Tôi nhớ ai đó đã nói: Một nhà báo thật sự, ít ra anh ta phải có vài ba cuốn sách có ấn tượng đối với bạn đọc.

Xét về mặt này, nhà báo Hàm Châu là người có những cuốn sách có giá trị, những cuốn sách, theo tôi, ngoài Hàm Châu ra, khó có ai viết nổi.

Nhà báo - nhà văn Hàm Châu

Ông là tác giả của gần 3000 bài báo, 10 cuốn sách rất nổi tiếng như như: Hiếu học và tài năng, Người trí thức quê hương, Trái tim trong tuyết trắng, Đất Việt cuối trời xa, Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học”, Những chân trời của tài năng, Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung, Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý… Ông còn một số sách viết trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp: Vietnamese Culture-Frequently Asked Questions (Văn hóa Việt Nam, những câu hỏi thường gặp, 2004), The Cuisine of Vietnam Nourishing a Culture (Ẩm thực Việt Nam nuôi dưỡng nền văn hóa), 2006), Vietnamese Intelligentsia: Typycal Figures (Những gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu, 2011), Scientifique Vietnamiens-générations 1945-2000 ( Các nhà khoa học Việt Nam 1945-2000).

Chỉ nhìn tên sách, ta đã thấy ông dồn tâm huyết cho sự học và khoa học cơ bản, cho người trí thức - những nhân tố có thể tạo ra sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước, cho một xã hội nhân văn. Và đó cũng là mục đích, lý tưởng của một nhà báo chân chính, lấy phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, phụng sự bạn đọc lên trên hết.

Ông không phải là người đầu tiên viết về hiếu học, nhưng là người rất có ý thức truyền sự hiếu học như một thông điệp cho giới trẻ, cho những người cộng sản rằng, muốn xây dựng CNXH thành công; muốn đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, hãy bắt đầu bằng sự học chứ không phải chỉ bằng  mong muốn hoặc lý thuyết suông, hoặc lấy thành phần cơ bản làm bảo bối.

Nhà báo Hàm Châu và cuốn sách Ánh sáng nhân văn

Bản thân nhà báo Hàm Châu cũng là một người hiếu học. Ông thạo tiếng Pháp, biết chữ Hán và một ít tiếng Anh từ thuở học sinh. Ông không bao giờ bằng lòng với kiểu “biết ít ít”. Năm 1949, trong thư gửi các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ yêu cầu người phóng viên phải biết ít nhất một ngoại ngữ. Hàm Châu đã phấn đấu được nhiều hơn thế.  Năm 60 tuổi ông đi học đại học tiếng Anh chính quy, hàng ngày xem phim, nghe tin tức trên truyền hình CNN Mỹ và dùng nó như một công cụ chính để đi sâu vào khoa học, nghệ thuật, viết sách, dự hội nghị khoa học quốc tế, du lịch khắp thế giới.

***

Nhà báo Hàm Châu, tên khai sinh là Nguyễn Hàm Châu, theo chữ Hán thể hiện mong ước của người cha là “ngậm ngọc”. Đó là một truyền thống đặt tên con trong các nhà nho ở Nam Đàn (ví dụ, Phan Bội Châu là “đeo ngọc”). Ông sinh năm 1935 trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Liễu, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nội là Phó bảng Nguyễn Văn Chấn khoa thi 1895; ông ngoại là Tiến sĩ Vương Đình Thụy đỗ đầu kỳ thi Đình khoa thi 1910, đồng thời đỗ đầu thi Hội nên người đương thời gọi là “Song nguyên”. Thân sinh nhà báo Hàm Châu là Tú tài Nguyễn Xuân Thụ, một người nổi tiếng hay chữ và đức độ trong vùng.

Hồi nhỏ,  Hàm Châu từng  được sống và theo học ở Huế. 

Sau giải phóng Thủ đô, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Tài chính, hồi ấy hay gọi tắt là Kinh – Tài (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân), chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp.

Nhưng ông bén duyên ngay với báo chí như một cơ trời để thi thố chữ nghĩa chứ không phải để tính lời lỗ.

Ngày 26-2-1957, Thành ủy Hà Nội thông qua Nghị quyết số 93-NQ/ĐBHN “Về việc xuất bản báo hằng ngày ở Thủ đô”.  Tháng 3-1957, nhà báo Đinh Nho Khôi, nguyên Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân (em của nhà ngoại giao Đinh Nho Liêm) được điều động về làm Tổng Biên tập. Ông Khôi người Sơn Hòa, Hương Sơn, biết rõ thân thế, gia đình Hàm Châu đã mời ông về làm phóng viên. Nhà báo Hàm Châu trở thành một trong những phóng viên thế hệ đầu của Báo Hà Nội mới. Sự nghiệp làm báo của ông bắt đầu từ năm 1959.  

20 năm sau, năm 1979, ông về công tác tại Tạp chí Tổ quốc, cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam, giữ cương vị Tổng Biên tập.

Năm 1989, khi Báo Nhân Dân ra tờ tuần báo đầu tiên trong cả nước, ông được mời về làm biên tập viên mảng khoa học, trong vai Phó Trưởng ban; từ hàm Vụ trưởng, xuống hàm Vụ phó, ông vẫn vui vẻ nhận lời, vì biết chỉ có ở báo Nhân Dân, tác phẩm báo chí mới có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất. Và với uy tín của mình, ông đã tập hợp được cho Nhân Dân Chủ nhật những cây bút hàng đầu: các GS Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Đinh Ngọc Lân, Lê Văn Trương, Nguyễn Lân Dũng, Đào Trọng Thi, Hoàng Tụy, BS Nguyễn Khắc Viện, Hà Văn Tấn, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng, … và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Nhà báo Hàm Châu cùng Giáo sư Hoàng Tụy

Tôi may mắn là một trong những người đầu tiên được cùng nhà báo Hàm Châu (cùng các anh Lê Thấu, Đỗ Quảng, Thế Long, Xuân Tiễn…) trong những ngày đầu, được cùng dự bàn nội dung từng số cụ thể để thực hiện chủ trương của Ban Biên tập: trình bạn đọc một tờ báo có tính ma-ga-zin, có thông tin đa chiều, phản ánh được tiếng nói của Nhân dân, của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là của giới trí thức; văn nghệ sĩ có hàm lượng văn hóa cao, có những chuyên mục giải trí để hấp dẫn bạn đọc, “phá thế” một chiều của báo ngày. Hay nói đúng hơn, cái gì không tiện nói ở báo ngày thì có thể đăng ở Nhân Dân Chủ nhật.

Với trí nhớ tuyệt vời và khả năng tự học, nhà báo Hàm Châu có một tri thức bách khoa gồm đủ nghệ thuật và khoa học. Ông sành về thơ Đường và âm nhạc cổ điển, thường nghe Sonat Ánh trăng của Beethoven, Concerto số 2 của F. Chopin… nên khi viết về Đặng Thái Sơn, người ta nghĩ ông là một nhà phê bình âm nhạc. Khi viết về “Lát cắt Tụy”, “Bổ đề cơ bản” của Ngô Bảo Châu, người ta tưởng ông là nhà toán học. Nhưng say mê nhất của ông là về vật lý và am hiểu của ông về lĩnh vực này cũng rất sâu sắc. Tư duy của ông đã hướng tới những vấn đề của vật lý lượng tử, về những chuyển động có thể nhanh hơn tốc độ ánh sáng…

Chính vì vậy ông có được sự tri âm, tri kỷ của nhà vật lý hạt nhân nguyên tử Trần Thanh Vân, một Việt kiều ở Pháp, người có sáng kiến liên kết các nhà vật lý toàn cầu trong Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, và Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tại Quy Nhơn. Đóng góp cho Gặp gỡ Việt Nam, cho Quỹ học bổng Odon Vallet do GS. TS Luật Đại học Sorbone tặng cho Việt Nam có phu nhân GS Trần Thanh Vân là bà Lê Kim Ngọc và làm lan tỏa nó là nhà báo Hàm Châu. Những cuộc  Gặp gỡ Việt Nam  đã từng đón hàng nghìn nhà vật lý nổi tiếng nhất thế giới như GS James Cronin, nhà vật lý hạt của Hoa Kỳ và giải Nobel 1980, GS Jerome Friedman (vật lý hạt - giải Nobel 1990)… đã thúc đẩy mơ ước biến Việt Nam thành một cường quốc khoa học – yếu tố không thể thiếu được trong nền văn hóa – văn minh hiện đại, yếu tố không thể thiếu để đưa đất nước thành nước phát triển cao.

Nhà báo Hàm Châu phỏng vấn GS Jack Steinberger - Giải thưởng Nobel vật lý năm 1988 dịp đầu xuân 2001

Hàm Châu chưa phải là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng ông là một nhà văn đích thực, yêu tiếng Việt và luôn làm cho nó sáng đẹp trong những bài viết của mình. Tôi thường say sưa ngắm cảnh ông biên tập với ba loại bút trên tay. Bút chì, bút mực đỏ và bút mực thường. Bút chì dùng để biên tập những bài của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà văn lớn, giống như ý kiến đề xuất, để cấp có thẩm quyền cao hơn và tác giả quyết định. Bút đỏ dùng để sửa lỗi sai, để biên tập cho các phóng viên, cộng tác viên bình thường. Bút xanh để ký.

Tôi đã học tập được rất nhiều trong cách làm việc, thu nhận nhiều điều bổ ích qua những bản thảo biên tập của ông

Bài báo của ông, dù những vấn đề khó nhất từ quark1 ­­đến sự giãn nở của vũ trụ đều được viết một cách sáng rõ như hình học, tinh tế và có nhịp điệu như thơ.  

Ông quan niệm về nhà báo, nghề làm báo: “Một phóng viên giỏi, với cuốn sổ tay, chiếc máy ghi âm-ghi hình và tài năng phân tích, đánh giá, rất có thể trở thành một “nhà chép sử đương đại” qua các tác phẩm ký chân xác, đáng tin về những sự kiện, con người của thời đại anh ta sống” (Đôi điều tâm niệm).

Hàm Châu, ở mức độ nào đó, đã trở thành một nhà chép sử thời đại của ông sống và gieo những hạt giống tốt tương lai.

Nghe tin ông mất đột ngột vào đêm 30-7, rạng sáng 1-8-2016 , GS Trần Thanh Vân đã thốt lên: “Tôi chưa thấy nhà báo nào tâm huyết với khoa học như Hàm Châu. Chúng ta đã mất đi một nhà báo chân chính hết lòng cho nền khoa học nước nhà, sẽ không bao giờ có một nhà báo tâm huyết và hiểu về khoa học như Hàm Châu. Khó mà diễn tả được tâm trạng tôi lúc này và tôi không biết dùng lời nào để nói lên tâm sự của mình với Hàm Châu”./.


Chú thích: (1) quark  là một loại hạt cơ bản sơ cấp và là một thành phần cơ bản của vật chất