ab.jpg

tit1.jpg

Ở Nghi Long (Nghi Lộc, Nghệ An) có một dòng họ được xem là “danh gia vọng tộc”, đặc biệt là đã sinh ra những họa sỹ nổi danh ở Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến là họa sỹ Lê Huy Miến được nhớ đến như là “nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, là bậc thầy về kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu Châu Âu”. Ông được đánh giá là họa sỹ vẽ chân dung bậc thầy ở Việt Nam, đã sống trọn vẹn một cuộc đời “của một nhà nho yêu nước, một nhà giáo mẫu mực khẳng khái. Tài năng của ông xứng đáng là người họa sĩ đầu tiên đưa nền mỹ thuật Việt Nam từ lúc còn mang đậm chất mỹ nghệ, dân gian và chịu ảnh hưởng tranh Tàu, sang giai đoạn mới với sự hội nhập văn hóa Âu Tây”. Thứ đến là họa sỹ Lê Huy Tiếp một trong những người “nhập cuộc táo bạo vào nền nghệ thuật Việt Nam. Ông thuộc thế hệ thứ nhất của Đổi mới và mở đầu câu chuyện đi trước Đổi mới của Mỹ thuật Đương đại Việt Nam từ những năm 1980” như lời Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn từng nhận xét. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc thêm rằng, họa sỹ Lê Huy Tiếp chính là kết tinh của mối tình được báo chí kể lại là “thủy chung hiếm thấy”. Đây cũng là người con duy nhất của gia đình 2 người chiến sỹ cách mạng Lê Huy Điệp và Nguyễn Thị Thiu. Ông Điệp nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Nghệ An. Bà Thiu (bạn hoạt động cách mạng cùng chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Nguyễn Thị Quang Thái), là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội Nghệ An khóa II. Và họa sỹ Lê Huy Trấp là cháu họ của họa sĩ Lê Huy Miến, anh họ của họa sĩ Lê Huy Tiếp, thì được biết đến như một họa sĩ thành công ở mảng vẽ chân dung Bác Hồ.

lht2.jpg

Tốt nghiệp đại học, Lê Huy Trấp về Sở Văn hóa Hà Nội làm thiết kế sân khấu trong Đoàn Ca múa kịch Hà Nội. Còn có thời gian ông theo học Khoa Ngữ văn thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Đến năm 1983, ông lại về công tác tại Văn phòng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi về hưu 10 năm sau đó.

Họa sỹ Lê Huy Tiếp kể rằng: “Chúng tôi là anh em con chú, bác ruột thân thiết, bố anh là anh cả còn bố tôi là em trai út. Khi bố mẹ tôi còn, gia đình tôi là nơi tập trung của tất cả các anh chị. Ai chưa có vợ chồng, bố mẹ tôi đứng ra thay mặt các bác đã mất lo tổ chức. Đám cưới vợ chồng anh cũng vậy. Anh cũng là người thầy dạy vẽ đầu tiên của tôi khi tôi 6,7 tuổi ra Hà Nội, lúc đó anh đang học khoá đầu của trường Mỹ thuật Hà Nội sau kháng chiến chống Pháp. Sau này theo cha mẹ về lại thành phố Vinh, mỗi lần về quê, anh lại xem bài hướng dẫn tôi vẽ và định hướng cho tôi thi vào trường Mỹ thuật công nghiệp nhưng luyện để vẽ tranh hội hoạ. Anh cũng chính là người dẫn thằng bé là tôi đang học trung cấp Mỹ thuật công nghiệp đi tới các bạn và thầy Trần Văn Cẩn của anh xem tranh mỗi khi tôi nghỉ về Hà Nội từ nơi sơ tán Bắc Giang. Tôi học được rất nhiều từ những cuộc tiếp xúc đó, nhất là qua tranh vẽ, bài học, sách hội họa Đông, Tây của anh. Tôi học anh ở sự cần cù nhẫn nại và chăm học, ngoài tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật, anh còn theo học tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp. Anh giỏi chữ Hán Nôm và tôi chưa thấy ai viết, vẽ chữ Hán đẹp như anh. Anh hay làm thơ bằng chữ Hán rồi dịch sang tiếng Việt, tôi thấy lạ, hỏi anh sao phải thế, anh nói luyện cho đỡ quên. Anh hoạt động nhiều lĩnh vực, là họa sĩ nổi tiếng về những bức tranh cổ động, bút sắt và tranh vẽ Bác Hồ, anh là tác giả của nhiều thiết kế phông màn, trang phục, tranh cổ động cho Đoàn ca múa kịch Hà Nội, anh còn là người vẽ thiết kế tiền cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Nhiều năm cuối anh công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, mọi người nói rằng anh có lẽ là người hiền lành, thật thà, nghiêm túc, chu đáo nhất giới Mỹ thuật nên đã giao cho anh việc chuyên đi họp nghị quyết ở trên về truyền đạt lại và đi thăm hỏi các cụ cao niên, lo chuyện hiếu hỉ.

hoa-sy-le-huy-trap-va-hoa-sy-le-huy-tiep-nam-2019-tai-nha-rieng.jpg
Họa sỹ Lê Huy Trấp và họa sỹ Lê Huy Tiếp năm 2019 tại nhà riêng

Anh sống một cuộc đời hạnh phúc giản dị không màng danh vọng và vật chất luôn hài lòng với điều mình có, khiêm nhường và vui vẻ với tất cả mọi người”.

Quả thực, họa sỹ Lê Huy Trấp mà tôi từng gặp, đúng như những điều mà họa sỹ Lê Huy Tiếp đã kể, đã nhớ về anh mình. Khi tiếp chuyện tôi năm đó, họa sỹ Lê Huy Trấp cũng đã già, tóc ông đã bạc trắng, giọng cũng đã run, nhưng mọi ký ức tuổi thơ không hề phai nhạt, đặc biệt khi nói về hội họa thì tôi có cảm tưởng ông đã nói bằng tất cả tình yêu đến say mê của mình. Ông cũng thổ lộ rằng mình may mắn khi được sinh ra ở vùng quê xứ Nghệ, may mắn khi được sinh ra trong một gia đình như thế “khi bên cạnh mình những người thân yêu cũng có thể chia sẻ kiến thức và quan điểm về nghệ thuật”. Ông vẫn thường được trò chuyện với họa sỹ Lê Huy Miến, ngắm nhìn những bức sơn dầu của người ông họ với một niềm ngưỡng mộ. Ông luôn tự hỏi, vì sao lại có thể có được những thứ kỳ diệu, đẹp đẽ đến nhường kia? Cả thế giới cùng với vẻ đẹp, sự rung động đã thu nhỏ vào trong một tấm vải và những mảng màu. Để rồi, từ đó, ông đã nuôi lớn dần khao khát…

tit2.jpgLà họa sĩ nổi tiếng về mảng tranh cổ động, tranh bút sắt và tranh vẽ Bác Hồ, Lê Huy Trấp vẽ Bác từ thời còn học phổ thông, cho đến tận sau này khi gặp tôi, lúc tóc ông đã bạc và giọng đã run thì ông vẫn thừa nhận: “Nếu có thêm nhiều thời gian nữa trên đời này, tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ về Bác”.

Thời học phổ thông, một trong số những bức tranh vẽ Bác của Lê Huy Trấp được hiệu trưởng treo trang trọng trong phòng làm việc của thầy. Thi thoảng Lê Huy Trấp được vào phòng thầy, mỗi lần như vậy ông đều ngước lên nhìn bức vẽ của mình và mỉm cười. Sau này khi được gặp Bác ngoài đời, Lê Huy Trấp vô cùng xúc động. Những hình dung, tưởng tượng năm nào về Bác lúc này được chứng thực, những tình cảm tôn kính dành cho Người bấy lâu nay giờ đây có cơ hội được vỡ òa trong hạnh phúc. Lần gặp đầu tiên ấy đã mang lại cho họa sĩ nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Ấn tượng lớn nhất về Người là một phong cách giản dị, gần gũi, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát. “Ở Bác rõ ràng toát ra vẻ gì đó khác người, đó hẳn là người có tâm hồn và nhân cách lớn”, họa sĩ Lê Huy Trấp từng kể lại.

tranh-co-dong-khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do.jpg
Tranh cổ động Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do

Và người họa sĩ tiếp tục vẽ Bác. Những bức tranh bút sắt được vẽ kĩ lưỡng, tỉ mẩn, những bức cổ động về phong trào kháng chiến, về độc lập tự do gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ luôn chiếm được trái tim khán giả vì ở đó, Bác hiện lên vừa thân thiết vừa cao đẹp, vừa gần gũi chân thực, vừa có tính biểu tượng, khái quát cao. Những người trong giới nghệ thuật thường trầm trồ thích thú trước các tác phẩm như “Ngục trung nhật ký”, “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Bác Hồ bên suối Lê-nin”, “Việt Nam Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ ở Paris”, “Tổ quốc và Bác”… của Lê Huy Trấp.

Năm 1969, nghe tin Bác mất, Lê Huy Trấp cảm thấy trái tim mình nhói đau. Ông sững sờ, không tin vào tai mình, đồng thời cảm giác về sự mất mát quá lớn không chỉ dành cho ông mà cho cả dân tộc chiếm lĩnh tâm trí Lê Huy Trấp. Ngay lập tức ông nhận ra rằng mình cần phải vẽ nhiều tranh về Người hơn nữa, một phần vì hình ảnh của Người quá đẹp, tạo cảm hứng sáng tạo cho ông, phần khác vì muốn lưu giữ lại những kí ức, ấn tượng về vị lãnh tụ kính yêu, như một cách để tưởng nhớ và cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, nhờ nghệ thuật ghi dấu lại.

Chỉ sau đó 1 năm, bức tranh bột màu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” Lê Huy Trấp vẽ nhân dịp kỉ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chọn tham dự triển lãm tại La Habana (Cu Ba). Sau triển lãm, Fidel Castro lúc đó là Thủ tướng Cu Ba đã yêu cầu in tác phẩm này ra thành nhiều bản. Cu Ba đã cử hai họa sĩ của họ sang Việt Nam để giúp Bộ Văn hóa Việt Nam trong kĩ thuật in lưới, đồng thời tặng Bộ một số phiên bản bức tranh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” do chính họ in bằng kĩ thuật này.

tranh-bot-mau-xay-dung-dat-nuoc-ta-dang-hoang-hon-to-dep-hon-.jpg
Tranh bột màu “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

Tranh vẽ Bác Hồ của Lê Huy Trấp, dù là vẽ tỉ mẩn bằng bút kim hay chỉ là những bức đồ họa mang tính chất truyên truyền cổ động, đều thể hiện chân dung của vị lãnh tụ vừa đẹp về dáng vẻ, phong thái vừa toát lên nét dáng thanh cao, giản dị, nhân hậu, trí tuệ của Người. Những bức vẽ đã mang lại thành công cho người họa sĩ. Ông nhận được nhiều giải thưởng về mỹ thuật: Giải thưởng chính thức về đề tài Hồ Chí Minh; Giải B và Giải C 10 năm triển lãm đồ họa toàn quốc (1975 - 1985); Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội (Giải B năm 1968, Giải A năm 1972, Tặng thưởng năm 2001); Giải thưởng Tranh cổ động nhiều năm; Giải Khuyến khích của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995 và nhiều giải thưởng, tặng thưởng khác. Ngoài ra, ông còn được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin.

Lê Huy Trấp đã để lại cho đời những tác phẩm quý báu của ông và tất cả tấm chân tình, sự yêu kính ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời họa sĩ từng tâm sự ông tự hào vì sinh ra ở Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt và cũng là nơi sinh Hồ Chủ tịch, người mà ông đã vẽ từ khi còn là một cậu học trò, người ông đã vinh dự được gặp và xúc động mạnh mẽ, người ông đã chọn để vẽ cả đời mình, người mà, nếu còn thêm thời gian nữa ông vẫn tiếp tục vẽ.