“Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo giao thừa nhớ ngày xuân Bác còn chúc Tết
Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người ….”
Những vần thơ nhẹ nhàng, tha thiết … như nói hộ cảm xúc của biết bao người dân đất Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Tình cảm, sự yêu kính và biết ơn vẫn vẹn nguyên, Bác trở về trong tâm trí của người dân vào những dịp trọng đại của đất nước.
Tết cổ truyền! … ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiêng liêng và trang trọng! Tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, lòng người cũng như tươi trẻ lại, nụ cười rạng rỡ, gần gũi với nhau hơn, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới … tất nhiên, đây cũng là dịp để mỗi chúng ta nhớ về cội nguồn, về tổ tiên và các anh hùng, liệt sỹ đã có công, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thắp nén tâm hương, nhớ về Bác! vị cha già dân tộc, Người mang đến những “mùa xuân” cho đất nước. Nhớ mùa xuân lịch sử năm Canh Ngọ, ngày 3 tháng 2 năm 1930, với sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, với tinh thần sáng tạo, chủ động, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - mở đường cho đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”. Bắt đầu từ mùa xuân này, Đảng ta cũng bắt đầu cuộc đời phấn đấu đầy thăng trầm và hiển hách.
Một mùa xuân cũng rất đáng nhớ, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, đó là mùa xuân Tân Tỵ, 28/1/1941, đất nước đón Người sáng lập Đảng trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Từ đây, Bác trực tiếp giáo dục, rèn luyện, soi đường, dẫn lối. Ở tuổi 15 Mùa Xuân, Đảng cùng hai mươi triệu đồng bào đứng lên bẻ gãy gông xiềng, tự giải phóng mình, làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên và độc nhất vô nhị ở khu vực Đông - Nam Á. 45 mùa Xuân, với cuộc Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất toàn vẹn non sông, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, ghi tiếp một trong những trang đẹp nhất của lịch sử dân tộc.
Nhớ về mùa xuân độc lập đầu tiên, xuân Bính Tuất năm 1946, Bác Hồ trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đúng vào giờ phút giao thừa, cả nước xúc động khi Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Bác. Bác chúc các chiến sỹ yêu quý:
“Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”.
Và Bác chúc đồng bào:
“Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi” …
Lời chúc đầu năm mới của Bác mộc mạc, ấm áp, động viên tinh thần toàn dân quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Cũng là lời thúc giục, khích lệ mọi người dân mau kiến quốc, mau thành công, mau kháng chiến thắng lợi, thể hiện lòng tin vào Nhân dân, hiểu được sức mạnh Nhân dân của Bác. Đây cũng là lần đầu tiên Nhân dân Việt Nam được hưởng một mùa xuân mới mẻ, đêm giao thừa thiêng liêng được nghe Bác đọc thơ chúc Tết. Cũng bắt đầu từ đây, vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, ai cũng chờ mong để được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Những vần thơ đầy xúc động, tình cảm, ấm áp và thắp lên niềm tin, sức mạnh trong mỗi trái tim người dân.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, cứ vào dịp Tết, Bác lại càng trăn trở, lo lắng và nghĩ đến Nhân dân nhiều hơn, mong muốn cho dân có được mùa xuân ấm no, đầy đủ và hạnh phúc. Thường thì trước Tết khoảng 3 tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, ban ngành phải chuẩn bị Tết cho dân. Bản thân Bác, Bác luôn chuẩn bị từ sớm những bài thơ, bức thư chúc Tết cho đồng bào, chiến sỹ, thiếu nhi, phụ nữ, kiều bào … bài viết Tết trồng cây, cuối cùng là một chương trình không thể thiếu đối với Bác là được đến thăm những gia đình người dân, đặc biệt những gia đình nghèo, người cô đơn, không nơi nương tựa … chương trình này chỉ bác với các đồng chí cảnh vệ biết.
Giao thừa độc lập đầu tiên, Bác đi thăm một số gia đình ở Hà Nội. Trong đó, có câu chuyện của người phu kéo xe ở cuối ngõ Hàng Đũa (nay là khu vực phố Ngô Sỹ Liên), cuộc sống mưu sinh khó khăn, không đủ tiền để về quê ăn tết cùng gia đình. Đêm giao thừa, hầu như các gia đình đều quây quần bên nhau, Bác đến thăm, chỉ thấy nén hương đang cháy dở trên bàn nhưng chủ nhà nằm một mình cô đơn, lạnh lẽo, lại bị sốt cao, trên chiếc võng tre nhỏ trong căn phòng chật hẹp. Đến thăm và chúc Tết người phu kéo xe nghèo mà Bác chạnh lòng, buồn day dứt và thương cảm. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ ghi lại địa chỉ để hôm sau báo lại cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết và nhớ mang thuốc, quà và thiệp chúc Tết cho họ.
Năm Canh tý 1960, trước thời khắc giao thừa, không có trong kế hoạch đã sắp xếp, Bác đến thăm gia đình chị Tín một lao động nghèo ở Phố Hàng Chĩnh, Hà Nội, sắp đến giao thừa rồi mà vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Đứa lớn nhất cũng chỉ mới 10 tuổi, chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Bác ngồi chơi khá lâu, xót xa và thương cảm với hoàn cảnh của 5 mẹ con. Đến đêm giao thừa Bác đến thăm và chúc tết 5 gia đình Hà Nội trong đó có gia đình Trần Công Tốt - công nhân Nhà máy đèn, gia đình bác sỹ Đinh Văn Thắng - giáo sư Trường đại học Y Dược … Sau khi đi thăm các gia đình, đặc biệt là gia đình chị Tín, Bác nói với với các đồng chí đi cùng: Còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng ấm no hạnh phúc … Bác của chúng ta là thế, tình cảm bao la và ấm áp, “Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Nhớ mùa xuân Kỷ Dậu 1969, mùa xuân cuối cùng những người dân Việt Nam được nghe thơ chúc Tết của Bác.
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Năm đó, sức khỏe của Bác cũng đã yếu đi nhiều rồi, nhưng những lời thơ của Bác mang niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, làm rung động trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, thể hiện được tư tưởng, tình cảm và sự tiên đoán tài tình về ngày thống nhất đất nước. Đúng 6 năm sau, mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước ta đã thực hiện trọn vẹn lời Bác chúc Tết của Người.
Bác đã đi xa 55 năm, ôn lại những lời thơ chúc Tết của Bác hay cùng nhau kể những câu chuyện Xuân về Người, mỗi chúng ta càng nhớ ơn Bác nhiều hơn về sự chăm lo đầy tình thương của Bác. Cũng như các mùa xuân trước, mỗi dịp giao thừa không còn được nghe lời thơ chúc Tết ấm áp, sự thăm hỏi ân cần của Bác nữa … nhưng dường như hơi ấm từ những ngày xuân có Bác vẫn nồng ấm, hiện hữu trong lòng người dân Việt Nam như một ngọn lửa truyền động lực, niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.