Huy động sức mạnh tổng hợp

Về xã Đồng Văn, huyện miền núi Quế Phong những ngày cuối tháng Ba ở đâu cũng thấy người dân đang hối hả tiến hành san lấp các tuyến đường còn lại để khi có xi măng Nhà nước phân bổ về địa phương sẽ tiến hành làm đường bê tông. Đang cùng bà con thi công trên tuyến đường, ông Hồ Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (Quế Phong) phấn khởi cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã được hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn vốn, hạ tầng cơ sở được xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, các trục đường từ xã vào đến các bản được bê tông hóa. Người dân cũng đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng, nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất mở rộng trục đường. Với cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từ nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, Nhân dân đóng góp cát và ngày công. Năm 2022, xã Đồng Văn đã xây dựng được 1,03km đường bê tông. Hiện xã đã đạt 16/19 tiêu chí NTM.

Phong trào xây dựng nông thôn đầu tư hạ tầng giao thông cho các bản vùng biên của huyện Quế Phong

Cùng chung niềm vui, ông Hà Văn Thị - người dân bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong phấn khởi nói: Mặc dù kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nhưng khi có chủ trương làm tuyến đường dài hơn 200m nối từ Quốc lộ 46 vào bản Na Chảo, Nhân dân đã đóng góp 87 triệu đồng và ngày công để làm đường. Giờ có con đường bê tông mới không còn cảnh đường đất lầy lội, tạo điều kiện cho bà con trong bản phát triển kinh tế, giao thương, các cháu học sinh đến trường thuận lợi.

Xác định giao thông là một trong những bước “đột phá” để huyện Quế Phong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thời gian qua, huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Trong năm 2022, toàn huyện đã xây dựng được thêm 8,482 km đường giao thông nông thôn; nâng tổng số km giao thông đã xây dựng đến nay là 260 km; tiếp nhận 935 tấn xi măng, trong đó xi măng hỗ trợ thuộc chỉ tiêu năm 2021 là 900 tấn, có 35 tấn xi măng do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh hỗ trợ cho xã Nậm Giải làm giao thông nông thôn. Đến nay, đã có 6/12 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 50% xã.

Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Việc phát triển hạ tầng nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm. Các tuyến giao thông được đầu tư xây dựng mới và mở rộng theo chuẩn NTM ngày càng nhiều. Hầu hết, các công trình đều xuất phát từ sự chung sức, chung lòng của chính quyền và Nhân dân. Những con đường giao thông nông thôn trong huyện như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi của bộ mặt vùng nông thôn ở miền núi Quế Phong.

Xác định rõ, phát triển hạ tầng giao thông là tiền đề quan trọng và thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Hưng Nguyên đã tập trung thu hút, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cũng đang từng bước được hoàn thiện thông qua việc triển khai chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Theo báo cáo từ Văn phòng NTM huyện Hưng Nguyên, năm 2022, huyện Hưng Nguyên đã vận động Nhân dân đóng góp được 94,768 tỷ đồng, hiến 6.379m đất, đập 285m bờ rào để làm mới, 41 xóm làm lại đường giao thông để xây dựng nông thôn mới, 52 xóm làm mương tiêu. Con số này phản ánh rõ, hệ thống giao thông nông thôn ở Hưng Nguyên đang từng bước được hoàn thiện.

Nâng cấp mở rộng đường ĐH209 B đoạn tư duy Long Xá đi Hưng Thông

Hiện toàn huyện Hưng Nguyên có 19 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài là 116,9 km đã kết nối các xã, đáp ứng yêu cầu 100% km đường huyện do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Thế nhưng, tỷ lệ đường huyện đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch mới chỉ đạt 71%. Để hoàn thành tiêu chí giao thông, huyện Hưng Nguyên tranh thủ các các dự án, huy động các nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp 10 tuyến đường với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, ông Hoàng Anh Tiến cho biết: Huyện chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các tuyến đường huyện đang triển khai như đường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trường Tộ, đường nối QL 1A với đường Lê Xuân Đào, đường 8b, tuyến đường Đại Đồng, đường qua trung tâm thị trấn Hưng Nguyên. Khi các tuyến đường này hoàn thành sẽ đảm bảo đạt tỷ lệ 100% đường huyện đạt chuẩn theo quy định bộ tiêu chí huyện NTM.

Hoàn thiện nâng cao tiêu chí giao thông

Tiêu chí về giao thông là hết sức quan trọng, góp phần rất lớn vào hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở địa phương. Nhưng tiêu chí này rất khó thực hiện bởi đòi hỏi đầu tư lớn về kinh phí, trong khi nguồn lực và đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh phong trào xây dựng giao thông nông thôn, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế, chính sách gắn việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, kết nối rộng khắp giữa quốc lộ - đường tỉnh – đường xuyên xã – đường thôn, bản, đặc biệt các xã khó khăn.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp tạo diện mạo mới cho làng quê ở Nam Đàn

Với phương châm Nhân dân và Nhà nước cùng làm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều hình thức, biện pháp huy động vốn, ngày công theo điều kiện cụ thể của mình để làm đường mới, mở rộng, nâng cấp đường cũ, làm cầu cống... Huyện ủy và HĐND các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ban hành các nghị quyết, chủ trương về công tác phát triển giao thông nông thôn và đặt công tác xây dựng giao thông nông thôn thành một trong những nhiệm vụ then chốt. Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với địa phương mình để huy động mọi nguồn lực; chú trọng huy động vốn trong dân; quan tâm đúng mức đến việc thu hút vốn hỗ trợ từ bên ngoài bằng các dự án đầu tư hạ tầng của các bộ, ngành Trung ương, của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, lồng ghép các chương trình, dự án… Đặc biệt, các huyện miền núi đã tận dụng tối đa việc lồng ghép nguồn vốn như Chương trình xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư, Chương trình 135CP, Chương trình 30a, chương trình nông thôn mới... Các nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài như Bỉ, Luxembourg, WB, JBIC, NGO...

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng giao thông nông thôn nhất là ở khu vực miền núi tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ đường đất, cấp phối còn lớn (còn 25% đường huyện, 30% đường xã, 40% đường thôn xóm chưa được cứng hóa). Còn 2 xã chưa có đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, 6 xã có đường ô tô đến trung tâm chưa đi lại được bốn mùa, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn mới có đường xe máy đến được. Để tiếp tục hoàn thiện nâng cao tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh.

Trong năm 2023 toàn tỉnh đã xây dựng được thêm 303 km đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 373 tỷ đồng, nâng tổng số km giao thông đã xây dựng, nâng cấp của toàn tỉnh đến nay là 11.280,4 km, với tổng kinh phí hơn 13.897,4 tỷ đồng; đã xây dựng thêm 188 km kênh mương, lũy kế đến nay đã làm được là 3.537 km kênh mương các loại, cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thuỷ lợi như bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu, với tổng số tiền là 3.429,6 tỷ đồng. Xây dựng, nâng cấp 587,285 km hệ thống đường điện các loại với kinh phí thực hiện là 619,548 tỷ đồng, nâng tổng số km hệ thống đường điện được xây dựng, nâng cấp từ khi thực hiện Chương trình đến nay là 5.743 km với tổng kinh phí 3.479,228 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, ngày càng được quan tâm hỗ trợ phục vụ cho việc mua bán hàng hoá của người dân nông thôn.