Giành những giải thưởng danh giá

Sau một thời gian khá lâu, tôi mới có dịp gặp lại GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán. Trong câu chuyện, tôi nhắc đến GS.TSKH Ngô Việt Trung và bày tỏ sự ngưỡng mộ về những thành tựu nổi bật mà ông đã đạt được trong sự nghiệp khoa học. GS Lê Tuấn Hoa nhẹ nhàng chia sẻ: "Với anh Trung – một nhà toán học tầm cỡ khu vực và thế giới, những thành công ấy quả thật là điều rất bình thường."

GS.TSKH Ngô Việt Trung

Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Bộ Khoa học và Công nghệ) là giải thưởng được tổ chức hàng năm (từ năm 2014) nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và có công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Năm 2022, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOTED) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được 48 hồ sơ ở tám ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật tham gia xét tặng Giải thưởng. Sau các vòng thẩm định, sàng lọc, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã họp xem xét và đánh giá năm hồ sơ vào "vòng cuối". Kết quả Hội đồng đã chọn lựa và đề xuất trao hai giải chính cho GS.TSKH Ngô Việt Trung (toán học) và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (ngành hóa học) Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình nghiên cứu cơ bản của Giáo sư Ngô Việt Trung và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hợp (cộng sự) có tên "Depth Functions of Symbolic Powers of homogeneous Ideals" (tạm dịch là Hàm độ sâu của lũy thừa hình thức Iđêan thuần nhất) được công bố trên tạp chí Inventiones Mathematicae 218 năm 2019. Theo Giáo sư Lê Tuấn Hoa đây là một trong các tạp chí hàng đầu của thế giới về lĩnh vực toán học có chỉ số ảnh hưởng cao, mà Giáo sư Trung là nhà toán học Việt Nam đầu tiên làm việc trong nước được xuất bản. Còn GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Giáo sư danh dự của Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, thành viên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 cho rằng “Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Ngô Việt Trung thực hiện được công trình này. Nó là cả quá trình chú tâm bền bỉ và lâu dài của ông, một người chuyên nghiên cứu về Đại số giao hoán trong hơn 40 năm; đủ năng lực kết hợp kỹ thuật đã quen thuộc với những kỹ thuật mới để giải quyết một vấn đề quan trọng và đăng trên một tạp chí hàng đầu ngành toán”. Thật là một vinh dự lớn của ngành Khoa học và Công nghệ nước nhà. Lại nhớ năm 2016, Giáo sư Ngô Việt Trung và nhóm nghiên cứu của Viện Toán học, trong đó có các Giáo sư Nguyễn Tự Cường và Lê Tuấn Hoa vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc". Cụm công trình được chọn lựa từ hơn 40 bài báo khoa học trong số gần 200 bài báo của nhóm nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế suốt hơn 30 năm (tính đến thời điểm được trao thưởng).

Giáo sư Ngô Việt Trung và các cộng sự tại một Hội nghị quốc tế

Điều gây ấn tượng với các nhà toán học thế giới là nhóm tác giả của cụm công trình (Giáo sư Ngô Việt Trung giữ vai trò chính) đã xây dựng một khái niệm mới ngày nay được dùng phổ biến là vành Cohen - Macaulay suy rộng trong địa hạt toán học. Ý nghĩa của cụm công trình không chỉ thể hiện sự hội nhập khá sớm của các nhà khoa học Việt Nam mà nó còn gợi mở những hướng nghiên cứu mới về lĩnh vực đại số giao hoán hiện đại mà các cán bộ trẻ trong nước và quốc tế hàng chục năm qua đã và đang theo đuổi.

Luôn coi trọng liêm chính trong nghiên cứu khoa học

Cũng vì công việc mà gần 20 năm nay tôi quen biết một số cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Phó Giáo sư Thái Quang Vinh (nguyên Viện trưởng Công nghệ thông tin) cũng như Giáo sư Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học (thuộc VAST) đều cho rằng Giáo sư Ngô Việt Trung là con người hết sức nghiêm cẩn và trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Còn Giáo sư Lê Tuấn Hoa, hơn 30 năm là đồng nghiệp và sau đó kế nhiệm Viện trưởng toán học của người đi trước chia sẻ: "Khi còn làm quản lý anh Trung không chỉ sống hòa đồng mà còn quan tâm đến lớp trẻ”. Là chuyên gia nghiên cứu đã có 115 công bố quốc tế phần lớn đăng trên các tạp chí đạt chuẩn ISI với gần 1.800 lượt trích dẫn của các tác giả nước ngoài; anh Trung cũng từng được mời đi thỉnh giảng ở các quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Italia, Hàn Quốc… và chủ trì hơn 10 Hội nghị Quốc tế chuyên ngành nhưng anh lại rất khiêm tốn, ít nói về mình".

Giáo sư Ngô Việt Trung Trung (ngồi thứ tư từ trái sang) tại một hội nghị ở Hàn Quốc

Theo dõi nhà đại số giao hoán tầm quốc tế thỉnh thoảng đăng đàn trên Tạp chí Tia Sáng, Báo Dân Trí hay trên mạng xã hội gần đây, tôi cảm nhận anh luôn thể hiện và đề cao tính trung thực, liêm chính trong khoa học. Giáo sư Ngô Việt Trung luôn đề cao tính trung thực và liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Ông thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn về một số thách thức trong lĩnh vực khoa học hiện nay, chẳng hạn như hiện tượng công bố nghiên cứu trên các tạp chí không đạt chuẩn quốc tế, hoặc những bất cập trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học. Ông cũng bày tỏ quan điểm về việc cần duy trì các tiêu chí đánh giá khắt khe hơn để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Giáo sư cũng đề xuất cải tiến quy trình xét tặng chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khoa học nước nhà.

Giáo sư Ngô Việt Trung và đồng nghiệp lớp sau cùng làm toán

Quen biết Giáo sư Ngô Việt Trung đã hàng chục năm, tôi hiểu thêm ông là con trai của cố Đại sứ Ngô Điền (được sinh ra bên dòng sông Thu Bồn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người mà những năm 50 của thế kỷ trước là cán bộ Đại sứ quán kiêm đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và sau này là Đại sứ 12 năm liền của Việt Nam tại Campuchia. Vợ của anh Trung, chị Phan Thanh Hà, quê ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, cũng từng đi tu nghiệp về kinh tế ở Liên Xô cũ trước khi về công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hai anh chị kết hôn vào năm 1984 và có với nhau một trai, một gái. Có lần bên ly cà phê, nhân nhắc đến cha mình, Giáo sư Trung thổ lộ: Ông già tôi lúc sinh thời vốn sống tình nghĩa với bạn bè, đồng nghiệp; thời thanh niên ông là một trong số Tú tài toán nổi tiếng của Trường Quốc học Huế nên có lẽ mình cũng chịu ảnh hưởng “tố chất” ấy của cụ. Ai chứ anh nói thì tôi tin. Bởi cuộc đời Giáo sư Ngô Việt Trung theo tôi biết, tuổi hoa niên đã vượt lên bệnh tật (năm ba tuổi anh bị một trận sốt kinh hoàng, sau đó bị liệt một bên chân) phải chống nạng đi học nhưng năng khiếu và ý chí đã giúp anh giành giải Nhất học sinh giỏi toán miền Bắc năm 16 tuổi, khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Cũng bởi phát hiện ra năng lực nổi trội của Ngô Việt Trung nên năm 1969, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp khi đó đã can thiệp với Bộ Giáo dục nước bạn (trường hợp ngoại lệ) để anh được sang học tổng hợp toán ở Cộng hòa dân chủ Đức. Cũng nhờ bác Bửu mà trong quá trình học đại học ở nước ngoài anh đã được chữa trị giúp đôi chân đi lại thuận lợi hơn. Ở tuổi 25, Ngô Việt Trung làm Tiến sĩ, rồi nhận bằng Tiến sĩ Khoa học ở tuổi 30 tại một trường đại học danh giá của Đức; và năm 1991 anh được phong Giáo sư khi tròn 38 tuổi (trẻ nhất thời điểm đó). Mấy năm gần đây, sau khi thôi giữ vai trò Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng ngành Toán học thuộc Quỹ NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ), hàng năm Giáo sư Trung vẫn đều đều công bố 2-3 công trình trên các tạp chí chuyên nghành quốc tế uy tín, với quan điểm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Ngẫm lại mới thấy đất Thanh Chương, xứ Nghệ quê ta thật vinh dự và tự hào biết bao khi có người như cố học giả - Giáo sư Đặng Thai Mai - được bạn bè trong nước và Quốc tế ngưỡng mộ; những “chàng rể” như Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và nhà khoa học tài danh Giáo sư Ngô Việt Trung .