Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG nêu rõ, việc chuẩn bị các nội dung tại Kỳ họp này đã quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội “không vì tiến độ mà hy sinh chất lượng”. Việc tổ chức Kỳ họp sẽ là kinh nghiệm quý để tiếp tục cụ thể hóa định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp, hướng đến một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, kịp thời giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền trong điều kiện thực tiễn cuộc sống đang biến chuyển rất nhanh chóng như hiện nay.

t8-a2-1672615456943.jpg
Phó Chủ tich Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp rà soát công tác tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, chiều 23.12. Ảnh: Thanh Chi

Trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia

- Kỳ họp bất thường lần thứ Hai sẽ khai mạc ngày 5.1.2023. Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp này?

- Căn cứ tình hình chuẩn bị về nội dung và điều kiện bảo đảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 5-9/1 tới. Đây là lần thứ hai Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng triển khai các công việc tiếp theo. Cụ thể là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách và quyết định một số nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.

t8-1672615366855.jpg
Ảnh: Thanh Chi

Kỳ họp bất thường lần này diễn ra rất sát dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nên công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp đã được tiến hành hết sức khẩn trương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “chỉ trình Quốc hội những nội dung cấp bách nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao, không chạy theo tiến độ mà hy sinh chất lượng”. Ngay sau khi có kết luận chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trình Quốc hội, các Ủy ban chủ trì thẩm tra đã chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Pháp luật rà soát kỹ lưỡng nội dung, kỹ thuật văn bản các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Do đó, có thể thấy rằng, tuy là Kỳ họp bất thường, chuẩn bị trong bối cảnh rất khẩn trương, nhưng các nội dung trình đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm yêu cầu trình Quốc hội. Bên cạnh đó, các công tác chuẩn bị điều kiện bảo đảm, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, hiện đã sẵn sàng cho việc tổ chức Kỳ họp.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm bởi đây là công cụ vô cùng quan trọng để sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực phát triển đất nước theo các mục tiêu, chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Dẫu vậy, đây là vấn đề mới, khó, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ xây dựng một Quy hoạch tổng thể quốc gia như vậy. Ông có thể chia sẻ thêm về việc chuẩn bị để các đại biểu yên tâm xem xét, quyết định vấn đề hệ trọng này?

- Tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch tổng thể quốc gia - PV) là “nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài và cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ”.

Thực tiễn triển khai công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong năm 2022, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Qua giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/QH15/2022, trong đó yêu cầu rõ tiến độ phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tại Kỳ họp bất thường cũng nhằm mục tiêu kịp thời thể chế hóa kết luận của Trung ương và yêu cầu tại Nghị quyết số 61 vì sau khi được Quốc hội thông qua chúng ta còn rất nhiều công việc phải triển khai. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, hồ sơ, tài liệu rất dày dặn, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu, đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến phản biện của giới chuyên gia, nhà khoa học, MTTQ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và đã cập nhật kịp thời các yêu cầu của Trung ương tại Kết luận số 45 ngày 17.11.2022.

Về phía Quốc hội, từ đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo việc khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia. Khi Quốc hội quyết định chọn quy hoạch là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV cũng là nhằm thúc đẩy việc hoàn thành Quy hoạch này và quy hoạch các cấp.

Chỉ một ngày sau khi Trung ương có kết luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia, ngày 18.11, Ủy ban Kinh tế đã có kế hoạch thẩm tra và tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBTVQH15 triển khai các công việc cụ thể chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công rõ ràng, cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện Quy hoạch. Ngày 20.12.2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các chuyên gia và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia, chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục làm rõ hơn, xác định các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ... Ngay sau phiên họp, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sắp xếp chương trình khoa học, bảo đảm thời gian thảo luận tại tổ, tại hội trường cho các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu.

Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, rất khó, rất phức tạp nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đã nỗ lực chuẩn bị để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm xem xét và quyết định tại Kỳ họp.

Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp Quốc hội linh hoạt hơn, chủ động hơn

- Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 - Nghị quyết có tính chất “mở đường” cho hàng loạt quyết sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện và những đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp?

- Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đề xuất và thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Việc ban hành Nghị quyết 30 được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Sau gần 1,5 năm kể từ khi Nghị quyết 30 ra đời, được triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được nhiều thành tựu, nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Việt Nam xếp thứ 2 trên tổng số 121 nước/vùng lãnh thổ về chỉ số phục hồi Covid-19 của tổ chức Nikkei.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách cụ thể cũng đã bộc lộ những hạn chế. Do đó, ngay từ trước khi tiến hành Kỳ họp thứ Tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 30. Đến nay, Chính phủ đã bổ sung đánh giá toàn diện hơn kết quả thực hiện, phân tích các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khi thực hiện từng cơ chế, chính sách cụ thể để làm căn cứ cho đề xuất, kiến nghị việc tiếp tục thực hiện một số chính sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhấn mạnh các nội dung cần quan tâm làm rõ hơn như: việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19, mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, hóa chất và việc phân cấp cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30.

Đối với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 1.1.2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng trong xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc và đề nghị Chính phủ nhận diện, đánh giá đúng và trúng các nguyên nhân để có giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Toàn cảnh phiên họp khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Quang Khánh

- Đây là lần thứ hai Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường. Theo ông, việc tổ chức kỳ họp có ý nghĩa như thế nào đối với việc tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức Kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới?

- Việc tổ chức các Kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội kịp thời xem xét, quyết định các nội dung cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Qua đó, cũng giúp chúng ta đúc kết được những kinh nghiệm quý để tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hướng linh hoạt hơn, chủ động hơn thay vì phải chờ đến kỳ họp thường kỳ.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, chúng ta gọi là Kỳ họp bất thường vì Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội họp một năm hai kỳ thôi, còn về nội dung, tất cả những vấn đề trình Quốc hội đều phải bảo đảm chất lượng chứ không có gì là đột xuất, bất thường cả. Những việc này Quốc hội phải quyết định, quyết định càng sớm thì càng tốt cho đất nước, cho Nhân dân. Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó cũng đặt yêu cầu tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội.

Trong điều kiện hiện nay, khi thực tiễn cuộc sống luôn có những biến chuyển hết sức nhanh chóng do tác động khách quan từ tình hình thế giới, từ sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ... thì việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội thường xuyên hơn là rất quan trọng để Quốc hội có thể kịp thời giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Tôi cho rằng, định hướng tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp của Quốc hội được Trung ương đặt ra là rất xác đáng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta xây dựng một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!