Từ cội nguồn dòng tộc vang danh…

Về làng Nghiêm Thắng, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương hôm nay, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được niềm tự hào của vùng đất học gắn với huyền thoại toán học Việt Nam – Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn. Người già nhắc đến Giáo sư với sự ôn tồn đáng mến, người trẻ nhắc đến Giáo sư với sự kính ngưỡng, noi gương. Hẳn là vì lẽ đó, xã Đông Sơn đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị của đất học, thế hệ nối tiếp thế hệ vẫn miệt mài học để biết, học để làm người, học để thành tài, học để cống hiến – ý chí bất biến giữa cuộc sống hiện đại với nhiều lựa chọn khác để làm giàu.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn

Nói địa linh sinh nhân kiệt, cũng phải nói nhân kiệt đắp bồi thêm phần tự hào và linh thiêng cho cội nguồn quê hương là vì vậy. Danh thơm của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn tựa như vầng sáng ở chân trời, định hướng cho những người có hoài bão, đam mê khoa học.

Làng Nghiêm Thắng cũng sẽ đưa chúng ta ngược dòng thời gian vì là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất của nhiều danh nhân lịch sử dòng họ Nguyễn Cảnh – có công lớn trung hưng nhà Lê. Dòng họ này còn để lại cho kho tàng văn học dân tộc bộ tiểu thuyết chương hồi đầu tiên và đồ sộ nhất Việt Nam là Hoan Châu ký. Đặc biệt, từ đời thứ 5 đến đời thứ 8, dòng họ này có liên tiếp 5 thế hệ "ông, cha, con, cháu, chắt" nối tiếp nhau giữ chức tướng, phò tá triều đình.

Tại Nghệ An, họ Nguyễn Cảnh đến nay đã trải hơn 25 đời. Truyền thống hiếu học của dòng họ vẫn luôn được thắp sáng khi có rất nhiều thế hệ nhân tài xuất sắc như Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn; Tỷ phú Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air - HDbank), anh em ông chủ tập đoàn Eurowindow là Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng… Quả nhiên là “người con như thế bởi người cha như thế, người cháu như thế bởi tổ tiên như thế”.

…đến Danh nhân khoa học thế giới

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh ngày 28 tháng 9 năm 1926, mất ngày 8 tháng 2 năm 2017, là hậu duệ ưu tú của dòng họ Nguyễn Cảnh vào thời hiện đại, được vinh danh là Nhà Giáo dục đi trước thời đại của Việt Nam. Không chỉ là một nhà toán học tài năng của đất nước, ông còn là một nhà sư phạm lớn, một nhà quản lý giáo dục đầy tâm huyết.

Sinh thời, ông từng làm Chủ nhiệm khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm. Ngoài những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước phong tặng, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn còn được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới, là cha đẻ của "Hình học siêu phi Euclid". 

Những đóng góp của ông trong lĩnh vực Toán học không chỉ góp phần chắp cánh cho Toán học Việt Nam bay cao, mà quan trọng hơn, đã đánh thức và tiếp lửa niềm đam mê học tập, nghiên cứu, phát triển Toán học cho rất nhiều thế hệ khoa học trẻ Việt Nam hôm nay.

Điều đáng nói, tất cả những tinh hoa trí tuệ và sự bền bỉ cống hiến của ông đều đến từ ý chí tự học, sự vươn mình bứt phá khỏi những tư duy định kiến và những hạn chế của đời sống khó khăn trong bối cảnh lịch sử đất nước phải trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và cả một hành trình dài sau đó dựng xây, đổi mới…

Khi còn là học sinh tiểu học, Nguyễn Cảnh Toàn học chỉ ở mức khá, mà môn khá nhất lại là môn Văn. Lên cấp 2, năng khiếu Toán học của Nguyễn Cảnh Toàn bộc lộ rõ nét. Ông thường xuyên đặt ra những câu hỏi cho các thầy cô, mà nếu không được thỏa mãn thì ông sẽ tự tìm sách đọc thêm để tham khảo, tự tìm cho mình câu trả lời. Đó chính là lý do Nguyễn Cảnh Toàn sớm đọc hiểu sách của các lớp trên, sớm giải được những bài toán của các lớp trên.

GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên trái) đưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức thăm trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1960.

Sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần ở Huế, Nguyễn Cảnh Toàn thi đỗ vào Đại học Khoa học; thi đỗ nhưng mới học được 5 tháng thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa nên ông phải về quê. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, tích cực truyền bá Quốc ngữ. Đến tháng 9/1946, trường Đại học mở lại, Nguyễn Cảnh Toàn ra Hà Nội tiếp tục theo học, đồng thời tham dự Kỳ thi Toán học Đại cương và đỗ thủ khoa. Năm 1947, trong thời gian kháng chiến, Sở Giáo dục Khu 4 triệu tập ông về dạy toán cho Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Đến năm 1954, Nguyễn Cảnh Toàn trở thành Giảng viên giảng dạy toán tại trường Đại học Khoa học Hà Nội.

Thời điểm này, đất nước còn nhiều khó khăn, các trường Đại học mới được thành lập còn thiếu thốn đủ bề, hầu như chưa mấy ai nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học. Nguyễn Cảnh Toàn lặng lẽ tự nghiên cứu và hoàn thành đề tài “Về các đường và mặt bậc hai trong hình học elliptic” và đến năm 1958, ông bảo vệ thành công công trình của mình thông qua luận án Phó Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) tại Đại học Lomonosov. Đây là luận án Tiến sĩ đầu tiên của người Việt Nam được nghiên cứu ở trong nước và bảo vệ ở Liên Xô

Trở về Việt Nam năm 1959, ông giảng dạy tại khoa Toán và tự nghiên cứu đề tài khoa học về hình học. Tháng 6 năm 1963, Nguyễn Cảnh Toàn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Sư phạm Quốc gia Lênin với nhan đề "Lý thuyết đối hợp bộ n". Đây cũng là luận án Tiến sĩ Khoa học đầu tiên về khoa học cơ bản của người Việt nghiên cứu ở trong nước và bảo vệ tại Liên Xô.

Những trái ngọt của vườn ươm trí tuệ ấy, có thể nói đã được kết tinh từ tinh thần tự học, sự quan sát tỉ mỉ, sự công phu tìm tòi và cả sự dấn thân cho khoa học. Các công trình, kết quả nghiên cứu của ông đều mới mẻ và tại thời điểm ra đời, các nhà khoa học ở Việt Nam và chính bản thân ông còn chưa khẳng định được đó có thật sự là điểm mới với thế giới hay không, vì thiếu thông tin; nhưng sự khẳng định của các tổ chức khoa học thế giới và sự phát triển sau đó đã là câu trả lời cho bản lĩnh xuất sắc của ông.

và Nhà Giáo dục đi trước thời đại!

Trong lĩnh vực sư phạm, ông cũng là người tiên phong bồi dưỡng và khởi xướng các kì thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc dành cho học sinh cấp ba và sau đó mở rộng dần ra cho học sinh cấp hai và cấp một ngay sau khi Giải phóng Thủ đô 1954, khi mà dư luận chung cho rằng miền Bắc chưa đủ điều kiện để tiến hành bồi dưỡng học sinh giỏi Toán do thiếu thiết bị, thiếu thông tin, thiếu thầy cô có trình độ chuẩn. Từ sự gieo mầm của ông và các cộng sự như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tụy…, biết bao thế hệ học sinh giỏi Toán đã trưởng thành, trở thành những tài năng Toán học vang danh trong và ngoài nước, như Giáo sư Hà Huy Khoái, Giáo sư Nguyễn Tự Cường, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giáo sư Ngô Việt Trung, Giáo sư Đinh Dũng, Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng, Giáo sư Phạm Hữu Tiệp, Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đinh Tiến Cường…

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn (đứng hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà Toán học đầu ngành của Việt Nam: Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Giáo sư Hoàng Tụy… trong một lần gặp mặt những năm 80. Ảnh: Tư liệu

Trong lĩnh vực quản lý, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng là người đã “ngược tư duy thông thường” cho rằng giáo viên dạy ở cấp học thấp thì chỉ cần đào tạo ở trình độ thấp. Ông đề xuất chủ trương tất cả giáo viên đều phải được đào tạo ở trình độ đại học, triển khai ngay sau ngày thống nhất đất nước. Với ông, giáo viên không phải là thợ dạy mà là nhà giáo dục, có thể sáng tạo nhất trong lao động nghề nghiệp của mình. Ông luôn chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức dịch và biên soạn hàng loạt tài liệu đào tạo, tham khảo cho giảng viên và giáo viên phổ thông để cải thiện tình trạng tài liệu thiếu thốn. Bằng kinh nghiệm của mình, ông cũng luôn hướng dẫn giáo viên, giảng viên phát triển năng lực bằng chính quá trình thực hành.

Ông cũng là người đề xuất chủ trương đào tạo Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ trong nước, vì căn cứ vào thực tế số người đủ khả năng và trình độ để làm luận án Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ thì nhiều nhưng chỉ tiêu gửi đi nước ngoài để đào tạo thì hạn hẹp. Khi 3 luận án Phó Tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ thành công ngày 23-4-1970 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì Nhà nước Việt Nam chính thức quyết định mở hệ nghiên cứu sinh trong nước. Nhờ vậy mà đã có hàng trăm Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam tại thời điểm đó, nuôi dưỡng, ươm mầm cho những trí tuệ kiệt xuất góp phần dựng xây, phát triển đất nước.

Ngoài ra, ông còn là người đề xuất phong trào "Dạy tốt – học tốt" tại các Khoa trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong những năm cuối của thập niên 1960, xây dựng phong cách giảng dạy mới, phong cách học tập mới, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Phong trào này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm chiến tranh.

Trong tuyển tập "Bàn về giáo dục Việt Nam", ông đã viết một số quan điểm của mình, ông quan niệm: "...Tư duy và nhân cách quan trọng hơn kiến thức... Người thầy dở là người chỉ đem kiến thức cho học trò, người thầy giỏi là người biết đem đến cho họ cách tự tìm ra kiến thức...". Rất nhiều bài viết và cuốn sách của ông, đặc biệt là cuốn “Phong cách học tập mới trong môn Toán” đã trở sách gối đầu giường của nhiều giáo viên và học sinh Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Năm 2014, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn và ba người em ruột của ông là GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu, TS Nguyễn Cảnh Hồ và GS. TS Nguyễn Cảnh Cầm đã hiến tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 4.000 tài liệu và hiện vật của gia đình Nguyễn Cảnh. Trong đó, bộ sưu tập của cá nhân GS. TSKH Nguyễn Cảnh Toàn có hơn 2.800 tài liệu...

Trọn cuộc đời Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã dành cho Toán học và thắp lửa cho những ước mơ hoài bão chinh phục những chân trời mới. Miền đất địa linh quê hương ông vì thế thêm tự hào lan tỏa truyền thống hiếu học, vươn lên thành tài. Dòng họ Nguyễn Cảnh cội nguồn của ông vì thế thêm rạng danh. Dân tộc Việt Nam vì thế thêm phần mạnh mẽ sánh vai với các cường quốc năm châu… Những lớp người mai sau vì thế luôn tràn đầy niềm tin và say mê cống hiến./.