bao gồm: 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó, cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với ý kiến đại biểu là mặc dù số lượng đơn vị hành chính sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 rất lớn nhưng tiến độ hiện nay còn rất chậm.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận 43 hồ sơ của các tỉnh, thành thuộc diện sắp xếp và đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức Hội nghị thẩm định được 32 hồ sơ đề án.
Nghệ An là một trong những địa phương sớm trình hồ sơ Đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng không gian đô thị thành phố Vinh và được Bộ Nội vụ đánh giá cao.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 bộ hồ sơ (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng) và đang báo cáo Chính phủ 3 hồ sơ đề án.
Tuy nhiên, điều khiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ lo lắng là tiến độ sắp xếp sẽ rất khó khăn để hoàn thành trước tháng 10/2024 như kế hoạch, khi hiện còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ đề án về để Hội đồng thẩm định, mà nguyên nhân cơ bản nhất là vướng mắc xoay quanh vấn đề quy hoạch và phân loại đô thị.
Nhận trách nhiệm của Bộ Nội vụ về việc tiến độ còn chậm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của địa phương trong thực hiện.
Nêu dẫn chứng như tỉnh Nam Định có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp lớn nhưng đã hoàn thành hồ sơ đề án trình sớm và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Nếu như địa phương cố gắng quyết tâm cao, quyết liệt cho việc này thì sẽ thực hiện được”.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần phải cố gắng gắng tập trung cao để cùng Bộ Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ này.
Điều hành chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tinh thần là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp hết sức chặt chẽ để chỉ đạo các địa phương làm khẩn trương.
Nếu Chính phủ trình hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng “họp đêm, họp ngày, làm việc kể cả thứ Bảy, Chủ nhật” để xem xét các hồ sơ đề án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sẵn sàng dành 1- 2 ngày họp chuyên về nội dung này; đồng thời, mong các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng cường giám sát, đôn đốc các địa phương để thực hiện đúng như Nghị quyết của Quốc hội phấn đấu cơ bản sắp xếp đơn vị hành chính trước tháng 10/2024.