Theo thông lệ, khi viết tiểu thuyết về cuộc đời hoặc hoạt động của các nhân vật lịch sử được trình bày theo lối chương hồi thì cuộc đời và sự phát triển tính cách của nhân vật được diễn tả lần lượt từ chặng đường đầu đến chặng đường hoạt động sau cùng của nhân vật. Nhưng với tiểu thuyết “Hừng đông” thì Nguyễn Thế Kỷ lại không thể hiện theo trật tự đó. Tác giả đã lấy những ngày hoạt động cuối cùng của Phan Đăng Lưu để diễn tả ngay ở chương đầu. Còn các chương còn lại thì cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu lại được tác giả trình bày theo tuần tự của thời gian. Bởi vậy Chương I của cuốn tiểu thuyết có tựa đề: “Bình minh bầm tím” được tác giả dành để kể lại những phút giây cuối cùng về cuộc đời kiên cường đầy khí phách anh hùng của người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu.
Những giờ phút đó diễn ra trong bối cảnh của những ngày đẫm máu sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Bạn đọc sẽ phải chứng kiến cảnh tượng Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp dã man dẫn ra trường bắn và cũng qua các trang sách trong chương đầu của cuốn tiểu thuyết lịch sử này, bạn đọc sẽ phần nào hiểu được lý do vì sao cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, dẫn tới kẻ địch đã tàn sát dã man những lãnh tụ của Đảng Cộng sản trong đó có Phan Đăng Lưu. Những thông điệp đó đã được để lại cho hậu thế qua bức thư Phan Đăng Lưu gửi lại cho con trai, thông qua một người lính cai tù được cách mạng cảm hóa. Và sẽ lại được làm sáng rõ hơn ở chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết lịch sử này.
Với Chương I, Nguyễn Thế Kỷ muốn đưa ra một câu hỏi vì sao Phan Đăng Lưu và một số lãnh tụ tiền bối đã bị giặc Pháp xử bắn trước thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công nhưng cuộc đời và sự hy sinh của họ đã góp phần quan trọng cho sự lớn mạnh của Đảng, cho thắng lợi của cuộc cách mạng giành chính quyền và độc lập dân tộc năm 1945. Chính họ đã ngã xuống khi hừng đông thành công của cách mạng giành độc lập cho dân tộc đang dần dần bừng sáng. Các chương tiếp theo như là những sự lý giải, như là sự trả lời câu hỏi từ chương 1 của cuốn tiểu thuyết đặt ra là làm sáng tỏ con đường hoạt động cách mạng từ những ngày bắt đầu theo Đảng đến thời gian Đảng Cộng sản lớn mạnh đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đồng thời sự hy sinh lớn lao của Phan Đăng Lưu và những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Đảng và đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc.
Bắt đầu từ chương 2 cho đến chương 11, người đọc sẽ cảm nhận rất rõ: Với sự hiểu biết sâu sắc của mình về gia đình, thế tộc của Phan Đăng Lưu và sự thông hiểu sâu sắc về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng lối văn dẫn chuyện trung thực kết hợp với ngôn ngữ báo chí sắc sảo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã làm sống dậy quãng đời thanh niên đầy sức sống và quá trình hoạt động cách mạng gian lao, tâm huyết, đầy bản lĩnh, trí tuệ và những phẩm chất cao đẹp, sự đóng góp và hy sinh lớn cho công cuộc xây dựng Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ thực dân của Phan Đăng Lưu, một nhà hoạt động ưu tú của cách mạng, một học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một trí thức chân chính sớm giác ngộ cách mạng và là một nhà báo thuộc lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam mà lịch sử nước nhà cần khắc ghi.
Qua từng trang sách trong tiểu thuyết lịch sử “Hừng đông” của Nguyễn Thế Kỷ người đọc thấy rõ, trước khi theo Đảng (tháng 4 năm 1923), Phan Đăng Lưu là một trí thức yêu nước thương dân, ông đã kết thúc kỳ thi tốt nghiệp của Trường Nông nghiệp thực hành ở Tuyên Quang để trở thành một kỹ sư canh nông. Phan Đăng Lưu muốn làm một anh kỹ sư canh nông với mục đích để giúp cho người nông dân thoát đói nghèo lam lũ. Vì vùng đất Yên Thành quê anh là đặc trưng của một huyện nghèo thuần nông. Đã là kỹ sư rồi nhưng Phan Đăng Lưu vẫn rất chăm đọc sách, để trau dồi vốn ngoại ngữ và mở rộng hiểu biết về tình hình kinh tế chính trị trong nước và quốc tế. Phan Đăng Lưu cũng tin chắc rằng: “Để làm nên sự nghiệp lớn không ai có thể hành động một mình mà phải có tổ chức, tập thể, có sự đoàn kết của số đông dân chúng”.
Với “Hừng đông”, Nguyễn Thế Kỷ đã giúp bạn đọc hiểu rõ Phan Đăng Lưu sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dòng tộc trí thức và cách mạng. Không chỉ gia đình mà quê hương của Phan Đăng Lưu cũng là quê hương của cách mạng. Ngay trong khoảng thời gian về nghỉ ở quê chờ đợi thời gian đi nhận việc, Phan Đăng Lưu đã giao tiếp với thầy giáo Tăng, một ông giáo làng có lòng yêu nước. Họ thường gặp nhau đàm đạo về cách mạng để tìm chí hướng đúng đắn cho mình. Cả hai đều tâm niệm: “Non sông đã chết ta há lẽ sống thừa”. Trong một lần đàm đạo thầy Tăng hỏi Phan Đăng Lưu về cuốn sách “Các bài ca cách mạng Pháp”. Phan Đăng Lưu chậm rãi trả lời: “Tôi đang đọc tài liệu. Chưa biết con đường cụ thể là gì nhưng tôi tin chắc một điều muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào thì đều phải có kiến thức”.
Hai người còn trao đổi với nhau về ý nghĩa sâu xa của cách mạng Pháp 1789-1799, về Hội phục Việt của Việt Nam: Sau một thời gian ở quê để hoàn thành việc xây dựng gia đình, Phan Đăng Lưu đã phải xa gia đình, xa người vợ trẻ mà anh yêu quý để vào thị xã Vinh làm việc cho Sở Canh Nông. Bối cảnh mà Phan Đăng Lưu tìm đến tổ chức yêu nước và chính thức tham gia hoạt động cách mạng đã diễn ra hết sức đặc biệt: Ngày 14 tháng 7 năm 1925 tại núi con Mèo phía sau núi Quyết của thị xã Vinh, Hội phục Việt hay còn gọi là Đảng phục Việt ra đời sau đổi tên là Hội Hưng Nam. Năm 1926 đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng. Năm 1927 lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1928 lấy tên là Tân Việt cách mạng Đảng. Khi anh về Vinh thì thầy giáo Tăng cũng chuyển từ Yên Thành về đây để tiếp tục dạy học. Anh say mê học tập nghiên cứu lý luận cách mạng, tìm hiểu các học thuyết chính trị và đọc được nhiều tài liệu từ nước ngoài chuyển về như “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác, Ăng ghen, một số tác phẩm của Lênin, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc và một số tờ báo tiếng Pháp ít ỏi như “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”… Từ đây Phan Đăng Lưu có những nhận thức mới, anh tự thấy thanh niên trí thức phải yêu nước, thương nòi dám dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đánh đuổi đế quốc thực dân và bọn tay sai.
Tại thị xã Vinh, công chức Sở Canh Nông - Phan Đăng Lưu được tiếp xúc gặp gỡ với những người yêu nước Trần Đình Thanh, Trần Phú, Lê Văn Huân, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Tăng và hai nữ sinh Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Nhồng. Và cũng trong khoảng thời gian này Phan Đăng Lưu đã được Trần Phú giới thiệu kết nạp vào đảng Hội phục Việt. Cũng trong thời gian làm việc sinh sống và hoạt động cách mạng tại đây, Phan Đăng Lưu dành một nửa thời gian để dạy chữ quốc ngữ, thỉnh thoảng xen dạy tiếng Pháp cho anh chị em trong hội. Khi các buổi học kết thúc thì đã là nửa đêm, Phan Đăng Lưu đi xuyên qua bóng tối của những con phố yên tĩnh để trở về căn phòng ở Sở Canh Nông. Con đường đấu tranh cách mạng chưa và sẽ không bao giờ là con đường bằng phẳng dễ dàng. Anh không biết rằng ngay những ngày đầu tiên lên bục giảng anh đã lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám Pháp. Sau đó Phan Đăng Lưu đã bị chính quyền thực dân Pháp đuổi ra khỏi Sở Canh Nông. Đến đây người đọc dễ dàng nhận thấy người trí thức trẻ Phan Đăng Lưu đã thực sự hy sinh cuộc sống riêng tư để thực sự dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng cứu nước.
Bị đuổi việc, Phan Đăng Lưu lại trở về quê một thời gian sau đó anh lại lên đường vào Huế. Đến Huế, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban biên tập của “Quan Hải Tùng Thư” (của Đào Duy Anh) và được bổ sung vào Ban thường vụ của Tổng bộ và cùng Ngô Đức Diễn làm ủy viên tỉnh Bộ Huế. Tháng 7/1927, Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng khai mạc tại Huế. Đại hội quyết định đổi tên Đảng là Tân Việt cách mạng. Trụ sở của Tổng bộ trước đặt ở Vinh nay do yêu cầu mới dời vào Huế. Theo đó Đào Duy Anh được bầu làm Bí thư, Ngô Đức Diễn là Ủy viên tổ chức Tài chính, Phan Đăng Lưu là Ủy viên Tuyên huấn.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (Ảnh tư liệu)
Sau Đại hội, Phan Đăng Lưu được cử đi một chuyến công tác dài ngày sang Trung Quốc gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Đảng để bàn kế hoạch thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau Đại hội, Phan Đăng Lưu lại được cử đi Trung Quốc một lần nữa tới Quảng Châu đặt một cơ quan Liên Lạc của Đảng ở nước ngoài và tiếp tục tìm đầu mối liên hệ với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đàm phán việc hợp nhất 2 Đảng.
Sau chuyến đi này, Phan Đăng Lưu bị chính quyền Thực dân Pháp bắt và đưa vào nhà tù Buôn Mê Thuột. Tại đây, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ đảng có trong nhà tù. Dù bị giam giữ nhưng Phan Đăng Lưu tìm cách tuyên truyền nâng nhận thức về lý tưởng cách mạng cho anh em tù nhân. Bài học đầu tiên mà Phan Đăng Lưu truyền đạt đến cho anh em trong nhà lao là 3 truyện kể về đồng chí Nguyễn Ái Quốc, về hành trình tìm kiếm lối đi cho cách mạng Việt Nam, về tình cảm mà ông Nguyễn dành cho đất nước, cho đồng bào, về cách nhìn và hướng đi mang tầm vóc quốc tế.
Do phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị dấy lên ở Pháp, Phan Đăng Lưu được ra tù. Anh trở về quê hương Yên Thành thăm gia đình. Sau đó anh lại trở vào Huế để tiếp tục hoạt động cách mạng. Trở lại Huế với bản lĩnh khôn khéo và tài năng về chính trị, anh đã yêu cầu chính quyền sở tại cho người của Đảng được tham gia vào Viện Dân biểu, mua lại bản quyền tờ “Sông Hương”. Kết quả Phan Đăng Lưu được bầu vào Viện Dân biểu và ngày 19 tháng 6 năm 1937, “Sông Hương tục bản” ra số đầu tiên - từng bước trở thành cơ quan ngôn luận của xứ ủy Trung kỳ và tỉnh Thừa Thiên Huế. Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí của mình ở Huế đã làm cho vị thế của Đảng được nâng lên, sức chiến đấu đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Sau cuộc đấu tranh vận động tranh cử vào dân biểu Trung kỳ giành thắng lợi vang dội, Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu được cấp trên triệu tập từ Huế vào miền Nam dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mở rộng. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, từ 2-3/9/1937 bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 11 thành viên trong đó có 9 đồng chí trong nước gồm: Hà Huy Tập, Võ Văn Ngân, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Trọng, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Tần và 2 đồng chí ở nước ngoài Lê Hồng Phong (ở Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc (ở Quốc tế cộng sản).
Sau Hội nghị, Phan Đăng Lưu trở lại Huế tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây. Sau đó Phan Đăng Lưu nhận được chỉ thị vào Sài Gòn tăng cường cho phong trào cách mạng Nam Kỳ. Cuối năm 1939 Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương diễn ra ở Bà Điểm, Hóc Môn. Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 1939 Hội nghị họp tại nhà ông Trần Văn Hy do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Tham dự ngoài Phan Đăng Lưu còn có Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai… Tại hội nghị Phan Đăng Lưu đã nêu rõ quan điểm mang tính sách lược: “Về phương pháp đấu tranh tôi cho rằng cần dự bị những điều kiện để tiến tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên cần phải hết sức tránh những cuộc tranh đấu non, đấu tranh không có phương pháp, không được chuẩn bị, manh động vì như thế là đưa quần chúng tới sự tự sát, uổng mạng”. Hội nghị đưa ra Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương… Với phát biểu như trên Phan Đăng Lưu đã thực sự trở thành một nhà chính trị tầm cỡ của Đảng. Một thời gian sau Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn bị địch bắt. Linh hồn của cuộc cách mạng dài ngày chỉ có Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần đảm nhận. Sau đó Phan Đăng Lưu ra Bắc tái lập lại Ban chấp hành Trung ương Đảng và bầu ban thường vụ và bầu quyền Tổng bí thứ. Bí thư xứ ủy Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ và các Ủy viên Đặng Xuân Khu, Hoàng Quốc Việt Trần Đăng Ninh có mặt tại kỳ họp. Trường Chinh được bầu làm Quyền Tổng bí thư.
Thời cơ khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đến. Tuy nhiên đến ngày 20/11/1940 Phan Đăng Lưu chưa về tới Nam Kỳ để truyền đạt chủ trương của trung ương thì xứ ủy Nam Kỳ đã họp gấp hạ lệnh cho tất tất cả các nơi nổi dậy khởi nghĩa vào ngày 22/11/1940. Sáng ngày 22/11/1940, Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Như Hạnh và một số lãnh đạo khác bị bắt. Cũng đúng ngày đó Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn. Gặp Trịnh Bá Chí và biết hắn là kẻ phản bội. Khi Phan Đăng Lưu và đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí kiên trung khác máu nhuộm đỏ ngực thì những tia nắng hồng tươi cũng vừa hé rạng phía chân trời.
Đọc tiểu thuyết lịch sử “Hừng đông”, người đọc nhận ra rằng ngoài việc sử dụng thành công bút pháp tả thực kết hợp với sự giao thoa của ngôn ngữ báo chí, Nguyễn Thế Kỷ còn khá thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Chỉ lấy hai đoạn văn trích ở hai thời điểm khác nhau, một đoạn miêu tả tâm trạng của Phan Đăng Lưu những ngày đầu vào thị xã Vinh mỗi đêm đi đến điểm tập kết bí mật qua các lối phố để về nơi ở là sở Canh Nông và lần vào Huế để nhận nhiệm vụ mới của Đảng người đọc sẽ thấy rõ điều đó.
Với việc diễn tả tâm trạng của Phan Đăng Lưu khi đi qua những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của hai đô thị lớn là thị xã Vinh và Huế, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ muốn ca ngợi vẻ đẹp trong tâm hồn của Phan Đăng Lưu. Vẻ đẹp chính là giá trị văn hóa, giá trị nhân văn trong con người Phan Đăng Lưu.
Thành công của tiểu thuyết lịch sử “Hừng đông” là đã khắc họa họa thành công hình ảnh người cộng sản ưu tú của cách mạng Việt Nam. Một tấm gương tận tụy trung thành, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. “Hừng đông” là một đóng góp mới cho sự phát triển của văn học cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Đình Anh