Khiếu nại, tố cáo là một hiện tượng xã hội; quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền quan trọng của công dân đã được Hiến pháp nước ta quy định, được thể chế trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định của pháp luật sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
Giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử và các vị đại biểu HĐND. Các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, Luật Tiếp công dân đã quy định cơ bản về chức năng, thẩm quyền của Đoàn ĐBQH, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.. Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và báo cáo bằng văn bản để Đoàn ĐBQH, Thường trực Hội đồng nhân dân biết kết quả giải quyết.
Từ khi Luật tiếp công dân có hiệu lực, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức tiếp công dân định kỳ hàng tháng tại trụ sở tiếp dân nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.
Đối với các công dân đến khiếu nại, tố cáo thì hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; theo dõi, giám sát việc giải quyết. Đối với các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết thì Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận, giải quyết.
Thông qua việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh nắm rõ tình hình, kết quả giải quyết các vụ việc cụ thể, thu thập các thông tin liên quan để nghiên cứu lựa chọn các hình thức giám sát. Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh ban hành Quy chế tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân, ban hành nội quy tiếp công dân; Phân công nhiệm vụ đối với Lãnh đạo chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thườ
ng trực HĐND tỉnh trong việc tham gia chủ trì thực hiện các phiên tiếp công dân định kỳ hàng tháng; Công bố về việc tổ chức các ngày tiếp công dân của Hội đồng tiếp công dân tỉnh, danh sách thành phần tiếp công dân trên đài phát thanh, truyền hình của tỉnh và Báo Nghệ An để Nhân dân được biết; Phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tham gia tiếp công dân. Nhìn chung, các phiên tiếp dân định kỳ đều đảm bảo theo quy định, được thông báo trên các phương tiệ
n thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm cho công dân trong tỉnh biết. Số lượng công dân biết và đến trình bày khiếu nại, tố cáo, nêu ý kiến, kiến nghị, phản ánh ngày càng tăng thêm. Tại buổi tiếp, công dân đã được trực tiếp trình bày, gửi đơn và hồ sơ, tài liệu liên quan, được các đại biểu giải thích, hướng dẫn, tư vấn và được kết luận về hướng xử lý vụ việc. Các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân đã được tiếp thu chu đáo để tổng hợp xử lý đúng quy định của pháp luật.
Quy trình tiếp công dân và xử lý đơn, thư được thực hiện theo quy định, có nền nếp. Ngay sau các buổi tiếp công dân, Hội đồng tiếp dân đã ra thông báo kết luận buổi tiếp công dân, có hướng xử lý, giải quyết đối với từng công dân và vụ việc cụ thể, ban hành công văn chuyển đơn, đôn đốc giải quyết. Tuy công dân đến trụ sở ngày càng tăng, nhưng tại các buổi tiếp do được giải thích và hướng dẫn đầy đủ, tạo nên sự gần gũi giữa đại biểu, các thành viên và công dân. Bên cạnh việc tổ chức tiếp công dân định kỳ hàng tháng, việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở cơ quan cũng đã được thực hiện tốt.
Kết quả các đơn, thư của công dân đã được tiếp nhận xử lý đúng thẩm quyền và quy trình, các ý kiến đã được ghi nhận để tổng hợp xử lý. Các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp đã được xem xét để khảo sát, giám sát, đồng thời đôn đốc các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết theo quy định.
Song song với việc tổ chức tiếp công dân, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát bằng nhiều hình thức khác nhau:
Giám sát bằng hình thức tổ chức thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Trước các kỳ họp định kỳ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Pháp chế tổ chức thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo Tại các cuộc thẩm tra bên cạnh việc đánh giá kết quả đã đạt được, đánh còn phân tích chỉ rõ các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, kiến nghị các giải pháp để UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Giám sát bằng hình thức tổ chức các phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND: Tại phiên chất vấn, các vấn đề còn tồn tại, bức xúc trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chất vấn, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành liên quan; xác định rõ các giải pháp cần tập trung để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, phức tạp trên địa bàn tỉnh. Phiên chất vấn đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Tiến hành các cuộc giám sát chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lựa chọn giám sát, khảo sát tình hình giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Thông qua giám sát (hoặc khảo sát) đã làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cần khắc phục, các kết luận và kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị có liên quan các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với những vụ việc mà các cấp chính quyền đã giải quyết đúng trách nhiệm, đúng pháp luật thì giải thích cho công dân rõ và đề nghị công dân chấp hành nghiêm túc.
Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể: Các kết luận, kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan và các công dân khiếu nại, tố cáo tiếp thu, chấp hành nghiêm túc, góp phần quan trọng trong giải quyết đúng đắn các vụ việc, chấm dứt khiếu tố, không phát sinh điểm nóng. Các cuộc giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài được dư luận Nhân dân đánh giá, đồng tình cao.
Với những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt đông giám sát công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ mới để phát huy tốt công tác này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp công dân của cơ quan dân cử. Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Tăng cường giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân của các cấp, các ngành, các cá nhân có thẩm quyền. Tổ chức việc tiếp công dân để tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân góp ý xây dựng về những vấn đề có liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hoạt động của các cơ quan dân cử, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hữu quan. Phát hiện các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong các ngành, các cấp chính quyền, những vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc tiếp công dân để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân.
Thường xuyên tuyên truyền cho Nhân dân hiểu được đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ về khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm của đại biểu đối với việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; nâng cao chất lượng tham mưu phục vụ tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân, kịp thời phát hiện các vấn đề nổi cộm được nhiều công dân quan tâm và có nhiều đơn khiếu nại,tố cáo để giám sát; tiếp tục xem xét, lựa chọn các vụ việc khiếu tố kéo dài, tồn đọng, phức tạp để thực hiện giám sát nhằm xử lý dứt điểm. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần củng cố thêm lòng tin của Nhân dân vào bộ máy chính quyền do chính người dân tin tưởng lựa chọn, bầu chọn.
Trần Văn Mão
Nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An