dong-chi-nguyen-thi-anh-tuyet.jpg

Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Vinh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tp Vinh phát biểu tham luận tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện được tổ chức tại Con Cuông, tháng 7/2022

Nhằm nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố rút ra những một số kinh nghiệm thực tiễn: Những năm gần đây, Thường trực HĐND tổ chức giám sát rất nhiều chuyên đề được cử tri rất quan tâm như: giám sát về việc huy động nguồn lực (ngoài ngân sách nhà nước) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với hệ thống, đường, mương thoát nước, nhà văn hóa khối xóm trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2018-2020; giám sát công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2019-2021; giám sát về việc thực hiện đầu tư công,…Từ các chuyên đề giám sát đó, Đoàn giám sát phần nào cũng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cử tri và trong quá trình giám sát Đoàn cũng thấy có nhiều vấn đề, nội dung bất cập. Từ đó, có các kiến nghị, đề xuất đối với UBND Thành phố có giải pháp để thực hiện. Đối với các chuyên đề giám sát, để đạt được hiệu quả nhất định, HĐND Thành phố xin đưa ra một số kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giám sát các chuyên đề như sau:

Thứ nhất, là việc xác định và lựa chọn nội dung giám sát:

Đây là nội dung, là yếu tố quan trọng đầu tiên, tác động làm tăng hoặc giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Là nhiệm vụ rất quan trọng trong thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND thành phố Vinh, bởi các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội rất nhiều nhưng lựa chọn thời điểm và nội dung nào cho trúng, cho đúng để thực hiện giám sát chuyên đề là điều rất quan trọng. Việc lựa chọn nội dung giám sát cần đảm bảo đúng theo thẩm quyền và được thực hiện trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, qua thu thập thông tin từ cơ quan báo chí, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, việc khảo sát để nắm bắt thông tin của các Ban HĐND Thành phố. Quan trọng hơn nữa, khi lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề cần nghiên cứu, tìm hiểu để tránh trùng lặp với nội dung giám sát chuyên đề.

Thứ hai, là xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát: Đây cũng là nội dung vô cùng quan trọng và được thực hiện theo trình tự, cụ thể đó là:

+ Đối với việc thành lập Đoàn giám sát: thành phần Đoàn giám sát phải đảm bảo đầy đủ các thành phần như: Thường trực HĐND, Phó Trưởng Ban chuyên trách, đại diện UBMTTQ, đại diện đại biểu HĐND Thành phố và đại diện lãnh đạo có chuyên môn để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Và trong quá trình giám sát chuyên đề Thường trực HĐND có mời phóng viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cùng dự và đưa tin nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm truyền tải nội dung thông tin đảm bảo kịp thời.

+ Đối với việc xây dựng Kế hoạch giám sát: Nguyên tắc trong xây dựng kế hoạch trước tiên là phải làm rõ mục đích, yêu cầu của việc giám sát, nội dung, phạm vi giám sát để làm căn cứ xây dựng đề cương, lựa chọn hình thức giám sát, đối tượng giám sát đảm bảo chính xác, phù hợp và xây dựng chương trình làm việc khoa học, hợp lý. Đồng thời, việc lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp là rất quan trọng, đó phải là những cơ quan, đơn vị mang tính đại diện, bao quát đối với vấn đề cần giám sát. Nội dung quan trọng trong xây dựng kế hoạch giám sát là việc bố trí, triển khai đoàn giám sát cần đảm tính khoa học, hợp lý; cần phân công rõ trách nhiệm với các thành viên trong đoàn giám sát. Lựa chọn thời gian phải phù hợp; địa điểm làm việc bố trí linh hoạt, hợp lý.

+ Đối với việc xây dựng đề cương giám sát: phải xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đề cương, vì đề cương là cốt lõi và là điểm quyết định quan trọng của một cuộc giám sát. Đề cương giám sát cần chỉ rõ những nội dung trọng tâm nhất, quan trọng nhất mà Đoàn giám sát quan tâm để phục vụ, mục đích của cuộc giám sát chuyên đề. Việc xây dựng đề cương giám sát được Thường trực HĐND Thành phố chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ sát đúng với tình hình thực tiễn phù hợp với các văn bản quy định. Trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan thì cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều kênh khác nhau để từ đó xây dựng đề cương đạt hiệu quả nhằm cho đối tượng giám sát dễ báo cáo dễ thực hiện. Sau khi xây dựng đề cương xong, để có sự đồng thuận và nhất trí cao trong việc xây dựng đề cương thì thư ký của đoàn tiến hành làm văn bản xin ý kiến các thành viên Đoàn giám sát và các phòng chuyên môn, hình thức xin ý kiến có thể thực hiện thông qua xin ý kiến góp ý bằng văn bản vào dự thảo đề cương hoặc góp ý trực tiếp tại các cuộc họp bàn và thông nhất đề cương.

Thứ ba, công tác chuẩn bị và tiến hành triển khai cuộc giám sát:

Trước khi tổ chức triển khai cuộc giám sát, việc cần thiết là tổ chức họp Đoàn giám sát để thông báo kế hoạch giám sát, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên Đoàn (nhất là các đại biểu chuyên trách) trong việc nghiên cứu sâu những nội dung cần trao đổi tránh trùng lặp ý kiến và làm rõ thêm được nhiều vấn đề. Trong quá trình triển khai cuộc giám sát tập trung yêu cầu đối tượng được giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề thành viên Đoàn trao đổi qua khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan. Trong quá trình giám sát trao đổi, chia sẻ để tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề sau giám sát.

Thứ tư, xây dựng báo cáo và cho ra Thông báo kết luận:

Ngay sau khi kết thúc đợt giám sát và làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị được giám sát, Đoàn giám sát tập trung ngay vào việc xây dựng báo cáo kết quả giám sát trên cơ sở các báo cáo của cơ quan, đơn vị được giám sát và kết quả giám sát thực tế. Báo cáo kết quả giám sát được lấy ý kiến đóng góp của đối tượng được giám sát và thành viên Đoàn giám sát. Báo cáo kết quả giám sát luôn đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể, những vướng mắc, khó khăn (về thể chế, thực tiễn) trong quá trình tổ chức thực hiện, nêu ra được những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, chính xác, phù hợp, có khả thi để các cơ quan tổ chức thực hiện được; kiến nghị có trọng tâm, cụ thể, rõ ràng, xét thấy có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Báo cáo kết quả giám sát trình cho Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến trước khi ký chính thức ban hành báo cáo. Qua hoạt động giám sát chuyên đề giúp đại biểu hiểu rõ hơn tình hình thực tế của cơ sở, từ đó có thêm nhiều thông tin phục vụ thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Kết quả giám sát được Thường trực HĐND theo dõi, kịp thời đôn đốc, khi cần thiết tổ chức khảo sát kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát tại các đơn vị đã giám sát. Trước các kỳ họp thường kỳ của HĐND Thành phố, Thường trực HĐND tiến hành đánh giá kết quả kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp báo cáo trình HĐND tại các kỳ họp.

Thứ năm, trong việc giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề:

Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố đã từng bước được nâng lên và đi vào chiều sâu, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đặc biệt, vấn đề quan trọng cốt lõi nhất trong hoạt động giám sát hiện nay là tiếp thu, giải quyết những kết luận sau giám sát của cơ quan chức năng. Bởi, thực tế đã có không ít ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của đoàn giám sát không được cơ quan tiếp thu một cách nghiêm túc, do vậy không triển khai thực hiện đầy đủ. Điều này làm giảm hiệu lực, do vậy xa hơn còn mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan dân cử.

Để hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hơn nữa, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

(1). Việc xây dựng chương trình giám sát của Thường trực HĐND Thành phố cần đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống của các tầng lớp Nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương. Đây là khâu quan trọng, việc lựa chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm quyết định đến chất lượng và hiệu quả của giám sát chuyên đề.

(2). Cần đảm bảo các tài liệu phục vụ giám sát được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của đề cương giám sát, phát huy trách nhiệm của các thành viên (nghiên cứu báo cáo, tham khảo khảo sát, đóng góp ý kiến), huy động trí tuệ tập thể Thường trực để có thể đánh giá sâu sắc kết quả đạt được trong lĩnh vực được giám sát và đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế được chỉ ra nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của giám sát.

(3). Quá trình tổ chức giám sát, ngoài giám sát qua báo cáo phải tổ chức đi giám sát thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tham vấn ý kiến các tầng lớp Nhân dân - các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý Nhà nước, chịu tác động của các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát. Có thể mời thêm chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn liên quan đến lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát và phát hiện những vấn đề khó thuộc về chuyên ngành.

(4). Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát. Tiếp tục tái giám sát hoặc đưa những nội dung đó ra chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cư tri đối với cơ quan dân cử.

(5). Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cần tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, gắn kết quả giám sát của HĐND với đánh giá, ghi nhận vai trò lãnh đạo của từng chi bộ, đảng viên trong việc hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao hàng năm.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban dân vận

Chủ tịch UBMTTQ thành phố Vinh

Trưởng ban Pháp chế

(Tiêu đề do BBT đặt)