Sáng 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Dự thảo luận có đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu đoàn Nghệ An.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đoàn Nghệ An thống nhất cao với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11 km2 và dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Phát biểu thảo luận, ông Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phân tích, khi thành lập, thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trên cả nước có đường biên giới, đây là điểm khác biệt so với các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
Do đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, trong thời gian tới khi Chính phủ và thành phố Huế xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần lưu ý đặc điểm này, vì với tính chất có đường biên giới sẽ có những yếu tố đặc thù như quy định về quản lý biên giới ở các xã biên giới…
Bên cạnh đó, khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội xem xét có thêm điều khoản thi hành chuyển tiếp các cơ chế, chính sách về xã hội, an sinh xã hội… tỉnh Thừa Thiên Huế đang được hưởng theo lộ trình nhằm đảm quyền lợi, tránh thiệt thòi cho các đối tượng được thụ hưởng.
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm, từng là kinh đô triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn thời kỳ phong kiến; vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế); là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế - đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “Đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các ĐBQH cũng thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, về vĩ mô, đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, Quốc hội nên sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương thành Luật Tổ chức chính quyền, trong đó quy định chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn gắn với quy định rõ mục tiêu, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành…
Qua đó để giảm thiểu phải bàn và ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị dành riêng cho mỗi địa phương, vừa đảm bảo tính hệ thống trong cả nước.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề xuất một số nội dung khác liên quan đến tổ chức, nhiệm vụ của HĐND, UBND thành phố Hải Phòng trong dự thảo Nghị quyết.