Do có vị trí địa lý tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, lại có nhiều tiềm năng về đất rừng, khoáng sản, thủy điện và du lịch; khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, rất phù hợp để phát triển các loại cây, con đặc sản, nhất là dược liệu…nên Kỳ Sơn cũng có khá nhiều lợi thế trong phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch...mà theo cách đánh giá của các nhà nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, nơi đây sẽ là địa chỉ thu hút đầu tư, thu hút du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nếu được khai thác tốt…

3856a688ef2724797d36.jpg
Xưởng sản xuất và chế biến chè Tuyết Shan tại Xã Huồi Tụ

Trao đổi với đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết: Những năm gần đây, nhờ chú trọng việc tiếp cận, ứng dựng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý tại huyện miền núi biên giới nghèo, đã từng bước giúp các hộ nông dân biết cách tiết kiệm chi phí để tăng năng suất, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao hơn; cũng nhờ khâu cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống lâu đời trên mảnh đất này mà các mô hình sản xuất theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cây ăn quả, cây dược liệu... theo hướng tăng năng suất, chất lượng hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường đã tạo ra nhiều sản phẩm trở thành hàng hóa, sản phẩm đặc hữu của địa phương... Hiện nay Kỳ Sơn đã và đang được đầu tư xây dựng mô hình của các Dự án: Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Puxailaileng và cây hà thủ ô đỏ; trồng thâm canh Khoai sọ trên địa bàn huyện (đều do Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống thực hiện); “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn” tại 15 xã của huyện; trồng và sơ chế cây Đương Quy Nhật Bản và Đan Sâm theo hướng GACP –WHO, do Công ty Cổ phần Nông Dược Nghệ An thực hiện tại xã Na Ngoi; sản xuất và chế biến Giảo cổ lam, Hoài sơn và mướp đắng rừng (khổ qua) theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Huồi Tụ; sản xuất thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới nhập nội: lê, đào, dâu tây; trồng dâu tằm, dệt thổ cẩm tại xã Phà Đánh; trồng chanh leo tại xã Mường Lống; trồng lúa Japonica tại xã Hữu Kiệm; trồng lúa nếp DT52 tại xã Na Loi...

Thực tế tại xã Huồi Tụ, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp với cây chè Tuyết Shan và giống gừng trâu ruột vàng nên mấy năm gần đây, xã đã tập trung chỉ đạo tiếp tục ổn định diện tích 280 ha chè Tuyết Shan và đã cho khai thác sản lượng 213 tấn; thành lập Hợp tác xã và xưởng sản xuất, chế biến chè búp khô, được đầu tư hơn 2 tỷ đồng, tiến hành thu mua chè cho 135 hộ trong xã và địa bàn lân cận…đến nay người dân đã có thể yên tâm mở rộng thêm diện tích 30 ha trồng gừng trâu ruột vàng mà trước đây bỏ hoang; xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, gà đen, lợn đen và trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5% mỗi năm...

2c0a19a1600fab51f21e.jpg
Một số sản phẩm đặc trưng của Hợp tác xã dệt Thổ cẩm Bản Kẹo Lực 2, Xã Phà Đánh

Đến xã Phà Đánh, điều khá lý thú là với tập quán tốt đẹp đối với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt thổ cẩm, nam giới trong độ tuổi lao động cũng có thể tham gia một số khâu trong các công đoạn nuôi trồng và dệt vải, làm ra những sản phẩm khá tinh tế, với mức thu nhập trung bình của hộ làm thổ cẩm có thời điểm đạt khoảng 50 triệu/năm... Hiện nay tại các xã Na Ngoi, Mường Lống, mô hình này tiếp tục được mở rộng diện tích để các hộ sản xuất ở địa bàn lân cận cùng thực hiện. Kết quả bước đầu cho thấy người sản xuất đã dần thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, quản lý và với lợi thế nhất định trong phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với cửa khẩu Nậm Cắn và quốc lộ 7A - một đầu mối giao thông quan trọng kết nối các huyện Tây Nam Nghệ An với một số tỉnh nước bạn Lào...Thu nhập bình quân đầu người ở Kỳ Sơn đạt khoảng 23 triệu đồng trong năm 2020.

Tuy nhiên, với khó khăn chủ yếu là địa hình đất đồi núi dốc không thuận lợi cho việc canh tác và phát triển nông nghiệp, thời tiết khắc nghiệt chia làm 2 mùa rõ rệt ảnh hưởng lớn đến công tác chăn nuôi, sản xuất cây trồng. Bên cạnh đó việc đầu tư cho các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất dẫn đến một số công trình ngày càng xuống cấp, gây khó khăn cho việc sản xuất. Trình độ dân trí cũng là một vấn đề bởi nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ kỹ thuật và tay nghề qua đào tạo còn ít. Nhiều đơn vị cơ sở và hộ gia đình chưa cập nhật đầy đủ thông tin chính sách, việc tiếp cận các dịch vụ về khoa học kỹ thuật của đồng bào còn hạn chế; khâu quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và tính liên kết giữa sản xuất với thị trường còn chưa được chú trọng; vị thế, giá trị sản phẩm của đồng bào làm ra còn thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao... Nếu so sánh lợi thế của sản phẩm chè Tuyết Shan, khi có mặt tại thị trường các nước Châu Âu, hay những sản phẩm được làm ra từ những tấm thổ cẩm rực rỡ, giá niêm yết tại một số quốc gia Đông Nam Á...thì mức giá đã cao gấp nhiều lần.

675d508d1622dd7c8433.jpg
Việc trồng chè, dược liệu dưới tán cây Samu có thể kết hợp du lịch sinh thái khi được kết nối đầu tư, lan tỏa với các vùng, miền.

Giải đáp băn khoăn của thành viên Đoàn công tác, khi cho rằng hiện nay, nhu cầu phần lớn vẫn đang rất cần trên thị trường những sản phẩm đặc hữu, sản vật nổi tiếng, có chất lượng đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng...trong khi sản phẩm chúng ta làm ra chưa được nhiều, hoặc có thời điểm giá cả lại rất thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định; Chủ tịch xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng cho rằng để cải thiện điều này, thời gian tới chính quyền các cấp cần tiếp tục vận động người sản xuất biết cách hạch toán kinh tế, so sánh giá trị lợi ích của sản phẩm làm ra từ khâu đầu tư, đến việc định mức giá trị sản phẩm trên tinh thần chính quyền hỗ trợ người dân việc xác định các sản phẩm chủ lực, nhất là việc tìm kiếm thị trường ổn định, tạo cơ hội tốt nhất cho mặt hàng khi đã xác định hàng hóa chủ lực...Chủ tịch xã Huồi Tụ cũng đề xuất với Tỉnh và Huyện mong muốn được hỗ trợ các cơ chế phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực đặc sản của Kỳ Sơn theo chuỗi giá trị, từ khâu bao tiêu sản phẩm sau khi được sản xuất đại trà...cũng như khuyến khích đồng bào giữ gìn các làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch sinh thái...

Tạm biệt mảnh đất biên cương của miền Tây Nghệ An. Với tình cảm quý mến, sẻ chia những nỗ lực vượt khó của người dân, tin tưởng rằng thời gian tới, sản phẩm của đồng bào miền núi vùng cao biên giới Kỳ Sơn sẽ là thương hiệu nổi tiếng, được sự mến mộ của người tiêu dùng trong tỉnh và các địa phương khác…

Lô Thị Kim Ngân

Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An