Cụ thể, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh; 600.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác. Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, nhưng cũng có khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp.
Đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhận định, làn sóng dịch chuyển về quê dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày. Lực lượng này về quê cũng gặp khó khăn khi tìm việc mới, vì vậy, các cơ quan cần có chính sách quy hoạch tổng thể về việc làm, phục hồi thị trường lao động.
Đây chắc chắn là nhiệm vụ không dễ dàng với hầu hết các địa phương bởi thực tế, một số địa phương có nhiều lao động trở về cũng đã phải chịu ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh. Ở góc nhìn khác, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, công tác quy hoạch vùng tới thời điểm này chưa thực sự tốt. Đơn cử như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thách thức nghiêm trọng về vấn đề di cư, dân số, việc làm, trong khi đây là vùng nông nghiệp của cả nước, sản lượng thủy sản chiếm khoảng 70%. Lực lượng lao động khu vực này di dân tới thành phố lớn làm việc ngày càng tăng, dân số sụt giảm, ảnh hưởng an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra các giải pháp như nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động; tổ chức kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; chuẩn bị phương án huy động nguồn nhân lực như học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định; xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý. và cuối cùng là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Đây là những giải pháp cần thiết, tuy nhiên vấn đề mấu chốt là triển khai thực hiện như thế nào bởi người lao động cần mưu sinh nhưng phải bảo bảo an toàn sức khoẻ. Doanh nghiệp thì cần hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất.
Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III.2021. Đó là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 49,1 triệu người, tăng hơn 1,8 triệu so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,56%, so với 3,98% quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng thêm 130.000 đồng, đạt 5,3 triệu đồng.