Văn phòng của tôi ở Vinh được Tỉnh ủy bố trí một khu vực trong Tòa soạn Báo Nghệ An. Báo Nghệ An hồi ấy ở số 1 Đào Tấn, do nhà báo Nguyễn Thanh Tiên làm Tổng Biên tập.

Một buổi chiều mùa hè năm 1988, có một người đàn ông luống tuổi, tóc đã bạc nhưng phong thái rất thanh niên, mặc một chiếc áo phông đến tìm tôi tại văn phòng.

Sau cái bắt tay, ông chậm rãi:

- Mình là Kiện, Trương Kiện...

Tôi “a” lên một tiếng vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ. Ông Kiện, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là một con người lịch sử, nổi tiếng toàn quốc trong thập kỷ 70, đầu 80 với những phong trào cách mạng vũ bão ở Nghệ Tĩnh. 

Tôi vui mừng được gặp ông Kiện bởi tôi có một dự định: Tìm hiểu lịch sử, phong trào cách mạng ở quê hương qua những nhà lãnh đạo. Và qua những con người ưu trội ấy, hiểu sâu thêm tính cách người Xứ Nghệ, thấy rõ hơn vai trò cá nhân trong lịch sử.

Nếu ông Nguyễn Sỹ Quế, Bí thư Nghệ An từ năm 1972, rồi Bí thư Nghệ Tĩnh từ 1977 -1979 là một người liêm khiết, tận tụy với công việc, thủy chung bè bạn anh em, có sức tập hợp đoàn kết rộng rãi; thì ông Trương Kiện, người kế nhiệm ông Nguyễn Sỹ Quế là người đột phá, người lĩnh xướng của những bài ca đổi mới mạnh mẽ.

Việc “cha ở đàng ngoài, mẹ ở đàng trong” tạo nên một tình cảm ruột thịt, keo sơn mới ở Nghệ Tĩnh thời kỳ đó được nhà thơ Đinh Nho Liêm ghi lại “Trai gái cứ yêu nhau/ Đứa lấy chồng Núi Quyết/ Đứa lấy vợ Ngàn Sâu/ Con cái đều khỏe đẹp/ Nghĩa tình sao nói hết/ Những điều xưa xa sâu/ Những ngày ta bên nhau/ Dựng xây nên Nghệ Tĩnh”.

Thời kỳ đồng chí Trương Kiện làm Bí thư Nghệ Tĩnh khá ngắn ngủi (từ 1979 đến 1982) nhưng có thể coi đó là một thời kỳ nóng bỏng. Nóng bỏng vì hai cuộc chiến tranh biên giới, vì cuộc chiến chống đói nghèo, bảo thủ.

 Đại hội Tỉnh Đảng bộ Khóa X ấy diễn ra từ ngày 12/12 - 17/12/1979 tại Vinh, với 321 đại biểu chính thức, 33 đại biểu dự thính đề ra ba nhiệm vụ cấp bách: Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và đảm bảo đời sống của Nhân dân; Tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc; Kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội.

Dân Nghệ Tĩnh lúc ấy đói đến mức bo bo (mì hạt) cũng không đủ ăn. Nhiều người phải bỏ xứ. Người đi dân công 202, làm việc chung mà phải tự túc lương thực. Để bạn đọc dễ hình dung, tôi xin đưa ra vài nét về mức sống thời đó. Theo Quyết định số 334-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 10 tháng 10 năm 1980 do Tố Hữu ký, thì mức lương cao nhất của công nhân, viên chức không quá 170 đồng/tháng kể cả phụ cấp; nhiều mức lương dưới 60 đồng (có cả mức lương 36 đồng) thì được phụ cấp 20% lương chính; nhưng tổng số lương chính cộng với phụ cấp này không quá 69 đồng/tháng.

Đồng chí Trương Văn Kiện trong một lần đi cơ sở. Ảnh tư liệu

Lương cán bộ đại học là 64 hoặc 65 đồng tùy trường. Lúc ấy, tôi mới ra trường, công tác ở Hà Nội, được 64 đồng, vì đi bộ đội về không phải tập sự. Nếu tập sự (3 năm), chỉ được hưởng 75%, vị chi là 48 đồng. Tuy nhiên, cán bộ Nhà nước và những người ăn theo trong gia đình được hưởng chế độ cung cấp. Tem phiếu được chia làm 7 loại: A2 (cao nhất), A1, A, B, C (cấp vụ), D, E. Tôi phiếu E, một tháng được mua theo giá cung cấp thịt ba lạng, đường 3 lạng, nước mắm nửa lít, dầu hỏa để đun 4 lít (không phải khi nào cũng có). Mỗi tháng, được mua 13 kg gạo (4 đồng/yến); công nhân tùy loại hình lao động được mua 15-21 kg gạo…

***

Đồng chí Trương Kiện, tên khai sinh là Trương Văn Kiện, sinh năm 1929, quê Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu. Họ Trương ở Nghệ An có đặc điểm chung là thẳng thắn, nóng tính như Trương Phi. Ai đã từng tiếp xúc với ông Trương Kiện, ông Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hẳn thấy rõ điều đó.

 Ông được kết nạp vào Đảng năm 1946, có thời kỳ làm ở Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (do Lưu Quý Kỳ làm Vụ trưởng). Ông là người đi nhiều, có sức tự học hơn người, biết cái gì cũng muốn biết kỹ và chắc chắn thực tế kiểm nghiệm theo kiểu “cách vật trí tri” như ngày xưa ông được theo học chữ Hán. Ông có tính quyết đoán cao, thậm chí có việc độc đoán (âu cũng là một trong những tính cách Xứ Nghệ). Ông nổi tiếng với phong cách lãnh đạo: Không bàn lùi, chỉ bàn tiến; không bàn ra, chỉ bàn vào! Ông là người có sự gắn bó thân thiết với bùn đất, ruộng đồng từ thuở nông dân đến Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp, từ cán bộ huyện đến cán bộ tỉnh; mê cải tiến, mê ăn to làm lớn…

***

Ông làm cán bộ thời kỳ Nhà nước cạn kiệt tài lực, vật lực.

Sau chiến tranh, mọi nguồn viện trợ bị cắt đứt. Mỹ cấm vận ngặt nghèo. Phải tự lực cánh sinh. Nhớ tới lời Bác Hồ trước Cách mạng Tháng Tám “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, quyết tâm đầu tiên của Bí thư Trương Kiện (trước đó là Chủ tịch tỉnh) là “Nghệ Tĩnh phải tự túc lương thực”. Và ông truyền quyết tâm đó cho Thường vụ, cho cấp ủy, cho những anh em thân tín như Nguyễn Hữu Đợi. Có những tầm nhìn xa, những phong trào cách mạng tiên phong, mà giá trị càng ngày càng thấy sáng (mặc dù đương thời bị phê phán, thậm chí đả kích mạnh mẽ) của ông Đợi, nhờ một cấp trên hiểu và ủng hộ là ông Kiện. Thậm chí, ông Kiện còn dám đứng ra “chịu tội” cùng nếu có chuyện chẳng lành!

Muốn có thóc gạo nhiều, phải có ruộngnước. Trước đó, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương di dân lên núi để tạo nên những cánh đồng rộng lớn ("Thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn", “Mạ vô sân, dân lên rú”), thí điểm ở Quỳnh Lưu.

“Khó khăn mỗi thời một khác, ông Kiện tâm tình. Anh Đại hẳn nhớ câu mở đầu của tiểu thuyết An-na Ka-rê-ni-na chứ? Đó là "Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì mỗi nhà một khác”. Những năm sau 1975, ngoài sự tự hào, niềm vui bất tuyệt của chiến thắng, là một thời kỳ bi thương bậc nhất trong lịch sử. Tiếng khóc vì người chết trong chống Mỹ còn đó, khắp xóm thôn Nghệ Tĩnh lại nổi lên tiếng não nùng vì giấy báo tử dồn dập từ hai cuộc chiến tranh biên giới. Rồi tiếng khóc của trẻ em khát sữa. Tôi đi đâu cũng nghe tiếng khóc ấy. Khi ăn, khi ngủ đều giật mình. Niềm vui, sự tự hào được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết, bầu làm người đứng đầu tỉnh, làm vẻ vang của cả gia đình, dòng họ, không những không làm cho tôi dứt được tiếng khóc ấy, mà càng cảm thấy nặng nề hơn trách nhiệm được giao. Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai… Cái kề cổ, kề tai bây giờ là công việc, là bức xúc của Nhân dân.

Cách mạng là sự nghiệp của quân chúng. Nhưng cán bộ phải là người đề xướng, lĩnh xướng. Trên tư duy đó, chúng tôi muốn tạo ra ngày hội cách mạng trên quê hương Xô viết, để tạo ra hứng khởi mới, làm cho Nghệ Tĩnh nổi bật lên, đạt được kỳ tích mới trong hòa bình”...

Tinh thần “tiến công cách mạng” của Trương Kiện có lẽ còn có một lý do khác chăng? Vì cơm áo của dân, vì CNXH là số một, đúng rồi. Nhưng đây, cũng là lúc ông Trương Kiện thể hiện vai trò cá nhân của mình. Chuẩn bị cho Đại hội IV của Đảng, đồng chí Nguyễn Sỹ Quế đang có uy tín rất cao. Đồng chí là Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội IV của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 gồm 1008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên của Nước Việt Nam thống nhất. Đại hội này đã đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và có một đánh giá lịch sử “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”. Đại hội đề ra một đường lối, cho đến hôm nay vẫn mang tính thời sự “làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công – nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc”. Trong hào khí ấy, có ai có công trong kháng chiến lại không muốn đi tiếp trên con đường vinh quang? Nhưng không. Mặc dù được đoàn đại biểu tỉnh nhà và nhiều đoàn khác giới thiệu vào Trung ương, mà với Nghệ An thì chắc chắn trúng, đồng chí Nguyễn Sỹ Quế vẫn cương quyết rút lui (63 tuổi), giới thiệu đồng chí Trương Kiện (47 tuổi), nhường bước cho thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi hơn.  Đó, là ơn, nghĩa, trách nhiệm mà người kế tiếp không thể không hết lòng.

***

Để tăng cường tình đoàn kết anh em: Nghệ An - Hà Tĩnh, chúng tôi trong Thường trực rồi trong Thường vụ đồng thuận, thuyết phục mọi người để đi đến quyết định dành công trình lớn nhất cho Hà Tĩnh, công trình Hồ Kẻ Gỗ. Thủy lợi Hồ Kẻ Gỗ từng được Pháp khảo sát, thiết kế với quy mô nhỏ nhưng chưa kịp thi công thì chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra nên lại thôi.  Lần này ta làm lớn, hồ có sức chứa gần 400 triệu mét khối, lớn nhất cả nước, giải quyết tưới tiêu cho hầu hết các huyện phía nam Hà Tĩnh. Chủ trương đề ra tưởng khó, thế mà được Nhân dân hưởng ứng rất sôi nổi. Hồi ấy cơ giới chưa có gì mấy, chỉ có mấy cái máy ủi, mà cũng thiếu. Đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, dựa vào sức người là chính. Ai có gánh dùng gánh, ai có xe cải tiến, xe cút kít thì dùng xe, không có gánh, có xe thì dùng tay… Khởi công năm 1976, đến năm 1980 thì hoàn thành. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu làm sao có thể làm được như vậy. Ơn nợ dân nhiều lắm. Đôi khi, cứ nhớ về ngày ấy tôi lai rưng rưng trước cảnh người dân các huyện Diễn Yên Quỳnh, Nam Hưng Nghi và cả các huyện miền núi Nghệ An quang gánh cuốc cào rầm rập tiến vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Công trường không đủ gạo tiền cung cấp thì bà con tự túc. Đó là biểu thị hùng hồn nhất của sức mạnh Nhân dân, sức mạnh CNXH, sức mạnh tình yêu quê hương”…

Tôi có đọc bài viết của đồng chí Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An trên website Đại biểu Nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 6/8/2022 về đồng chí Trương Kiện, về các công trình thủy lợi được xây dựng thời kỳ Trương Kiện làm Chủ tịch, Bí thư, trong đó có đoạn: “Những công trình kỳ vĩ ấy là công lao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Là thành quả lao động hết sức, hết lòng của hàng chục vạn người con Xứ Nghệ suốt từ Khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang. Trong dấu ấn rất đặc sắc ấy, thấp thoáng có dấu ấn của tập thể lãnh đạo chủ chốt của Nghệ Tĩnh. Trong đó có dấu ấn cá nhân gắn với tên tuổi của ông Trương Kiện”.

Vì muốn khiêm tốn cho lãnh đạo, vì muốn đề cao Nhân dân, Trương Công Anh đã dùng từ “thấp thoáng”. Xin phép anh Trương Công Anh, người anh hết sức thân quý, xin cho tôi thay từ “thấp thoáng” bằng “sâu đậm”. Nguyễn Sỹ Quế, Trương Kiện, Nguyễn Tiến Chương, Trần Quang Đạt đã hết sức lăn lộn với công trường. Ông Đạt đã cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ăn ở tại Hồ Kẻ Gỗ như người dân công để có thể làm cho bài ca lao động của nhân dân trở nên bất hủ trong bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ da diết muôn đời.

***

“Tôi sẽ mắc nợ với lịch sử nếu không kể nốt câu chuyện về cống Hiệp Hòa". Ông Kiện tiếp tục, và hình như đây là điều ông muốn nói với tôi, khi đã nghỉ hưu (1988, Thứ trưởng Bộ Lương thực). 

Ba-ra Đô Lương (từ nguyên tiếng Pháp barrage – đập nước) là công trình thủy lợi được xây dựng từ 1933-1937 do kỹ sư Xu-va-nu-vông thiết kế. Do công suất thiết kế ban đầu nhỏ, lại bị đất bùn chặn lấp, lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa vào những năm 70 chỉ đạt 18 mét khối/giây. Thủy lợi Vách Bắc là công trình nạo vét sông Đào, mở rộng miệng cống Hiệp Hòa lên 30 mét khối/giây nhằm cung cấp nước sinh hoạt và bảo đảm tưới tiêu cho 37 vạn ha ruộng của bốn huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu - vùng trọng điểm lúa của Nghệ An. Tôi được Bí thư Nguyễn Sỹ Quế và Thường vụ giao phụ trách công trình này. Tôi làm ruộng thạo nhưng thủy lợi thì không biết. Tôi đã mời Hồ Như Hồng, người Quỳnh Đôi, giảng viên giỏi của Đại học Thủy lợi về tỉnh công tác, làm Trưởng ban công trình. Vì tình yêu quê hương, anh Hồng đã nhận lời. Anh Hồng cũng là người thiết kế, thi công thành công nhiều công trình thủy lợi ở miền Bắc, vừa có lý luận, vừa có thực tiễn.

Công trường Hiệp Hòa có 5 vạn người tham gia, dân công và TNXP hăng say lao động suốt ngày đêm, lúc nào cũng vang lên tiếng cười, tiếng hát. Cho đến trưa ngày 3 tháng 1 năm 1978, đất bùn đổ tạm trên mái núi đổ ập xuống vùi lấp nhiều thanh niên đang lao động phía dưới. Sự kiện này báo chí đã nêu và anh đã biết. Nhưng nguyên nhân và trách nhiệm thì có nhiều đồn đoán khác nhau.

Đã có một cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành liên quan dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Duy Trinh. Đồng chí Nguyễn Sỹ Quế và tôi đã nhận hoàn toàn trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với anh Hồng, trong cuộc họp có nhiều ý kiến trái chiều về việc xử lý trách nhiệm của anh. Sau này anh Hồng bị phạt tù 6 năm, được 3 năm thì đặc xá. Anh vẫn tiếp tục xây dựng các công trình thủy lợi trên quê hương. Trung ương đã xem xét rất kỹ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng tôi mãi day dứt về chuyện này, như là người có lỗi với các nạn nhân và thân nhân của họ, có lỗi với anh Hồng. Tôi biết nhiều người chửi mình, hận mình.  Tôi lặng lẽ vượt lên dư luận, làm việc hết mình. Và nhiều đồng bào, đồng chí đã hiểu tôi, chia sẻ với tôi. Nếu phải bắt đầu lại, tôi sẽ vẫn làm những việc như vậy. Có điều sẽ sát sao với thực tế, với cán bộ của mình, thận trọng trước sinh mạng (kể cả sinh mạng chính trị) của con người, thận trọng sử dụng sức dân. Hồi nhỏ, học chữ Hán, tôi từng thuộc lòng câu nói của Khổng tử “Đạo thiên thặng chi quốc: Kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời (Phép làm vua của một nước lớn có nghìn cỗ xe là phải tính toán công việc một cách cẩn thận, giữ vững chữ tín, tiết kiệm chi tiêu, yêu mến tất cả mọi người, sai khiến dân phải tùy thời). Vậy mà tôi không theo được hết”…

“Muộn rồi, mình phải về, hẹn anh dịp khác nhé. Hôm sau ta sẽ nói chuyện báo chí, văn chương”. Ông Kiện kết thúc câu chuyện cũng đột ngột như khi ông đến. Nhưng tôi đã không có dịp nào gặp lại ông nữa...