Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về một số kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2021”, ĐBQH, Phó Trưởng Ban Dân nguyện HOÀNG ANH CÔNG cho rằng, chuyên đề giám sát sẽ đưa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào thực chất. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là đeo bám quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác tổ chức thực thi cũng như phát hiện quy định pháp luật có bất cập để sửa đổi, bổ sung.

Đề cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền

- Qua làm việc trực tiếp và nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, ông đánh giá như thế nào về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua?

- Trong những năm qua, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua các đợt sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35 đã được Chính phủ, bộ ngành và UBND các địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm túc.

dua-cong-1659654722561.jpg

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, kết quả giải quyết số vụ việc khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 23,1%; số vụ việc tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 31%. Điều này cho thấy chất lượng của công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, có sai phạm, làm gia tăng tình hình khiếu nại, tố cáo. Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát như: sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, cũng như một số văn bản hướng dẫn thi hành về nội dung quan trọng, phức tạp được Luật quy định; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị… Thực hiện tốt các kiến nghị, đề xuất sau giám sát để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng đòi hỏi, mong muốn của người dân. ĐBQH, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Các quy định hiện hành về cơ bản đã giải quyết những bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, điều chỉnh những vấn đề thực tiễn phát sinh về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại các văn bản quy định pháp luật đều đề cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, với các văn bản hướng dẫn thi hành nhìn chung đều chậm so với thời điểm có hiệu lực của các Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cá biệt, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018 chậm ban hành nên nhiều sửa đổi quan trọng của Luật chậm được triển khai. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực chưa đồng bộ; cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi nhiều qua các giai đoạn, thiếu quy định chuyển tiếp, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn nên khi giải quyết không có đủ cơ sở pháp lý hoặc gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, nhất là các vụ việc liên quan đến cơ chế, chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

- Với quá trình thực thi pháp luật, qua giám sát tại các bộ, ngành và địa phương, theo ông có những vấn đề nào cần chú ý?

- Đối với quá trình thực thi pháp luật, tôi nhận thấy, chúng ta cần chú ý đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi, thực tế còn có lúc, có nơi, người đứng đầu cơ quan hành chính chưa thực hiện đúng, đủ quy định của pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng. Việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan có thẩm quyền còn hình thức.

Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế dẫn đến khiếu nại, tố cáo không đúng.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Một số bộ ngành và phần lớn các địa phương đều đã xây dựng riêng và sử dụng độc lập hệ thống phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, có địa phương tồn tại từ 2 đến 3 hệ thống phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, các hệ thống phần mềm này lại chưa được tích hợp, chưa bảo đảm tính liên thông, chia sẻ dữ liệu nên hiệu quả khai thác chưa cao và có phần gây lãng phí. Do vậy, cần quan tâm nghiên cứu, sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Giám sát liên tục, thường xuyên

- Qua làm việc trực tiếp với 8 bộ ngành, 6 địa phương, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn một số vụ việc cụ thể để giám sát sâu hơn. Ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành quy định pháp luật trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài?

- Những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ quy định pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan hành chính các cấp ở địa phương, cũng như từ phía người dân. Thực tế ghi nhận một số vụ việc đã được giải quyết đúng, thấu tình đạt lý, nhưng người dân không đồng ý, vẫn tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Những nguyên nhân này tùy theo từng vụ khiếu kiện, tố cáo cụ thể sẽ có mức độ thể hiện khác nhau.

Qua đánh giá bước đầu về các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, tôi nhận thấy, đa số các vụ việc này đều thuộc lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng. Những vấn đề nêu trên đang được xem xét tháo gỡ, khắc phục trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, qua đó giúp bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Nhà nước, người dân sẽ được thực hiện bình đẳng, hài hòa. Tất nhiên, cũng cần quan tâm xây dựng các điều khoản chuyển tiếp cụ thể, rõ ràng, chi tiết để tránh phát sinh khiếu kiện mới, gây bất ổn chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, một vấn đề cần chú ý thực hiện là các cấp chính quyền địa phương cần có quyết tâm cao, tích cực phối hợp với doanh nghiệp để có cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người dân ổn định nơi ở, việc làm. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng cần chú ý thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giải đáp, giáo dục pháp luật cho người dân, giúp họ nhận thức rõ vụ việc đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, không tiếp tục khiếu kiện nữa. Những công tác này được quan tâm thực hiện trong thời gian tới chắc chắn sẽ làm giảm áp lực khiếu nại, tố cáo.

- Ông kỳ vọng thế nào về những chuyển biến sau giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

- Có thể thấy, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện hàng năm trong nhiều năm qua. Ban Dân nguyện được giao chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác này. Nhưng, giám sát chuyên đề lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan, khái quát hơn khi nhìn xuyên suốt việc xây dựng và thực hiện quy định pháp luật liên quan trong 5 năm. Qua quá trình này cũng sẽ giúp xác định những định hướng về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng sẽ không chỉ dừng ở trong thời kỳ 5 năm (từ 1.7.2016 - 1.7.2021). Kết quả giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo tiền đề cho thực hiện giám sát hàng năm về nội dung này trong thời gian tới. Nói cách khác, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ được thực hiện liên tục, nhất là đeo bám quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp. Thực hiện như vậy sẽ giúp chúng ta kịp thời chấn chỉnh công tác thực hiện, cũng như phát hiện quy định pháp luật có bất cập để kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo ĐBND)