bna-mh7-1188.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MH

Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng gồm 13 chương, 196 điều; quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

bna-mh4-7677--n1.jpg
Đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An điều hành phần tham gia góp ý tại hội nghị. Ảnh: MH

Tham gia ý kiến tại hội nghị, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và một số địa phương cùng cộng tác viên xây dựng pháp luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.

Một số ý kiến quan tâm đến điểm mới trong dự thảo Luật về khái niệm “Nhà lưu trú công nhân”. Cụ thể, "nhà lưu trú công nhân" trong dự thảo là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.

bna-mh14-1912.jpg
Đồng chí Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tham gia góp ý về quy định nhà lưu trú công nhân và quản lý chất lượng công trình chung cư. Ảnh: MH

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh được đề cập trong dự thảo luật chỉ quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Ý kiến đặt ra là dự thảo cũng cần quy định rõ “nhà lưu trú công nhân” có được phép bán, chuyển nhượng hay không?

Ý kiến tham gia tại hội nghị cũng phản ánh một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến việc bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án nhà ở cho chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành quản lý, song các công trình hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở phần lớn không được cơ quan nhà nước thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, không được cơ quan nhà nước kiểm tra chấp thuận cho phép nghiệm thu đưa vào sử dụng.

bna-mh11-5199.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: MH

Vì vậy, việc quản lý chất lượng các công trình này gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước không kiểm soát được chất lượng các công trình này. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này chưa giải quyết được tồn tại nêu trên.

Đề nghị bổ sung quy định cơ quan nhà nước (Sở Xây dựng, UBND cấp huyện) chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và kiểm tra chấp thuận cho phép nghiệm thu đưa vào sử dụng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

bna-mh13-5957.jpg
Đồng chí Thái Duy Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị cần quy định cụ thể về quỹ đất ở (khu đô thị, khu nhà ở) khi Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện hợp đồng theo hình thức BT. Ảnh: MH

Một vấn đề cũng được đại biểu quan tâm phản ánh, hiện nay có tình trạng chủ đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở thực hiện huy động vốn góp từ khách hàng nhưng sử dụng vào mục đích khác, không dùng để xây dựng công trình nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo đang thiếu cơ chế để kiểm soát.

bna-mh6-4182.jpg
Đồng chí Nguyễn Sơn Tùng - Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị, UBND thành phố Vinh góp ý về quy định nhà ở xã hội. Ảnh: MH

Một số ý kiến cũng đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020.

Tương tự, xem xét lại quy định về thẩm quyền, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để phù hợp với quy định tại Điều 66 và điểm a, khoản 3, Điều 69, Luật Đất đai. Đề nghị quy định thống nhất thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Các nội dung về ban quản trị nhà chung cư; giải quyết tranh chấp nhà; cưỡng chế phá dỡ nhà ở; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…cũng được đại biểu thảo luận, góp ý nhiều vấn đề từ thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tiếp thu, ghi nhận và sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nghiên cứu để tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Mai Hoa