Khiếu nại hành chính là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống) khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trình tự, thủ tục giải quyết đối với khiếu nại này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại năm 2011.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chính là trách nhiệm, là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy theo mức độ và phạm vi, việc giải quyết khiếu nại hành chính có thể thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các cá nhân ở các cấp khác nhau, từ Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đến Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra các cấp, Thủ tướng Chính phủ. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính của các đối tượng này được quy định cụ thể tại Chương III, Mục 1, từ Điều 17 đến Điều 26 của Luật Khiếu nại.
Tố cáo là việc công dân, cá nhân báo với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về bất kì hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà họ cho rằng hành vi ấy vi phạm pháp luật hoặc vi phạm qui định của tổ chức, cộng đồng đã gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, tổ chức, cộng đồng hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cá nhân.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định tại Chương III, Mục 1, từ Điều 12 đến Điều 17 của Luật Tố cáo năm 2011. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 31 Luật Tố cáo.
Hiến pháp năm 1992 quy định “Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” (Điều 83), “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”(Điều 84) nghĩa là không có bất kỳ một hoạt động nào của các cơ quan nhà nước là không thuộc đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội , do đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng là hoạt động chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội.
Về bản chất, quyền giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân không phải là một “nhánh” quyền lực độc lập được quy định trong Hiến pháp mà nó là quyền phái sinh từ quyền giám sát tối cao của Quốc hội, là một bộ phận của quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện quyền này là một trong những yếu tố đo lường mức độ hiệu quả của quyền giám sát tối cao và cũng là một trong những yếu tố khẳng định vị trí pháp lý của Quốc hội trong thực tiễn vận hành của cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước.
Như vậy, có thể hiểu quyền giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền của Quốc hội tiến hành các biện pháp giám sát tối cao nhằm bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thi hành nghiêm chỉnh.
Quốc hội bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung và việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng thông qua các phương thức như bằng hoạt động lập hiến, lập pháp, bằng hoạt động giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của mình, bằng hoạt động quyết định những vấn đề cơ bản quan trọng nhất của đất nước. Trong đó hoạt động giám sát tối cao việc tuân thủ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một phương thức thực hiện quyền lực của nhân dân có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể là:
- Việc khiếu nại, tố cáo của công dân một mặt biểu hiện quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với bộ máy nhà nước, mặt khác lại là nguồn thông tin quan trọng cho hoạt động giám sát. Thông qua công tác này mà Quốc hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những yêu cầu bức xúc của người dân và qua đó có những giải pháp kịp thời, phù hợp góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, nếu hoạt động giám sát có hiệu quả sẽ làm cho quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được bảo đảm và thực thi thống nhất trong cả nước đồng thời góp phần xây dựng được một bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
- Một mặt, qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân và điều kiện của khiếu nại, tố cáo của công dân, từ đó tự mình hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Mặt khác, trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thì Quốc hội có thể phát hiện những tồn tại trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân này trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giúp các đối tượng chịu sự giám sát nhận thấy những tồn tại trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó có giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, chấn chỉnh về mặt tổ chức, hoạt động, góp phần tích cực vào cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, qua hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Quốc hội có khả năng thu thập được nhiều thông tin, làm cơ sở cho việc giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp ý với Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên phạm vi toàn quốc.
- Việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội không chỉ tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát mà còn có sự liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, thông qua hoạt động giám sát đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Quốc hội có thể phát hiện những bất cập trong hệ thống pháp luật cũng như trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, phát hiện những vấn đề nào, quan hệ nào cần có sự điều chỉnh của pháp luật, những quy định nào, chế định nào không còn phù hợp với thực tiễn để từ đó có những sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đồng thời, hoạt động giám sát giúp Quốc hội có thể hoạch định những chính sách lớn và quyết định những vấn đề quan trọng được sát với thực tiễn, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Như vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhất là việc ban hành những quy định bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo và xây dựng cơ chế giải quyết hiệu quả những khiếu nại, tố cáo của công dân.
Khi tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số bài học kinh nghiệm được các đại biểu Quốc hội rút ra như sau:
1. Để công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của công dân thì người đại biểu phải có quyết tâm cao, không ngại va chạm, biết bức xúc trước những bức xúc của nhân dân để trên cơ sở đó tìm hiểu tường tận vấn đề, phân tích đúng, sai. Nếu thấy trong quá trình giải quyết có dấu hiệu sai phạm thì biết lựa chọn hình thức giám sát thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cho hoạt động giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
2. Người đại biểu phải nghiên cứu, bám sát các văn bản pháp luật trong từng thời kỳ, đặc điểm phong tục, tập quán của từng khu vực để đảm bảo khách quan trong việc giám sát cũng như việc xem xét, đánh giá quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng đúng hay chưa đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó phát hiện ra các dấu hiệu sai phạm, tổ chức giám sát, làm rõ những cơ sở pháp lý đề nghị các cơ quan chức năng khắc phục.
3. Bản lĩnh là yếu tố không thể thiếu được của người đại biểu nhân dân. Không có bản lĩnh, người đại biểu không dám tổ chức giám sát các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có bản lĩnh nhưng cũng cần phải có phương pháp mềm dẻo, vừa giám sát chỉ ra cái sai, vừa phải biết thuyết phục để các cơ quan, cá nhân làm sai thấy được cái sai để khắc phục.
4. Cuối cùng là phải biết “đeo bám” đến kết quả cuối cùng. Giám sát phát hiện vấn đề mới là kết quả bước đầu. Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Đoàn sau giám sát mới có thể đánh giá được kết quả giám sát. Do vậy, cần phải theo dõi thời gian các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện kiến nghị, nếu chưa thấy báo cáo kết quả thì phải có hình thức đôn đốc cho đến khi thực hiện xong./.
TTBDDC