Động lực phát triển kinh tế - xã hội

 Xã Nậm Giải là một trong những xã nghèo của huyện biên giới Quế Phong, với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu mà cả hệ thống chính trị xã này đang tập trung thực hiện. Bằng các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã tập trung phát triển các cây, con phù hợp với đặc thù của địa phương. Toàn xã có 209 ha keo/5 thôn, bản, diện tích khai thác 132 ha; cây quế quỳ 75ha, sản lượng khai thác đạt 3,3 tấn; cây sở 31 ha, năng suất đạt 25 tạ/ha; cây bo bo có 436 ha...Xã chỉ đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển mô hình HTX, gia trại, trang trại. Hiện trên địa bàn xã có 1 HTX dịch vụ nông nghiệp, 8 gia trại chăn nuôi trâu, bò từ 20 con trở lên, 1 HTX chăn nuôi gà với 16 hộ thành viên, 1 mô hình chăn nuôi lợn đen với 15 hộ tham gia đang phát triển tốt và được nhân rộng.

Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhiều công trình được huyện Quế Phong đầu tư xây dựng

Theo ông Lô Minh Tường - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải (Quế Phong)  cho biết: Xã đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động sự hưởng ứng tích cực của bà con Nhân dân, nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo đi lên, có nhiều hộ gia đình viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo (trong 2,5 năm qua xã giảm được 60 hộ nghèo). Đặc biệt thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã được quan tâm từ các cơ chế chính sách để đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm và giao thông. Từ đó, diện mạo của xã có những sự thay đổi rõ nét so với trước đây.

Quế Phong là huyện vùng núi cao, biên giới, nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Được thụ hưởng cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Quế Phong được giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển 3 Chương trình là 491,465 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và được phân bổ 191,157 tỷ đồng vốn sự nghiệp giai đoạn 2022-2023. Qua 2 năm triển khai thực hiện, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,56% (từ 44,68% năm 2021 xuống còn 40,12% năm 2022, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,07%); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,82 triệu đồng năm 2020 lên đạt 34,03 triệu đồng năm 2022 (tăng 18,07% so với năm 2020). Số tiêu chí bình quân các xã đạt 13,5 tiêu chí nông thôn mới, tăng 1,25 tiêu chí so với năm 2020; toàn huyện có 12 thôn, bản đạt nông thôn mới;…

Các chương trình MTQG hỗ trợ người dân vùng đồng bào miền núi phát triển, nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm đặc sản của địa phương

Là huyện nghèo 30a của tỉnh Nghệ An, Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Tương Dương đạt được những kết quả quan trọng. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Tương Dương tập trung thực hiện 10 dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Tương Dương trong 2 năm 2021 - 2022 được đánh giá có hiệu quả, trong đó các dự án đã hỗ trợ kịp thời sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực vùng sâu, biên giới…Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình hơn 34 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 4 xã về đích nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, năm 2022 còn 34,3% (giảm 5,15% so với năm 2021).

Các chương trình MTQG hỗ trợ người dân vùng đồng bào miền núi phát triển, nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm đặc sản của địa phương

Đánh giá về hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho rằng: Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất và chăn nuôi, trong cuộc sống tinh thần; từng bước xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng và tạo tiền đề phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là 5.344,388 tỷ đồng. HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 1.379,680 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 2.632,560 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 918,868 tỷ đồng, triển khai 2 dự án thành phần.

 “Gỡ khó” để đạt mục tiêu

Xác định triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện được tập trung, tỉnh đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương...

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khảo sát việc phát triển kinh tế rừng tại huyện Kỳ Sơn

Sau 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu mà các Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định. Tỉnh Nghệ An đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, cụ thể: toàn tỉnh có 309 xã/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 75,18%), 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 17,15% xã NTM), 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39%, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,63%.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp khó khăn, vướng mắc: Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chưa đồng bộ với thời điểm triển khai kế hoạch vốn đầu tư tập trung giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch vốn đầu tư tập trung được triển khai sớm hơn), nên khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng trực tiếp để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong quá trình triển khai, một số văn bản của Bộ, ngành trung ương chậm ban hành nên các địa phương phải chờ, lúng túng trong việc triển khai, chậm triển khai hoặc không triển khai được. Trung ương phân bổ vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện một số dự án thành phần còn chưa hợp lý gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai. Trong khi đó, công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp còn chưa đồng bộ, nhất là cấp huyện, cấp xã vẫn còn nhiều lúng túng. Tỷ lệ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp.

Thị trấn Kim Sơn, Quế Phong

Theo đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhận diện rõ những hạn chế, vướng mắc, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của tỉnh với nguyên tắc “bám trên, sát dưới”, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong tổ chức thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở với cách làm sáng tạo, phù hợp, phấn đấu đảm bảo tiến độ đặt ra, hoàn thành hiệu quả các mục tiêu.