Hoàng Nguyên Cát – Danh y xứ Nghệ thế kỷ 18 với bộ sách Quỳ Viên gia học
Ông Hoàng Nguyên Cát, hiệu là Long Môn tiên sinh. Ông sinh năm 1702 (năm Nhâm Ngọ) ở làng Vạn Lộc, huyện Chân Phúc (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Ông mất ngày 29 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1779), thọ 78 tuổi.
Sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng: Hoàng – Mạc. Năm 21 tuổi, khoa Quý Mão (1723) ông trúng cách kỳ thi Hương. Ông không ra làm quan mà chuyên tâm tìm thầy, học nghề làm thuốc để chữa bệnh cứu người.
Cùng với việc học từ các thầy thuốc giỏi trong tỉnh (đặc biệt là Châu Vạn tiên sinh ở Thanh Chương, người mà sau gả con gái cho Ông), với năng lực nghiên cứu, học tập, tìm tòi, Ông đã trở thành người có trình độ học vấn y lý uyên thâm, có phương pháp, tay nghề thực tiễn cao và y đạo nổi danh khắp châu, huyện. Gần 50 năm hành nghề, Ông đã chữa lành cho hàng ngàn người dân bị ốm đau, bệnh tật. Ông chuyên chú vào dạy học, truyền nghề cho môn đệ, viết sách mong truyền lại kinh nghiệm cho đời sau. Ông viết nhiều và được tập hợp lại thành bộ sách Quỳ Viên gia học gồm 11 quyển. Đây là bộ sách quý được gia tộc họ Hoàng lưu giữ nguyên bản gốc (rất tiếc hiện vẫn còn thất lạc mất hai quyển). Với sự hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học, được sự đồng ý của gia tộc họ Hoàng, Hội Đông Y tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Đông Y Việt Nam cũng như các nhà Hán Nôm, Lương y ở Hà Nội, Huế,.. hoàn thành việc số hóa, dịch sang tiếng Việt 10 quyển của bộ sách Quỳ Viên Gia học (bao gồm quyển Gia phả họ Hoàng do Ông soạn và các đời sau bổ sung). Bộ sách (trừ hai cuốn đang thất lạc) có thể chia thành 3 phần, gồm:
- Phần lý luận cơ bản
+ Quyển 1: Đạo căn biên
+ Quyển 2: Ngũ tạng
+ Quyển 3: Thư trai dật bút
- Phần dược học
+ Quyển 4: Dược tính
- Phần bệnh học
+ Quyển 5: Ấu khoa (Nhi khoa)
+ Quyển 6: Nữ khoa
+ Quyển 7: Tạp bệnh đề yếu
- Phần bệnh án, kinh nghiệm
+ Quyển 8: Y biểu, bệnh án
+ Quyển 9: Kinh nghiệm
Có thể nói, đây là một bộ sách lớn với hơn 1000 trang chữ Hán, đề cập nhiều lĩnh vực, từ lý luận cơ bản về Kinh dịch, quan điểm về y đức, đến nghiên cứu về mô hình bệnh tật, dược liệu và đặc biệt là các bệnh án Ông đã gặp hoặc trực tiếp điều trị, các bài thuốc được Ông ghi chép lại. Qua bộ sách, có thể thấy, Ông đã để lại một di sản lớn về y học cổ truyền.
Trước hết về y đức, Ông quan niệm, học nghề Y trước hết cần có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với cha mẹ, anh em; trong quá trình học tập phải chuyên cần, khi hành nghề phải trách nhiệm với nghề. Ông khẳng định: Y là cái Đạo!
Thứ hai, Ông đã kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển kiến thức của người đi trước. Từ thực tiễn hành nghề, Hoàng Nguyên Cát đã tổng kết, rút ra những vấn đề có giá trị để bảo tồn, phát triển thuyết chữa bệnh của các danh y nổi tiếng. Từ các bài thuốc cổ phương, Ông đã gia giảm để trở thành nhiều bài thuốc khác nhau tùy theo tạng bệnh nhân, cũng như tiết khí. Nghiên cứu công trình Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh (khi Ông đã trên dưới 70 tuổi), Ông đã phản biện, bổ sung và phát triển. Như Hải Thượng chỉ bàn về thuyết thủy – hỏa ở tạng thận, còn Ông mở rộng bàn về thủy – hỏa của lục phủ, ngũ tạng,... Xuyên suốt cuộc đời hành nghề, Ông chú trọng về: bồi bổ thủy hỏa, điều hòa âm dương, bình can, bổ tỳ, tư thận. Trong chẩn đoán, ông lưu ý cần chú trọng hai mạch tiên thiên và hậu thiên. Ông lý giải: “Bồi bổ thủy hỏa nhằm điều hòa tiên thiên, bồi bổ tỳ thổ nhằm phục vụ cho hậu thiên”.
Thứ ba là, bộ sách Ông để lại có nhiều bài thuốc đông y của các danh y và Ông chế ra. Ông viết: “Thuốc gia truyền kinh nghiệm của tôi, là tôi tường thuật những bài thuốc của các vị Tiên công đã nghiên cứu chế ra để cứu đời và ghi chép những bài thuốc của tôi đã thí nghiệm nhiều lần, có công hiệu tốt, mới biên soạn lại thành sách, để lưu truyền về sau, có bổ ích mãi mãi, làm một phương pháp lập ngôn không bao giờ hủ nát. Nhưng bệnh biến phải có nguyên nhân, mà thời khí cũng có phần thay đổi khác, lúc lâm sàng có thực nghiệm hay không, là còn may được nhờ ở độ lượng cao minh của các quý vị quân tử lưu ý chiếu cố cho”.
Ông đã tập hợp và giới thiệu 62 bài thuốc cổ phương và tân phương. Ông còn nhận xét, gia giảm để phát huy bài thuốc của các tiền nhân, như khi bàn về bài Bổ trung ích khí, Ông đã gia giảm thành 9 bài để điều trị các chứng bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình chữa bệnh Ông đã tự chế ra, chữa bệnh thành công và ghi lại 51 bài.
Thứ tư, Ông tập hợp, mô tả, giới thiệu các chứng bệnh chuyên khoa nhi, phụ sản, ghi chép lại 68 bệnh án tác giả đã gặp và chữa có hiệu quả, trong đó có nhiều bệnh khó. Có thể nói đây là mô hình bệnh tật rất quý giá để học tập.
Thứ năm, Ông đã tập hợp, giới thiệu 198 vị thuốc (trong đó có rất nhiều vị thuốc thu hái ở Nghệ An). Ông ghi chép cụ thể về dược tính từng vị thuốc, kinh nghiệm bào chế đến việc sử dụng để điều trị các bệnh. Ông sắp xếp các vị thuốc theo nguyên tắc Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm để giúp thầy thuốc dễ sử dụng.
Tóm lại, bộ sách Quỳ Viên gia học là một tư liệu về y học cổ truyền nguyên gốc, có giá trị cao. Nó không những có giá trị về mặt lý luận y học phương Đông mà còn có giá trị về mặt thực tiễn. Thông qua bộ sách này chúng ta thấy được thân thế và sự nghiệp của Hoàng Nguyên Cát, một vị danh y uyên thâm, y đức trong sáng.
Để bảo tồn khai thác và phát triển giá trị của bộ sách Quỳ Viên gia học, chúng tôi đề nghị:
- Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức cho in bộ sách Quỳ Viên gia học để làm tài liệu học tập, nghiên cứu cho các Trường, Viện, Hội Đông y cũng như các bệnh viện y học cổ truyền.
- Trên cơ sở các bài thuốc Hoàng Nguyên Cát đã để lại, cần nghiên cứu tuyển chọn để phổ biến. Những bài mới cần đề xuất ngân sách khoa học hỗ trợ để thử nghiệm lâm sàng từ đó khẳng định và phổ biến.
- Nghiên cứu 198 vị thuốc mà Hoàng Nguyên Cát giới thiệu để xác định các loài cây con được khai thác ở Nghệ An để từ đó định hướng triển khai trồng trọt chăn nuôi trong chương trình phát triển dược liệu của tỉnh để giảm thời gian khảo nghiệm (vì nhiều loài trước đây có nhưng nay không còn trong tự nhiên ở Nghệ An).
- Ngành Y tế, Hội Đông Y Nghệ An tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh danh y Hoàng Nguyên Cát; phối hợp với Hội Đông Y Việt Nam tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về Hoàng Nguyên Cát và bộ sách Quỳ Viên gia học; phối hợp ngành văn hóa đề xuất công nhận bộ sách Quỳ Viên gia học là Di sản văn hóa vật thể và là Báu vật quốc gia.