Mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến
Chúng tôi về xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, cách đây 90 năm được chọn là nơi ươm mầm cách mạng cho cả xứ ủy Trung Kỳ. Được nuôi dưỡng cùng mạch nguồn cách mạng, xã Lĩnh Sơn hôm nay đã khoác lên mình “chiếc áo” mới rực rỡ, người dân đang cùng nhau nô nức xây dựng nông thôn mới. Đến thôn 6 xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bỉnh, một tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất, bỏ công sức, tiền của làm đường giao thông nông thôn. Mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, bà Bỉnh trải lòng: Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng khi thấy con đường dân sinh đi qua cánh đồng vào lối gia đình mình nhỏ hẹp, mỗi mùa mưa lũ đến nước dâng ngập đường, làm lún sụt, lầy lội, khiến gia đình bà và người dân đi lại sản xuất rất vất vả, bà rất trăn trở. Bà Bỉnh chia sẻ: Vào đầu năm 2023, khi chính quyền xã vận động người dân cùng chung tay mở rộng tuyến đường, nhân cơ hội này, tôi đã vận động con cháu hiến một phần đất của gia đình và tự nguyện đóng góp được 240 triệu đồng để mua đá hộc về kè hai bên và mua vật liệu, thuê nhân công đổ bê tông tuyến đường có chiều dài 200m, rộng 6 mét, dày 18cm.
Về xã Cao Sơn, một địa phương khó khăn ở huyện Anh Sơn mới thấy được khí thế sôi nổi, rạo rực trong xây dựng NTM đặc biệt là việc đi đầu đóng góp, hiến đất mở rộng, kiên cố các tuyến đường giao thông. Là một trong những hộ còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào chè, thế nhưng gia đình ông Phan Sỹ Đạo ở thôn 10, xã Cao Sơn vẫn tiên phong hiến đất, đầu tư tiền của để làm tuyến đường Nhân Tài đi Già Giang đoạn qua địa bàn thôn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Đạo chia sẻ: Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng”, thế nhưng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thấy nếu gia đình tôi không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường của thôn sẽ mãi không làm được. Hơn nữa làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vì vậy, gia đình tôi đã tự nguyện hiến gần 100m2 đất thổ cư, đồng thời tự bỏ số tiền 126 triệu đồng để đổ nhựa 320 mét đường”.
Ông Mai Văn Hồ, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn khẳng định: Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở xã Cao Sơn, đã thực sự lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà. Người dân dù còn khó khăn, vất vả nhưng sẵn sàng góp công, góp sức, hiến đất làm đường, từ đó mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình có ông Tô Văn Huệ, ở thôn 8 ủng hộ 132 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Lan thôn 5, ủng hộ 95 triệu đồng; ông Đặng Xuân Quế thôn 9, ủng hộ 81 triệu đồng; ông Phan Sỹ Đạo thôn 10 ủng hộ 126 triệu đồng, ông Phạm Hồng Thụy thôn 10 ủng hộ 75 triệu đồng. Ngoài ra còn có ông Trần Đình Hà thôn 9 hiến 500m2 đất; ông Lê Hữu Thơi thôn 9 hiến 600m2 đất; gia đình ông Nguyễn Đăng Quý thôn 10 hiến 200m2 đất.… Từ những điển hình trên, hệ thống đường giao thông ở xã Cao Sơn không ngừng được mở rộng, hoàn thiện, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa từ sự chung sức, chung lòng của người dân.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động
Cao Sơn là địa phương nằm cách trung tâm huyện Anh Sơn khoảng 20 km, có tổng diện tích tự nhiên 3.151,8 ha, hơn 1.500 hộ với 5.221 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo hơn 10%, là địa phương thuộc địa bàn khó khăn nhất huyện. Toàn xã có hệ thống đường giao thông nông thôn với 147 tuyến, tổng chiều dài lên đến 172,2 km và chủ yếu là đường đất. Với đặc thù là địa hình đồi núi, dân cư ở rải rác, mỗi gia đình sinh sống một quả đồi, trong khi nguồn lực có hạn nên việc làm đường giao thông nông thôn gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn là vậy nhưng cấp ủy, chính quyền xã Cao Sơn xác định “Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”, chỉ có dựa vào sức dân mới thành công được. Vì vậy điều đầu tiên là phải làm tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận của người dân cùng chung tay góp sức.
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, ông Mai Văn Hồ, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, Anh Sơn giới thiệu thêm: Để phong trào tạo ra được sức mạnh lan toả trong quần chúng Nhân dân, phương châm của Đảng ủy, UBND xã Cao Sơn, Anh Sơn là: “Lấy đại đoàn kết đóng vai trò động lực, lấy thôn/xóm làm “pháo đài”, lấy hộ gia đình là chủ thể, lấy lãnh đạo thôn và cán bộ xã làm tiên phong, lấy huy động nguồn lực từ Nhân dân và con em xa quê là cơ bản. Tất cả là sức mạnh của tập thể và quần chúng”. Ngoài ra, với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành và thời gian hoàn thành đối với từng thôn. Trong suốt quá trình triển khai, xã luôn thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong Nhân dân, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, mạnh mẽ. Năm 2022, địa phương tiếp nhận 2.245 tấn xi măng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và phân bổ về 9/9 thôn để tiếp sức cho người dân làm đường, từ đó xã đã hoàn thành được gần 30 km đường nhựa và bê tông, trong đó, bà con Nhân dân đã hiến hơn 6.000m2 đất, đóng góp được 3,95 tỷ đồng xây dựng được 19 km đường giao thông. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã nhận được hỗ trợ hơn 1.000 tấn xi măng, hiện nay đang triển khai làm 34 tuyến đường với tổng chiều dài gần 7km. Với những dấu ấn nổi bật trong phong trào làm đường giao thông, xã Cao Sơn đã thoát khỏi xã 135 và trở thành điểm sáng của huyện Anh Sơn. Đây cũng chính là điều kiện để Cao Sơn phấn đấu đến cuối năm 2023 về đích nông thôn mới.
Từ một vùng đất khô cằn, sỏi đá, thế nhưng xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn đã có bước “lột xác” thần kỳ. Với khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, Hùng Sơn đã dần trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới không chỉ của huyện miền núi Anh Sơn mà còn là của cả tỉnh Nghệ An. Ông Võ Văn Hiền, Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn, Anh Sơn cho biết: Năm 2015 xã Hùng Sơn là địa phương đầu tiên của huyện Anh Sơn về đích nông thôn mới. Ngay sau khi đạt chuẩn cấp ủy, chính quyền xã xác định cần hướng tới phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay xã đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khơi nguồn sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm phấn đấu được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Nhờ sự nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo trong công tác dân vận để xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện nay bộ mặt nông thôn xã Hùng Sơn đang khởi sắc từng ngày, toàn xã có hơn 600 ha chè nguyên liệu, mỗi năm có hơn 10.000 tấn chè các loại được tiêu thụ, doanh thu đạt gần 40 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và huyện; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2 %. Trong 5 năm qua xã đã thu hút được 9,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn Nhà nước vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện nay, hệ thống đường giao thông thôn xóm trên địa bàn xã đã được bê tông hóa đạt 100%. Hệ thống điện chiếu sáng ở các trục đường giao thông đi qua các khu dân cư đã được lắp đặt 97/107 tuyến đường đạt 90%.
Những quyết sách “đúng” và “trúng”
14/20 xã về đích nông thôn mới (chiếm 70% số xã), số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,55 tiêu chí/xã; những tuyến đường mới mở; những ngôi nhà mới khang trang; những mô hình kinh tế cho thu nhập cao… Đó là thành quả mà Anh Sơn đã đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhờ làm tốt công tác dân vận. Những chủ trương “đúng và trúng”, cộng với cách làm bài bản, sáng tạo, sự tâm huyết trách nhiệm của những người đứng đầu, sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân đã và đang góp phần tạo nên một Anh Sơn đang từng ngày khởi sắc.
Bà Nguyễn Thị Thuý An, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Anh Sơn chia sẻ về cách làm của địa phương trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới: Huyện xác định rõ quan điểm “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, vì vậy chỉ cần khơi dậy nội lực trong Nhân dân là sẽ thành công. Để làm được điều này, cán bộ từ huyện đến xã, thôn tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu, thực hiện theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ngoài ra, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện, từ đó đã huy động được nguồn lực to lớn trong Nhân dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận trong năm 2022, toàn huyện Anh Sơn đã huy động, lồng ghép được 375 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án, sự hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh, chính sách hỗ trợ của huyện và huy động sự đóng góp của Nhân dân, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông, cứng hóa được hơn 98 km đường trục xã, liên xã, đường thôn và ngõ xóm, với tổng kinh phí 153,92 tỷ đồng. Trong đó bà con Nhân dân trong toàn huyện Anh Sơn đã đóng góp được hơn 42 tỷ đồng, làm đường giao thông, hiến được 80.140 m2 đất; 133.477 ngày công lao động. Ngoài ra UBND huyện Anh Sơn đã hỗ trợ tiền làm đường giao thông nông thôn cho các địa phương làm đường cấp C với tổng chiều dài trên 6 km với số tiền 100 triệu đồng/1km, tại các xã Thạch Sơn (1.002m); Tường Sơn (926m), Lạng Sơn (945m), Khai Sơn (910m), Cao Sơn (1.647m) và Tào Sơn (570m). Đến nay toàn huyện có 14 xã/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 70% số xã); tỷ lệ hộ nghèo còn 5,9% (bình quân của tỉnh là 6,49%).