Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt hàng năm, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Tại các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các bản làng người Thái, vẫn lưu giữ được vẹn nguyên những bản sắc văn hoá truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan, sản xuất rượu men lá, rượu nếp cẩm, lưu giữ những ngôi nhà sàn cổ…Với những lợi thế về cảnh sắc, giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số, ngày 21/10/2015 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4798 QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở vùng miền núi Tây Nam Nghệ An”. Đây là cơ sở để huyện Con Cuông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng đô thị sinh thái trong tương lai. Thời gian qua, địa phương đã thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước về tham quan trải nghiệm (6 tháng đầu năm 2023 thu hút khoảng 54 nghìn lượt khách, doanh thu đạt khoảng 39,5 tỷ đồng), Con Cuông đang là điểm đến khá hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.
Xác định phát triển du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; muốn du lịch phát triển bền vững thì cần được xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. Hiện nay huyện Con Cuông đang tập trung đầu tư xây dựng các chương trình, dự án là điểm đến du lịch như: các điểm du lịch cộng đồng; mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới các nhà văn hoá cộng đồng tại các thôn, bản, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí về điểm du lịch và làm hài lòng khách du lịch khi đến trải nghiệm tại địa phương. Huyện cũng làm tốt việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Con Cuông, hiện nay có 7 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao, gồm: Mô hình du lịch cộng đồng Khe Rạn, xã Bồng Khê; Mô hình du lịch cộng đồng bản Nưa xã Yên Khê; sản phẩm dây thìa canh, cà gai leo của Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; Rượu men lá Lê Đông; Rượu men lá Châu Liên; Rượu nếp cẩm Thảo My…và 16 sản phẩm đạt 3 sao, được bày bán, giới thiệu nhiều trên phạm vi toàn huyện cũng như các điểm du lịch. Ngoài ra huyện cũng chú trọng việc bảo tồn và đưa các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc như dịch vụ ẩm thực (các món ăn truyền thống của đồng bào Thái); lưu trú (dịch vụ ngủ nghỉ nhà sàn qua đêm); các sản phẩm dệt thổ cẩm; đan lát; giao lưu văn hoá văn nghệ như nhảy sạp, múa lăm vông; uống rượu cần... thành những sản phẩm đặc trưng, có tính bền vững, kết hợp hài hoà yếu tố bản sắc văn hoá truyền thống với yếu tố du lịch được đầu tư, sáng tạo về mẫu mã, chất lượng sản phẩm vừa làm phong phú thêm hoạt động du lịch địa phương đồng thời đáp ứng được nhu cầu và làm hài lòng du khách.
Huyện Con Cuông cũng quan tâm chú trọng việc tiếp tục duy trì và thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ của đồng bào Thái tại nhiều thôn, bản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 33 câu lạc bộ dân ca Thái, góp phần phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, mang đậm đà bản sắc với các hoạt động của câu lạc bộ như sáng tác các bài dân ca Thái, khắp, lăm, nhuôn, hát múa lăm vông và đánh cồng chiềng… Một số câu lạc bộ còn phát huy hiệu quả gắn với việc biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng...
Các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Bản Xiềng - Phà Lài - Sông Giăng xã Môn Sơn; Khe Rạn xã Bồng Khê, Bản Nưa xã Yên Khê đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Đây là động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Thái nói riêng tiếp tục cố gắng, duy trì, phát huy và giới thiệu, quảng bá với du khách những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Con Cuông.
Ngoài ra, huyện Con Cuông đã cử các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng, qua đó người dân được trang bị các kiến thức thực tiễn về chế biến và trình bày các món ẩm thực của đồng bào, đón tiếp, phục vụ, giao tiếp ứng xử với khách du lịch và biết cách vận hành điểm du lịch cộng đồng phù hợp với an ninh thôn bản, lợi ích cộng đồng, bảo tồn văn hóa bản địa. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng các homestay, chỉnh trang khuôn viên nhà ở; khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Tổ chức các lớp truyền dạy dân ca Thái, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan… cho người dân đặc biệt là các thế hệ trẻ nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng Nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Văn hoá truyền thống đồng bào các dân tộc có nguy cơ bị mai một, lai căng, pha tạp; hiệu quả, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại chưa cao; các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc như đồ thổ cẩm, mây tre đan, rượu men lá, rượu cần …chưa được đầu tư để trở thành những sản phẩm đặc trưng được du khách yêu thích, mua sắm, sử dụng nhiều.
Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Thứ hai, phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của huyện; xây dựng các chương trình (tour) du lịch điển hình; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của huyện với các địa phương khác của tỉnh Nghệ An... để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có của địa phương, như tham quan danh thắng, nghỉ dưỡng, tắm khe suối, du lịch cộng đồng,... Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch leo núi tham quan rừng sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát... Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của địa phương: Sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm,..
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, doanh nghiệp lữ hành lớn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện đến khách du lịch trong nước và ngoài nước.
Thứ tư, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch của địa phương. Liên kết trang web với các tỉnh, thành phố khác để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch của huyện...
Thứ năm, tiếp tục tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có năng lực, am hiểu về các điểm du lịch của huyện để hướng dẫn khách du lịch, giúp cho họ hiểu về thiên nhiên và văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương, thời gian tới, Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông tiếp tục ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan… vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Con Cuông, là cơ sở để phát triển bền vững du lịch, vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần cùng huyện nhà xây dựng Con Cuông trở thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái./.