HDC.jpg

3-1-1.jpgGiáo sư Hoàng Đình Cầu sinh ngày 1/4/1917 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Vì học giỏi, từ năm 1935, ông được chuyển từ trường Quốc học Vinh ra học tú tài tại Trường Bảo hộ (Trường Bưởi) ở Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài phần 2 năm 1937, ông thi đậu, vào học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện phụ sản. Năm 1944, ông tốt nghiệp Khoa Phẫu thuật Đại học Y khoa Đông Dương, khóa cuối cùng do người Pháp đào tạo.

gs--hoang-dinh-cau-thu-2-tu-trai-sang-tai-dai-hoi-anh-hung-chien-si-thi-dua-toan-quoc-lan-thu-5-nam-1986.jpg
GS. Hoàng Đình Cầu (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5 năm 1986

Trong kháng chiến chống Pháp, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông vừa đào tạo cán bộ y tế, vừa tham gia cứu chữa thương binh không chỉ ở bệnh viện mà nhiều khi còn bằng hình thức xe cứu thương lưu động trên các mặt trận Tuy Hòa, Huế, Hà Đông, Sơn Tây. Ông từng nhiều lần tự nguyện hiến máu để cứu sống thương binh.

Năm 1947, khi mới 30 tuổi, ông được cử làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam đóng tại Thanh Hoá. Ông đã biên soạn các bài giảng về y khoa bằng tiếng Việt đầu tiên và sau này ông cũng là tác giả của các cuốn từ điển Danh từ y dược Pháp - Việt, Từ điển y học Nga - Việt đầu tiên ở nước ta.

gs--hoang-dinh-cau-chu-tich-hiep-hoi-y-hoc-cac-nuoc-dong-nam-a-khoa-xi-doc-loi-khai-mac-hoi-nghi-yangon-myamar-ky-hop-nam-2000-.jpg
GS. Hoàng Đình Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á khóa XI đọc lời khai mạc Hội nghị Yangon-Myamar kỳ họp năm 2000.

Khi được Bộ Y tế điều về làm Vụ trưởng Vụ Huấn luyện (nay gọi là Vụ khoa học đào tạo), ông càng có cơ hội để hoàn tất các giáo trình giảng dạy bằng tiếng Việt tại các Trường Y khoa ở miền Bắc cùng với nhóm biên soạn sách giáo khoa xuất sắc thời bấy giờ như Vũ Công Hoè, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Hữu Tước, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ,… Ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn trong các năm 1954-1955.

Từ năm 1955-1958, ông được chọn cử đi tu nghiệp về phẫu thuật phổi ở Matxcơva – Liên Xô. Về nước, ông bắt tay ngay vào xây dựng và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi đầu tiên ở nước ta.

Từ 11/1955-1960, ông là Tổng Thư ký Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.

Ông đã có những công trình khoa học đồ sộ, để đời cho ngành Y tế Việt Nam. Là người đầu tiên xây dựng khoa Phẫu thuật phổi, trong ba thập kỷ (1960-1990), từ đôi bàn tay kỳ diệu đầy sinh lực, bằng khối óc thông minh và trái tim nhạy cảm, Giáo sư Hoàng Đình Cầu đã phẫu thuật thành công cho hơn 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo về phổi, kể cả lao và ung thư. Ông cũng là người đầu tiên áp dụng châm tê thay gây mê trong phẫu thuật. Đây là một thể nghiệm có tính bứt phá và tạo điều kiện cho những bệnh nhân không chịu được thuốc mê, đồng thời khẳng định giá trị của phương pháp chữa bệnh đông, tây y kết hợp

co-van-pham-van-dong-tai-dai-hoi-hoi-phau-thuat-nu-cuoi-viet-nam-nam-1991-ben-trai-la-gs-tskh--nguyen-huy-phan-ben-phai-la-gs--hoang-dinh-cau.jpg
Cố vấn Phạm Văn Đồng tại Đại hội Hội phẫu thuật nụ cười Việt Nam năm 1991 (Bên trái là GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan, bên phải là GS. Hoàng Đình Cầu)

Bằng những trải nghiệm hoạt động thực tiễn trong nghề, ông đúc rút thành lý luận về một ngành Y tế phục vụ xã hội. Lý thuyết về y - xã hội học của ông đã được áp dụng trong hoạch định đường lối phát triển toàn diện ngành y học phục vụ dân sinh và xã hội. Nhất là khi ông làm Chủ tịch Tổng hội Y – Dược học Việt Nam thì lý thuyết đó đã biến thành hiện thực với kết quả làm thay đổi chất lượng hoạt động của ngành Y tế. Trong suốt 19 năm (1971-1989), ông là Thứ trưởng Bộ Y tế, ông đã quan tâm, dành nhiều tâm huyết xây dựng các mạng lưới y tế xã, phường, thôn, bản, bệnh viện của các trường Đại học Y, và đặc biệt ông có các chương trình huấn luyện, đào tạo cán bộ y tế cơ sở có ý nghĩa rất thiết thực trong việc cung cấp cán bộ phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như vậy, từ một nhà phẫu thuật lồng ngực, ông đã dành nhiều công sức xây dựng cả về lý thuyết lẫn thực hành của một môn rất mới ở nước ta đó là môn Y - Xã hội học. Ông là nhà Y – Xã hội học đầu tiên ở nước ta, đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu vào vị trí chiến lược bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Từ năm 1981-1984, ông là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.

Từ năm 1984-12/2000, ông là Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.

Trong những năm1985-1988, ông là Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Từ tháng 10/1999, ông là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á.

uy-ban-trung-uong-mat-tran-to-quoc-viet-nam-trao-huan-chuong-doc-lap-hang-ii-cho-ahld--ngnd--gs-bs--hoang-dinh-cau-nam-1994.jpg
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Huân chương Độc lập hạng II cho AHLĐ. NGND. GS.BS. Hoàng Đình Cầu năm 1994

Tiếp tục công việc mà Giáo sư Tôn Thất Tùng đã đặt nền móng, từ năm 1982, với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu chất độc màu da cam quốc gia (UB 10-80), ông đã đi sâu vào việc hệ thống hoá những nghiên cứu chất độc khủng khiếp mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, được các nhà khoa học thế giới công nhận, góp phần để đấu tranh với chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân chất độc dioxin tại Việt Nam.

Ông đã có công lớn trong việc cho ra mắt 4 cuốn Từ điển Bách khoa phổ thông và 4 cuốn Bách khoa thư bệnh học. Ông còn viết nhiều bài báo có giá trị phục vụ cộng đồng, đọc, dịch rất nhiều sách, tài liệu y học nước ngoài ra tiếng Việt để đào tạo cán bộ cho ngành…

Sự nghiệp khoa học của Giáo sư Hoàng Đình Cầu đã góp phần đáng kể xây dựng ngành Y tế nước nhà hoà nhập từng bước vào nền y học hiện đại thế giới

4-1.jpg

8.jpg

Giáo sư Hoàng Đình Cầu không khoa trương, sống giản dị, rất gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng thương yêu bệnh nhân – nhất là bệnh nhân nghèo. Ông từng viết: “Nguyện vọng tha thiết cháy bỏng của tôi là xây dựng một nền Y học Việt Nam hiện đại, góp phần từng bước nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống mọi người dân, đặc biệt là của người dân lao động bình thường”. Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại ngày 4.4.2005 cho Hội đồng biên tập cuốn Danh nhân Y học thế giới của Hội Y học thế giới (World Mediacal Asociation), Giáo sư nói bằng tiếng Pháp: "Trong 60 năm hành nghề y khoa của tôi, đối tượng mà tôi luôn phấn đấu để phục vụ là những người nghèo khổ, những trẻ em mồ côi, những nạn nhân chiến tranh". Khi trả lời câu hỏi: "Nhân vật lịch sử nào mà ông ngưỡng mộ nhất và có ảnh hưởng đến cuộc đời hoạt động của ông?", Giáo sư Cầu đã không ngần ngại trả lời ngay: “Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vượng, nguyên Chủ tịch Hội giải phẫu bệnh – Tế bào bệnh học Việt Nam đánh giá: “Hoàng Đình Cầu không chỉ là giáo sư về y học, mà trong con người giáo sư còn là nhà tư tưởng, nhà triết học trong y học, một nhà xã hội học trong y học, một nhà nhân đạo, nhân văn trong y học”. Giáo sư Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết: "Giáo sư Hoàng Đình Cầu là một lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam".

anh-4.jpg

Ông là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1985-2000), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Đức, Chủ tịch các Làng Hoà Bình tại Việt Nam, được vinh danh là Danh nhân Y học thế giới.

Giáo sư Hoàng Đình Cầu đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Tên tuổi của Giáo sư còn được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân.

Ông mất ngày 18-7-2005 tại Hà Nội.

bo-y-te-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-co-giao-su-hoang-dinh-cau.jpg
Bộ Y tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Giáo sư Hoàng Đình Cầu

Hơn 60 năm cống hiến cho nền Y học nước nhà, cùng với các Giáo sư, Bác sĩ hàng đầu như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Hoàng Đình Cầu,... họ là những người thầy lớn của nhiều thế hệ Thầy thuốc Việt Nam, là những ngôi sao khuê mãi mãi lấp lánh, không thể phai mờ trên bầu trời Y học Việt Nam.

(nguồn: NTV)

Anh Đặng