Bước chân ra vườn là có tiền

Với lợi thế vườn đồi rộng, gia đình ông Nguyễn Trọng Sơn (xóm Yên Hoà, xã Thanh Hoà) đã cải tạo vườn tạp, quy hoạch thành từng ô, thửa với các phân khu khác nhau. Vòng ngoài, trên đất đồi dốc ông trồng keo và sắn; phía giữa ông trồng các loại cây đặc sản: Trám đen 45 cây, hồng giòn 35 cây, 75 cây thanh long, 25 cây đu đủ và dọc bờ ao, bờ rào, sát mép cổng trồng 300 gốc cau; ngay sát nhà ông trồng các loại rau màu: Cải, xà lách, muớp đắng… Diện tích ao cá, khu chăn nuôi dê, gà, lợn. “Ngày nào cũng có thu nhập từ vườn. Thu nhập thường xuyên nhất là rau và chè xanh thực phẩm; còn lại là hoa quả theo mùa, lúc thì thanh long, lúc đu đủ, có khi là chuối hay hồng giòn. Trong đó, thu nhập đáng kể nhất là 300 gốc cau và 45 gốc trám. Tính trung bình, mỗi năm, nguồn thu từ vườn mang lại khoảng 150 triệu đồng. Các sản phẩm từ vườn đến khi thu hoạch có thương lái thu mua, nhập đi Dùng, đi Vinh chứ không mấy khi phải đi bán lẻ ở chợ”, ông Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Sơn (xã Thanh Hoà) với vườn cây ăn quả tổng hợp, cho thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng

Ở xóm Đồng Hoà (xã Thanh Hoà), gia đình ông Nguyễn Trọng Dung là một trong những điển hình về kinh tế vườn hộ. Năm 2023, vườn của gia đình ông được công nhận là vườn chuẩn nông thôn mới đẹp cấp huyện. Diện tích đất vườn rộng là một lợi thế, song điều quan trọng nhất là chủ hộ biết quy hoạch vườn hợp lý, biết lựa chọn cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, có hiệu quả kinh tế cao.

Nếu như các hộ khác chạy theo phong trào trồng bưởi Diễn thì ông Dung lại lựa chọn giống bưởi Thanh Mỹ bản địa để trồng; khi người dân ồ ạt chặt bỏ cây cau để trồng các loại cây ăn quả cam, quýt thì ông vẫn giữ các gốc cau lâu năm, trồng mới, nhân rộng thêm hàng trăm gốc cau khác, dưới cau ông trồng xen tiêu sọ. Đặc biệt, thay vì trồng trám đen lai, ghép thì ông lại chọn giống trám gốc Thanh Chương để nhân giống. Hợp chất đất, hợp khí hậu, được chăm sóc tốt nên các loại cây trồng sinh trưởng tốt, cho quả sai, giống cây bản địa nên có vị ngon đặc trưng, được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ, giá bán cao. Nhờ đó, hai ông bà có nguồn thu ổn định (khoảng 100 triệu đồng/năm), chi tiêu thoải mái nhờ kinh tế vườn.

Vườn mẫu NTM với cây cau hàng hoá của hộ ông Nguyễn Trọng Dung (xã Thanh Hoà)

Diện tích đất vườn không rộng, đất chủ yếu pha cát nên ông Nguyễn Văn Bình (thôn Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên) lại chọn phát triển kinh tế vườn bằng trồng rau màu, ngô nếp và ao nuôi cua, cá. “Nếu như trồng các loại cây ăn quả thì thu nhập cao nhưng lại không thường xuyên và cũng nhiều rủi ro khi trúng vụ, rộ mùa, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, trồng rau sạch, rau gia vị thì thu nhập ít nhưng thường xuyên, liên tục, ngày nào cũng có tiền. Từ 5 sào vườn trồng rau, trồng ớt, trồng ngô, lạc mỗi ngày cũng cho thu nhập từ 300-350.000 đồng, dư dả tiền chi tiêu, phục vụ sinh hoạt. Cứ bước chân ra vườn là có tiền”, ông Bình cho biết.

Kinh tế vườn từ cây trồng bản địa

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có khoảng 30.000 hộ dân đã tiến hành cải tạo vườn tạp, để phát triển kinh tế vườn. Trong đó, các loại cây được người dân lựa chọn trồng là giống cây đặc sản bản địa. Chẳng hạn như ở các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm thì trồng giống cam bù, cam bù sen, cam V2 Tổng đội; ở xã Thanh Mai thì trồng thanh long, cam; ở Thanh Mỹ tập trung trồng bưởi Thanh Mỹ; Thanh Nho, Thanh Hoà, Phong Thịnh, Hạnh Lâm thì trồng trám đen, cau; Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh tập trung trồng giống hồng giòn không hạt… Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế vườn, huyện đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện bám sát cơ sở, phối hợp với cán bộ nông nghiệp và người dân lựa chọn các giống cây có phẩm chất tốt, nguồn giống đảm bảo; mở các lớp tập huấn truyền đạt kỹ thuật chăm sóc. Hội Nông dân huyện cung cấp dịch vụ phân bón trả chậm, thành lập các mô hình tổ hội nghề nghiệp tạo mối liên kết chặt chẽ, đồng thời, kết nối, tạo đầu ra ổn định cho các nông sản từ vườn. Hội làm vườn thì tư vấn, thiết kế, quy hoạch vườn theo đúng quy chuẩn. Ngoài ra, huyện cũng có chính sách hỗ trợ các hộ dân xây dựng vườn chuẩn nông dân, vườn mẫu nông thôn mới.

Những vườn cây ăn quả được trồng mới ở Thanh Chương

Đặc biệt, huyện cũng đã ban hành đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, giai đoạn 2021-2025”, trong đó có lĩnh vực cây ăn quả, thuộc kinh tế vườn đồi, vườn hộ. Huyện tập trung đầu tư, khuyến khích kinh tế hộ theo hướng xây dựng khu vườn chuẩn nông thôn mới gắn với phát triển các sản phẩm đặc sản của huyện, phấn đấu ngày càng có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.  Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Đặc biệt quan tâm công tác bảo quản sau thu hoạch, hệ thống thủy lợi, cơ giới hóa trong các khâu canh tác, giống mới có năng suất và chất lượng.

Cây trám đen đang được lựa chọn là cây trồng chủ lực trong kinh tế vườn ở nhiều hộ gia đình ở Thanh Chương

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Để hỗ trợ kinh tế nông hộ, ngoài linh hoạt các chính sách về vốn, phát triển cơ sở hạ tầng, huyện cũng chú trọng bảo đảm yếu tố môi trường, tuân thủ quy chuẩn sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP. Thông qua tuyên truyền, khuyến khích người dân các địa phương hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn hiệu quả. Hiện tại, ở Thanh Chương đã và đang xuất hiện các mô hình kinh tế vườn đồi hiệu quả, trong đó, cây trồng bản địa như: bưởi, hồng giòn, trám đen bản địa được bảo tồn, nhân rộng, phát huy hiệu quả kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, phát triển kinh tế vườn hộ đang đi đúng hướng và đây là một mắt xích quan trọng để Thanh Chương hoàn thành tiêu chí thu nhập, môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.