Tránh vướng đâu, làm đó
Huyện Nghi Lộc là một trong những trọng điểm kinh tế của tỉnh với nhiều dự án được triển khai đầu tư với yêu cầu công tác giải phóng mặt lớn. Bởi vậy, đây là nhiệm vụ được các cấp uỷ ở Nghi Lộc xác định trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Ở xã Nghi Văn, thời gian qua, ngoài thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 07 ha của 04 dự án quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất ở thì địa phương còn có dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp Trung Đô với quy mô hơn 46 ha cũng được thực hiện giải phóng mặt bằng thuận lợi.
Kinh nghiệm ở xã Nghi Văn, cấp uỷ, chính quyền xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và phải làm có kết quả đột phá ban đầu, tránh điểm ì, dây dưa kéo dài về sau. Từ xác định rõ quan điểm, tư tưởng như vậy, cho nên xã tiến hành phân công từng tổ, nhóm trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân. Từng tổ, nhóm tuyên truyền này được gắn cụ thể với từng nhóm hộ gia đình bị ảnh hưởng của dự án, thông qua họp dân công bố chủ trương, dự án, cấp uỷ, chính quyền đã nhận định tình hình và phân hoá rõ nhóm đối tượng để tác động. Và ở mỗi tổ, nhóm tuyên truyền đều được cấp uỷ định hướng cụ thể phương pháp tuyên truyền, cách thức vận động tạo sự thuyết phục; hộ dễ làm trước và những hộ khó làm sau với việc tranh thủ cả vai trò, tác động của Tổ liên gia cùng các mối quan hệ anh em, bạn bè, kể cả con cái trưởng thành xa quê của chủ hộ gia đình tác động để họ ủng hộ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, làm công tác giải phóng mặt bằng phải triển khai tổng lực, ồ ạt cùng một lúc theo hình thức “chia nhỏ” để tác động đồng loạt từ các tổ, nhóm tuyên truyền, tránh vướng đâu, làm đấy thì “bể” ngay. Bên cạnh đó, dù cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm đã xây dựng được niềm tin trong Nhân dân, song không thể chủ quan; để tránh sự nghi kỵ trong Nhân dân rằng cấp uỷ, chính quyền “ăn rơ” với doanh nghiệp trong giá đền bù, địa phương đã mời lãnh đạo huyện cùng phòng chuyên môn cấp huyện về họp dân để công khai về chủ trương, giá đền bù các loại đất, quy trình thực hiện, tạo sự công khai, minh bạch để người dân yên tâm. Và trong đối thoại cũng phân hoá nhóm hộ gia đình, tránh người nói xuôi, người nói ngược, khó tìm sự đồng thuận chung trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Chính nhờ có phương pháp, dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp Trung Đô với quy mô hơn 46 ha chỉ sau hơn một tháng là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với xã Nghi Thuận, thời gian qua, trọng điểm trong công tác giải phóng mặt bằng của cấp uỷ, chính quyền nơi đây là dự án khu công nghiệp Hemaraj với tổng diện tích cần giải phóng hơn 93 ha đất nông nghiệp và giải phóng mặt bằng, di dời hơn 600 ngôi mộ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, khó khăn trong giải phóng mặt bằng đối với dự án này, ngoài băn khoăn của người dân về giá đền bù thấp thì trên địa bàn Nghi Thuận trước đó đã có 2 dự án Khu A, Khu công nghiệp Nam Cấm và đường N5, bây giờ thêm dự án Hemaraj với diện tích thu hồi lớn, trong đó có nhiều hộ dân bị thu hồi hoàn toàn đất nông nghiệp, cho nên họ băn khoăn, người trẻ thì còn có cơ hội tìm việc làm trong khu công nghiệp, còn người trên 60 tuổi không biết làm gì. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, địa phương đã tập trung tuyên truyền về chủ trương dự án cũng như chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Đảng uỷ thành lập các tổ công tác, trong đó đáng quan tâm là tổ tuyên truyền, vận động và tổ thực hiện chính sách. Ở mỗi tổ đều được xác định rõ các nội dung, công việc để tập trung đi sâu các nội dung; như đội chính sách thì nhiệm vụ rà soát, xác định nguồn gốc đất nông nghiệp, lập hồ sơ bồi thường cùng với Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện. Tổ tuyên truyền, vận động huy động cả hệ thống chính trị tham gia, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng trong tuyên truyền các đoàn viên, hội viên thực hiện; đồng thời tranh thủ Hội đồng mục vụ và các chức sắc, chức việc để tuyên truyền, vận động nhân dân. Đối với những băn khoăn về việc làm cho người trên 60 tuổi, địa phương cũng lấy thực tế từ xã Nghi Xá có nhiều hộ dân cũng bị thu hồi đất hoàn toàn đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ khi khu công nghiệp phát triển, thu hút nhiều lực lượng lao động vào làm việc sẽ kéo theo nhiều dịch vụ phát triển.
Đề cao vao trò trách nhiệm cấp uỷ
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 64 dự án cần phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bao gồm 37 dự án do Nhà nước thu hồi đất; 18 xã có dự án chia lô đất ở (30 vị trí được quy hoạch); 9 dự án thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần được UBND huyện hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển nhượng, thu hồi đất.... Trong đó có nhiều dự án quan trọng, như Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An; dự án đường Vinh – Cửa Lò; dự án mở rộng Khu A, khu công nghiệp Nam Cấm; đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535; dự án giao thông trục chính dọc thị trấn Quán Hành (đường 35m)…
Theo khẳng định của đồng chí Hồ Nam - Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các dự án triển khai trải khắp và tất cả các xã đều phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngoài trách nhiệm của các xã, ở mỗi dự án lớn, Huyện uỷ đều thành lập ban chỉ đạo và 2 tổ công tác. Trách nhiệm của các tổ là đi sâu, đi sát từng dự án, từng cơ sở, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để đề xuất với chủ đầu tư bổ sung thêm một số chính sách ngoài chính sách đền bù theo quy định, như hỗ trợ khu dân cư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, đường giao thông hoặc hỗ trợ thêm thiệt hại về hoa màu…
Về vai trò của Thường trực Huyện uỷ là rà soát, đốc thúc các ngành, địa phương; đưa vào tiêu chí thi đua, đánh giá năng lực công tác dân vận của từng cơ sở, trên cơ sở đó khích lệ những đơn vị làm tốt và phê bình những đơn vị chưa có phương pháp “dận vận khéo” để đem lại hiệu quả công việc cao; kể cả trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở và công chức địa chính để tiến hành điều chuyển, luân chuyển cán bộ. Thường trực Huyện uỷ cũng là những người đứng “mũi chịu sào” trong việc xử lý các vấn đề khó. Những hộ chưa đồng thuận, đích thân từng đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ trực tiếp vào cuộc, gặp gỡ, vận động, thuyết phục từng hộ cụ thể. Thông qua chia hộ để tác động và gác mũi khó, tạo ra sự thúc đẩy công việc, khắc phục được tư tưởng ngại “dấn thân” vào việc khó như giải phóng mặt bằng ở một số đồng chí trong cấp uỷ. Mặt khác, bên cạnh chỉ đạo UBND huyện và cấp xã tăng cường đối thoại (bình quân mỗi dự án tổ chức 5 - 6 cuộc đối thoại và riêng dự án Hemaraj có hơn 10 cuộc) thì Thường trực Huyện uỷ cũng tiến hành một số cuộc đối thoại với dân nhằm tìm tiếng nói chung trong giải phóng mặt bằng…
Bằng sự sáng tạo trong “dân vận khéo”, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Nghi Lộc đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án, không tạo điểm “nóng” phức tạp trong công tác này.
Phương Thảo