Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị gồm đồng chí Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh; đồng chí Lục Thị Liên, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh và đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ban Công tác đại biểu, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Ôxtraylia đánh giá sự cần thiết của việc thúc đẩy bình đẳng giới đối với sự phát triển của Việt Nam, trong đó lập pháp là công cụ chính sách quan trọng để triển khai lồng ghép những vấn đề về giới trong chính sách và pháp luật.
Việt Nam đã chấp thuận và thông qua hầu hết các cam kết quốc tế về giới đề ra trong Công ước về xóa bỏ mọi phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW). Năm 2000, Việt Nam ký Tuyên ngôn thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc và cam kết đạt các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), trong đó có mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là thành viên của CEDAW và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (được thông qua tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh), Việt Nam đã đồng ý điều chỉnh khung hiến pháp, luật pháp và chính sách cho phù hợp với các cơ chế và tiêu chuẩn về bình đẳng giới đề ra trong các cam kết quốc tế về pháp lý và cam kết thực hiện nêu trên. Việt Nam cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, vì vậy, Việt Nam đã chấp nhận phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm thu hẹp khoảng cách giới, chống bạo lực và phân biệt trên cơ sở giới.
Trong những thập kỷ qua, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng về bình đẳng giới thông qua cải thiện chính sách, khung pháp lý và các cơ chế của quốc gia về thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tiến trình này được phản ánh trong nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau, gồm nghĩa vụ hoặc điều khoản pháp lý yêu cầu phải lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật mới. Trong đó, những khung pháp lý quan trọng nhất phải kể đến là Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Chương trình, Hội nghị sẽ trao đổi, tập huấn, thảo luận nhóm về một số nội dung như: một số khoảng cách giới ở Việt Nam; yêu cầu pháp lý đánh giá tác động giới cho các đề xuất chính sách và luật pháp; các bước chính để đánh giá tác động giới trong đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật, tìm hiểu các công cụ phân tích giới và phương pháp thực hiện tham vấn nhạy cảm giới, cách thức sử dụng hệ thống theo dõi và đánh giá để theo dõi khoảng cách giới, kỹ năng đánh giá chính sách pháp luật ở góc độ giới; pháp luật về giới thông qua xem xét sâu hơn về Bộ luật Lao động, vấn đề dữ liệu về giới ở Việt Nam, cách thức giải quyết các thách thức khi triển khai luật…/.
Thu Nguyễn
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh