Cách mạng Tháng Tám mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Các giáo sư góp công đầu xây dựng nền Giáo dục đại học Việt Nam là những gương mặt tiêu biểu, cả về đạo đức và tài năng. Ngành y - dược có Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đỗ Xuân Hợp... Ngành văn - sử có Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu... Nhìn sang ngành toán - lý, có Nguyễn Xiển, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thúc Hào...

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào đã từng giữ chức Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội, ngay từ những ngày đầu mở nước dân chủ cộng hòa. Về sau, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (Chủ tịch là Giáo sư Lê Văn Thiêm). Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh Giáo sư đại học.

Nhiều học trò của thầy Hào về sau đã trở thành những gương mặt khoa học quen thuộc, như: Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đình Tứ, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Văn Như Cương, v.v. Cũng có người trở thành nhà báo như Nguyễn Hữu Chỉnh, hay nhà ngoại giao như Trịnh Ngọc Thái. Đó là chưa kể các lớp học trò của thầy Hào trong 10 năm thầy dạy tại Trường Quốc học Huế (1935-1945), nhiều người đã trở thành những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi đi vào sử sách như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Thương,..

Những năm cuối đời, Giáo sư tình nguyện trở về Xứ Nghệ, đảm đương trọng trách Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh, để “trả nghĩa, trả chữ” cho quê hương.

Quê hương hiếu học, nếp nhà Thi Thư

Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, Cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đỗ Phó bảng.

Nam Đàn núi cao, sông rộng, có đền thờ Mai Hắc Đế dưới chân rú Đụn, có thị trấn Sa Nam mà sự đông vui nhộn nhịp đã đi vào ca dao: Sa Nam trên chợ dưới đò/ Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên.

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Năm 1924, mới 12 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Thúc Hào thi đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế. Cùng dự thi có người bạn Võ Nguyên Giáp.

Về sự việc này, có lần Giáo sư Hào kể với tôi: Khi thi vào Trường Quốc học Huế, tôi đỗ đầu, anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Nhưng, khi vào học, thì anh Giáp đứng đầu lớp, tôi đứng thứ hai. "Học tài, thi phận" mà! Học cùng nhau trong một thời gian dài, mới bộc lộ hết cái tài của từng người. Rõ ràng anh Giáp thông minh hơn, học giỏi hơn tôi. Anh Giáp nhiều hơn tôi một tuổi...

Trong một thiên hồi ký, Giáo sư Tạ Quang Bửu kể: "Tôi và anh Hào là người đồng hương Nam Đàn. Năm học 1923-1924, tôi lên lớp đệ tam ở Trường Quốc học Huế. Cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, thân sinh anh Hào, cho tôi ở nhờ nhà cụ để đi học gần trường hơn. Cụ là nhà khoa bảng, tính tình rất ngăn nắp, cho nên đã thu xếp cho anh Hào học rất chu đáo. Tôi cùng ở với anh Hào và anh Tùng (Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thúc Tùng). Cả hai anh đều ngăn nắp, sạch sẽ, trong khi sách vở của tôi thì rất lôi thôi, luộm thuộm (...). Năm sau, tôi lên lớp đệ tứ, thì anh Võ Nguyên Giáp và anh Nguyễn Thúc Hào thi vào lớp đệ nhất. Hai anh đỗ rất cao. Anh Giáp dạo ấy là một học sinh nhỏ nhắn, rất khôi ngô, nét mặt rất thông minh."

Năm sau, anh Hào chuyển ra Hà Nội, vào học Trường Albert Sarraut cho đến năm 1929, thì sang Pháp, thi đỗ tú tài toán tại Aix-en-Provence. Theo học dự bị đại học tại Trường Saint Louis nổi tiếng ở Paris, anh chuẩn bị thi vào các "trường lớn" của nước Pháp. Nhưng rồi, người miền nhiệt đới không quen chịu rét, anh đành giã từ Paris băng giá, xuống miền nam, theo học Trường Đại học Khoa học Marseille, bên bờ Địa Trung Hải chói chang ánh nắng mặt trời. Sau 4 năm (1931-1935) chăm chỉ học tập, anh thi lấy 6 chứng chỉ: toán học đại cương, giải tích toán học, vật lý đại cương, cơ học lý thuyết, cơ học chất lỏng, và thiên văn học (chỉ cần 3 chứng chỉ là đỗ cử nhân). Ngoài ra, anh còn viết xong luận văn cao học - nay gọi là thạc sĩ - về một đề tài liên quan đến hình học và cơ học. Vào thời ấy mà học cao đến thế là điều quá hiếm trong toàn cõi Đông Dương.

Từ dạy Toán ở Trường Quốc học đến Hiệu trưởng Đại học Khoa học Hà Nội

23 tuổi, trở về Cố đô, Nguyễn Thúc Hào trở thành một thầy giáo dạy toán trẻ măng tại Trường Quốc học Huế (lúc bấy giờ gọi là Trường trung học Khải Định). Thời ấy, trong toàn cõi "Đông Dương thuộc Pháp", chỉ vẻn vẹn có 6 trường trung học chuyên khoa (như THPT hiện nay) quốc lập là: Trường Albert Sarraut và Trường Bưởi ở Hà Nội, Trường Khải Định ở Huế, Trường Chasseloup-Laubat và Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, Trường Yersin ở Đà Lạt.

Những năm 1942-1944, các nhà khoa học Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông... xuất bản báo. Khoa học” tại Hà Nội. Tờ báo thu hút sự chú ý của bạn đọc trong nước và cả Việt kiều ở nước ngoài. Một số trí thức ở Huế như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái... viết nhiều bài lý thú cho báo Khoa học. Các ông còn hăng hái tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mọi lòng người và đất trời như cũng muốn bay lên: Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! (Tố Hữu)

Trong những ngày say mê, bận rộn ấy, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm việc với một niềm hứng khởi khác thường. Ông vừa dạy toán ở Trường Khải Định, vừa giữ chức Giám đốc Trung học vụ Trung Bộ, vừa tham gia Hội đồng Cố vấn Học chính của Bộ Quốc gia Giáo dục.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Tổng hội Sinh viên Đông Dương (Association générale des étudiants indochinois/ A.G.E.I.) đổi tên thành Tổng hội Sinh viên Cứu quốc Việt Nam và gia nhập Mặt trận Việt Minh. Nhưng tình hình bỗng trở nên phức tạp khi một số kẻ cầm đầu Việt Nam Quốc dân đảng theo gót quân Tưởng vào miền Bắc nước ta. Bọn họ ra sức chia rẽ phong trào sinh viên, xúi giục số sinh viên đang hoang mang, dao động đòi Tổng hội phải đứng "trung lập", "không làm chính trị", và phải "rút ngay ra khỏi Việt Minh"! Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt. Sinh viên chia ra làm hai phe: phe tán thành ở lại trong Việt Minh, và phe đòi rút ra. Ngày 9/12/1945, sau một cuộc tranh cãi kéo dài và náo động, có khoảng 500 sinh viên tham dự, khi biểu quyết, phe đòi rút ra khỏi Việt Minh trội hơn 8 phiếu! Trong bài Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên đăng trên báo Sự Thật ngày 15/12 năm ấy, ông Trường Chinh phê phán việc làm sai trái nói trên và vạch mặt bọn chia rẽ phong trào sinh viên.

Tháng 2/1946, Bộ Quốc gia Giáo dục ra Nghị định cho phép tạm đình giảng đến hết kỳ nghỉ hè các ban đại học (trừ hai lớp Anh ngữ và Nga ngữ) để sinh viên đi làm các công tác thiết thực. Nghị định này nhằm, một mặt, thoả mãn yêu cầu tha thiết của nhiều sinh viên muốn được tạm thời nghỉ học để tham gia các hoạt động cách mạng đang rất sôi động, mặt khác, vô hiệu hoá âm mưu chia rẽ của Quốc dân đảng. Trước tình rối ren tưởng chừng không lối thoát ấy, bà Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội Hoàng Thị Nga xin sang Pháp "định cư vì việc riêng". Bà là tiến sĩ vật lý đầu tiên ở nước ta.

Sau kỳ nghỉ hè năm 1946, Trường Đại học Khoa học Hà Nội lại mở cửa. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được Bộ Quốc gia Giáo dục điều từ Huế ra Hà Nội, và tín nhiệm giao trọng trách Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc nhà trường. Ông phải lo toan nhiều việc. Nào là sắp xếp lại tổ chức, tuyển sinh, ổn định tư tưởng cho sinh viên, vạch ra thời khoá biểu. Nào là mời thầy giảng dạy các môn toán, lý, hoá, sinh. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, vốn là chỗ quen biết Giáo sư Hào, nhận lời mời: Tạ Quang Bửu, Nguỵ Như Kon Tum dạy vật lý; Hoàng Xuân Hãn dạy toán...

Và lớp Toán học đại cương trong kháng chiến

Đêm 19/12/1946, đèn thành phố Hà Nội vụt tắt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo chỉ thị của Bộ Quốc gia Giáo dục, Giáo sư Hào cùng vợ bế bồng, gồng gánh các con nhỏ đi bộ về phía ga Thường Tín, rồi lại đi tiếp đến tận ga Nam Định, chen lấn xô đẩy, mới bước chân lên được xe lửa, vào Vinh. Gần Tết, thì về tới quê nhà. Ra giêng, ông đã nhận được công văn của Bộ: Cần mở ngay Lớp Toán học đại cương! Thế là, chỉ vài tháng sau khi cả nước đứng lên nổ súng đánh trả bọn xâm lược, ở một làng quê Nam Đàn, lớp Toán học đại cương khóa I đã khai giảng trong ngôi nhà thờ họ của cụ Nguyễn Thạc Phỉ (bà con với Giáo sư Nguyễn Thạc Cát) gần chợ Liễu, bên sông Lam. Số sinh viên chỉ vẻn vẹn có 5 người, hầu hết là các giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, trong đó có nhà giáo Lê Hải Châu. Các anh ngồi đò qua sông Lam học thầy Hào, rồi lại ngồi đò quay về trường, dạy các lớp đàn em.

Cũng vào thời điểm ấy, GS Nguyễn Xiển mở một lớp Toán học đại cương khác, có 10 người học, lúc đầu học theo kiểu gửi bài, về sau, sinh viên tập trung tại làng Đại Điền, huyện Tam Dương (Vĩnh Yên). Tháng 10/1947, quân Pháp tiến công lên Việt Bắc, sinh viên lánh vào hang đá, rồi trở về quê. Lớp này phải đình giảng.

Ở Nam Đàn, đến các khoá II, III, IV, lớp Toán học đại cương chuyển lên gần Bến Gành, bên làng Đan Nhiễm, quê hương nhà yêu nước Phan Bội Châu. Số sinh viên lên tới 20 người, học trong nhà thờ họ ông Chắt Cừ. Các anh phần lớn vừa tốt nghiệp trung học chuyên khoa (như THPT phân ban hiện nay) từ xa đến trọ học hay làm gia sư trong các gia đình ở mấy làng chung quanh: Bố Ân, Bố Đức, Thịnh Lạc, Yên Quả, Xuân Hồ... Nhiều người về sau trở thành những nhà khoa học danh tiếng, đi khắp nơi, nhưng trong những trang hồi ký của mình, vẫn không quên nhắc đến thời gian theo học thầy Hào ở Nam Đàn, với bao kỷ niệm vất vả, êm đềm, vui tươi về những làng quê kháng chiến mộc mạc bên dòng Lam xanh biếc.

Để khỏi lộ địa điểm của lớp học, đề phòng máy bay Pháp đến bắn phá, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào liên lạc với Bộ Quốc gia Giáo dục qua địa chỉ bí mật: “Ông Nguyễn Tứ Đức, bưu cục Nam Đàn, Nghệ An”.

Tại sao tôi lại tự đặt bí danh cho mình là Nguyễn Tứ Đức? - Giáo sư Hào kể lại. Cha tôi là một nhà nho đỗ đại khoa, cho nên chúng tôi đều được dạy bảo từ thuở bé rằng tứ đức của con trai là hiếu, đễ, trung, tín; còn tứ đức của con gái là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên, tứ đức mà tôi chọn làm bí danh không hề mang ý nghĩa quen thuộc bao đời ở chốn "cửa Khổng, sân Trình". Tứ đức mà tôi noi theo để tu dưỡng, rèn luyện mình, tứ đức mà tôi coi như chuẩn mực của phầm hạnh là: cần, kiệm, liêm, chính. Đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn cảm hoá tôi. Đến với Bác, với cách mạng muộn màng hơn anh Giáp, nhưng tôi quyết không bao giờ nản lòng, thoái chí...

Một anh tú tài ở đất Quảng, trước kia từng theo học thầy Hào tại Trường Quốc học Huế, dạy trung học tại Liên khu V, không có điều kiện vượt Trường Sơn ra Liên khu IV, tiếp tục theo học thầy. Anh biên thư xin thầy tài liệu để tự học. Nghe đâu anh là cháu nội cụ Phó bảng Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết bên Hà Thành thất thủ hồi thế kỷ 19. Đến cuối khoá, anh xin dự kỳ thi tốt nghiệp... "từ xa"! Giải quyết như thế nào đây? GS Hào bèn xin phép Bộ được gửi đề thi niêm phong từ Nam Đàn vào cho Sở Giáo dục Liên khu V. Sở mở kỳ thi riêng, chỉ cho 2 thí sinh, trong đó có anh sinh viên họ Hoàng kia, xong, thu bài làm, bỏ vào phong bì dán kín, gắn xi, rồi gửi ra Hội đồng chấm thi ở Liên khu IV.

Hội đồng gồm ba nhà khoa học Nguyễn Thúc Hào, Đặng Phúc Thông và Phạm Đình Ái, họp tại đền thờ Mai Hắc Đế dưới chân rú Đụn. Biên bản kỳ thi được gửi ra Việt Bắc cho Bộ kiểm tra, công nhận kết quả, rồi mới cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho thí sinh. Anh sinh viên dòng dõi danh nho đất Quảng ấy đã đỗ, còn người thí sinh kia, cùng dự thi, thì bị trượt. Về sau, anh trở thành một nhà toán học nổi tiếng thế giới, được công nhận là "cha đẻ của tối ưu toàn cục" (the father of global optimization). Anh là Giáo sư Hoàng Tuỵ, người mà tên tuổi đã in "dấu ấn" trong một số thuật ngữ toán học, như: lát cắt Tuỵ (Tuy's cut), thuật toán kiểu Tuỵ (Tuy-type algorithm), điều kiện không tương thích Tuỵ (Tuy's inconsistancy condition)...

Số sinh viên toán học đại cương ngày ấy không nhiều. Nhưng đó đều là những con người mà lòng hiếu học đã được "thử lửa" qua chiến tranh khốc liệt. Cho nên, về sau, hầu hết đều trở thành những nhà khoa học, thầy giáo dạy toán-lý, nhà báo, nhà ngoại giáo có uy tín như: Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Hoàng Phương, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Cung, Hà Văn Mạo, Nguyễn Hữu Chỉnh, Đinh Ngọc Lân, Trịnh Ngọc Thái, Lê Hải Châu, Lê Thạc Cán, Nguyễn Mậu Tùng, Cung Quang Chương, Đinh Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Sóc, Nguyễn Trọng Di...

Về quê hương

Từ năm 1951 đến 1954, Trường Dự bị đại học, rồi Trường Sư phạm Cao cấp mở tại tỉnh Thanh Hoá. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được Bộ Quốc gia Giáo dục cử vào Ban Giám đốc cùng các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường. Giảng dạy tại hai trường này, còn có các ông: Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Phó Đức Tố, Hồ Đắc Liên, Tôn Thất Chiêm Tế.... Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng là sinh viên dự bị đại học dạo ấy.

"Không gian đại học lúc bấy giờ là một mái đình xưa hay vài ngôi nhà mượn của dân. - Trần Quốc Vượng kể lại. Thời gian đại học là màn đêm, dưới ánh đèn "đom đóm". Giáo trình đại học là dăm bảy cuốn sách in ty-pô hay ly-tô gói gọn trong ba-lô dã chiến. Nhưng không khí đại học sao mà hưng phấn lạ thường!"

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào và các cán bộ Trường Đại học Vinh.

Hoà bình được lập lại trên miền Bắc, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào trở về Hà Nội. Ông cùng Giáo sư Lê Văn Thiêm dạy toán tại Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Rồi ông được cử làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội bên cạnh Giáo sư, Hiệu trưởng Phạm Huy Thông. Các anh Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Văn Ba, Văn Như Cương, Đoàn Quỳnh... được học toán thầy Hào vào dạo ấy.

 Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh Giáo sư đại học. Ngoài trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Giáo sư Hào còn là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, v.v.

Tận tuỵ với nghề, Giáo sư Hào biên soạn nhiều bộ giáo trình: Hình học giải tích, Hình học vi phân, Giải tích, Hình học vectơ, Hình học tuyến tính. Trong nhiều năm liền, ông còn dịch sang tiếng Việt 14 cuốn sách toán từ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, như: Giải tích tenxơ và hình học Riemann của Rashevsky, Cơ sở lý thuyết mặt của Kagan (từ tiếng Nga); Không gian, thời gian, vật chất của H. Weyl, Toán Ricci của J. A. Schouten (từ tiếng Anh); Không gian liên thông xạ ảnh của Élie Cartan, Xác suất và ứng dụng của H. Cramer, Thuyết tương đối và điện động lực học của A. Lichnerowicz (từ tiếng Pháp), v.v.

Năm 1959, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh (tiền thân của Đại học Vinh hiện nay). Đây là trường đại học đầu tiên trên miền Bắc đặt tại một “tỉnh lẻ”. Năm học đầu 1959-1960, cơ ngơi của trường chỉ có hai dãy nhà hoang. Thư viện lèo tèo vài nghìn cuốn sách. Cả trường vẻn vẹn có 17 cán bộ giảng dạy, 159 sinh viên. GS Hào cùng tập thể nhà trường và chính quyền địa phương bắt tay "nhen nhóm".

Sau 5 năm, cơ ngơi đã khá: 4 ngôi nhà cao tầng làm thư viện, phòng thí nghiệm, nơi ở, làm việc và học tập cho cán bộ, sinh viên. Số sách trong thư viện lên tới 6 vạn cuốn. Trường đã có 15 phòng thí nghiệm với thiết bị khá đủ. Từ 2 ban Văn-Sử và Toán-Lý, trường xây dựng thành 4 khoa: Văn, Toán, Lý, và Hoá-Sinh, cùng 4 bộ môn trực thuộc, gồm 140 cán bộ giảng dạy. Ba khoá sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, đóng góp cho đất nước 1.085 giáo viên THPT trẻ tuổi.

Hè 1964, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Vinh - Bến Thuỷ bị đánh phá dữ dội. Trường sơ tán khỏi thành phố. Trong vòng 18 tháng, 4 lần di chuyển: Từ Vinh ra Nghi Lộc, lên Thanh Chương (Nghệ An); rồi từ Thanh Chương ra tận Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hoá). Hàng nghìn sinh viên, cán bộ dắt díu theo hàng trăm cháu bé, vận chuyển mấy vạn cuốn sách, mấy trăm tấn thiết bị, "hành quân" an toàn qua hơn 300 cây số, vượt nhiều trọng điểm bị đánh phá ngày đêm như Cầu Giát, Hoàng Mai, Tĩnh Gia...

Giữa rừng núi Thạch Thành, sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số, thầy, trò vào rừng chặt nứa, đẵn gỗ, dựng lán học, thư viện, phòng thí nghiệm, chỗ ở cho trò, nhà riêng cho thầy, cô có con nhỏ. Thầy Hiệu trưởng, tuổi ngót lục tuần, vẫn trèo đèo, lội suối đến từng khoa cách xa Hiệu bộ cả chục cây số, cùng khoa lo toan cho từng lán học, hầm trú ẩn, bếp ăn, gạo, mì, mắm, muối... Bận rộn thế, nhưng thầy vẫn dành thời gian bồi dưỡng toán chuyên đề cho các đồng nghiệp trẻ.

Vợ con thầy sống kham khổ như mọi người, cũng ăn cơm độn sắn, độn khoai, cũng tự mình đào hầm trú ẩn. Thầy xắn quần lội bùn đến lớp, băng rừng tới dự những đêm liên hoan văn nghệ sinh viên. 

Biết bao công việc âm thầm ở chốn "tỉnh lẻ", chẳng được báo, đài trung ương "ngó ngàng" tới để mà phản ánh, biểu dương... Thầy Hào như một "ẩn sĩ" giữa chốn "thâm sơn cùng cốc". Chỉ còn một nét tài hoa kinh kỳ đêm đêm người dân miền núi cảm nhận được ở thầy, đó là tiếng đàn viôlông réo rắt mấy khúc nhạc Mozart, Beethoven hay Chopin, Tchaikovsky - "ngón đàn" mà thầy đã học được từ thời trai trẻ giữa Paris hoa lệ...

Sau 7 năm sơ tán, trường lại trở về Vinh. Nhưng, cay đắng thay, cơ ngơi bao năm đổ mồ hôi xây đắp đã bị máy bay Mỹ giội bom phá đổ tan tành! Phải làm lại từ đầu...Năm 1976, thầy Hào về hưu, chuyển ra Hà Nội, sống cùng các con, nhưng vẫn theo dõi từng bước tiến của trường. Năm 1984, phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập trường, thầy nói: "Trường ĐHSP Vinh đang lớn lên, đẹp về hình dáng cũng như về tâm hồn, xứng đáng là một trong những trường có truyền thống cao quý nhất ở  nước ta."

Cái phúc của thầy là nuôi dạy được nhiều học trò và những người con ưu tú. Anh Nguyễn Thúc Hoàng nhiều khoá liền được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Anh Nguyễn Thúc Hải, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhiều năm làm Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Bách khoa Hà Nội...

***

GS Hào và tôi là người đồng hương Nam Đàn, cùng quê Hồ Liễu, xóm dưới, xóm trên. Thuở nhỏ, tôi thường nghe ông nội tôi (cụ Phó bảng Nguyễn Văn Chấn mở trường dạy học ở quê) khuyên bảo: "Lớn lên, cháu phải gắng học cho chăm, cho giỏi theo gương các nhà "tân học" người huyện ta, như ông Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Thúc Hào. Chứ cái vốn "cựu học" của ông, thì giờ đây không còn đắc dụng nữa!"

GS Nguyễn Thúc Hào và Hội Toán học Việt Nam. Từ trái sang phải, hàng đầu: GS Hoàng Tuỵ (thứ 3), GS Nguyễn Thúc Hào (thứ 4), GS Lê Văn Thiêm (thứ 5), GS Nguyễn Cảnh Toàn (thứ 6), GS Nguyễn Đình Trí (thứ 7)..

Có lần đến thăm thầy ở Hà Nội. Đó là một buổi chiều đầu đông mưa bụi. Gia đình thầy sống trong một nếp nhà xuềnh xoàng, bên hồ nước rộng in bóng mây trôi. Tôi chợt nhớ tới bài thơ Đường luật Mừng Thầy do anh Phan Đình Diệu mừng thầy vào dịp thầy Hào thọ tám mươi:

Một tấm gương trong giữ vẹn tròn

Sá bao công lội suối trèo non

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng

Lòng vẫn son, bền chí sắt son

Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn

Giờ vui mây nước, mảnh tình con

Đời còn sương bụi bao mờ tỏ

Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.

Là những người trí thức hậu sinh, mỗi khi soi mình vào tấm gương thầy Hào, chúng tôi lại như có thêm niềm tin và nghị lực để giữ gìn nhân cách và phẩm hạnh trước bao cám dỗ lợi, danh: Đời còn sương bụi bao mờ tỏ/ Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn./.