Tôi gặp ông năm 2021, khi đó ông đã 88 tuổi, tuổi hồ sơ là 89. Trong cuộc đời của mình, ông đi và đến nhiều nơi, từng là cán bộ ngành quân khí, là bộ đội tham gia chống thực dân Pháp, nhưng như một cơ duyên kỳ lạ của số phận, ông trở thành phóng viên. Ông là Thái Ngô Dương – một trong những người từng giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Nghệ An.
Từ cậu bé lớp truyền bá Quốc ngữ đến anh lính quân giới
Ông Thái Ngô Dương - nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn |
Sinh năm 1933, trên vùng quê nghèo ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, cũng như nhiều chúng bạn cùng lứa ngày ấy, cậu bé Thái Ngô Dương ngày hai bữa theo mẹ ra đồng mò cua, bắt cá. Cha cậu cũng thoát ly, công tác trong ngành Quân giới, nhưng ngày đó, lương thưởng chẳng đáng là bao, làm việc trên tinh thần cống hiến cho cách mạng là chủ yếu.
Năm 12 tuổi, Thái Ngô Dương tham gia khóa học truyền bá chữ Quốc ngữ của Hội Hướng đạo sinh tỉnh. Con đường thoát ly của cậu bé nghèo có lẽ bắt đầu từ đây. Sau khóa học, Thái Ngô Dương tham gia bộ đội, là liên lạc viên cho Tiểu đoàn 274, Trung đoàn 18, Liên khu 4 đóng tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ông Thái Ngô Dương kể, giai đoạn này (1947-1949), ngoài làm công tác thông tin liên lạc, ông còn phải tham gia tiếp nhận, chôn cất các liệt sĩ sau các trận chiến đấu với quân địch. Với một cậu thiếu niên mới lớn, mỗi ngày đều phải chứng kiến bộ đội ta hy sinh, thi thể được quấn bằng vải vuông lót lá cọ rồi lấp đất là điều quá sức, nhất là đối với một cậu trai non nớt. Từ Quảng Bình, ông xin về lại quê hương và được bố xin cho vào làm liên lạc văn thư thuộc Công đoàn Quân giới Liên khu 4. Hàng ngày đạp xe từ Rộ đến chợ Chùa (Thanh Chương) rồi lại vòng sang Ba-ra (Đô Lương) để chuyển thư, báo. Ông kể, ngày đó vì bé quá, không thể ngồi trên yên xe như người khác mà phải xỏ chân vào khung xe để đạp, vậy nên đi cả chặng đường dài rất mệt nhọc.
Năm 1951, Sở Quân giới Liên khu 3 và 4 sáp nhập lại thành một đơn vị, thừa một số cán bộ, nhân viên nên ông phải nghỉ. Trở về nhà, chàng thanh niên thi đỗ vào Trường cấp 2 Đô Lương. Để có tiền học, Thái Ngô Dương phải đi làm thuê. “Thời gian biểu” một ngày của chàng trai 17 tuổi là: Buổi ngày đi làm thuê, học nghề thợ mộc, buổi chiều và tối từ 17 - 21h học văn hoá. Hai năm sau, Dương học xong lớp 6. Cũng vào thời điểm này địa phương tuyển bộ đội, cậu đăng ký xung quân. Dương “bí mật” cho đá vào túi quần cho đủ cân nặng, may cũng được trúng tuyển.
Thế rồi, Thái Ngô Dương đã trở thành người chiến sĩ quân đội, anh được biên chế vào Trung đoàn huấn luyện 44, Quân khu 4. Hòa chung không khí hừng hực chống thực dân Pháp của cả nước, sau khi huấn luyện xong, Thái Ngô Dương cùng đồng đội tham gia chiến đấu vùng địch hậu, trải dài từ Ninh Bình đến Nam Định. Năm 1954, Tiểu đội trưởng Thái Ngô Dương dẫn tiểu đội áp sát Đồn Lạc Quần (Nam Định) của Pháp nhằm nghiên cứu địa hình, tọa độ, trên cơ sở đó để tiểu đội sử dụng súng Móc-chi-ê bắn phá hoại pháo của giặc. Không cho pháo từ đây chi viện để bộ đội ta chiếm được Đồn Long Biên Hải Hậu. Trận đánh thắng lợi, ngày 30/4/1954, người thanh niên Thái Ngô Dương được kết nạp vào Đảng.
Những năm tháng sau đó, anh trải qua nhiều vị trí công tác của quân đội, từ trắc thủ pháo binh, đến trợ lý bản đồ, rồi đến giáo viên văn hoá Trung đoàn 44, Sư đoàn 328 (Bộ Tư lệnh phòng không). Đến năm 1960, Thái Ngô Dương tham gia học khóa nghiệp vụ của Bộ Nội thương và trở thành cán bộ nghiên cứu Sở Thương nghiệp Việt Bắc…
Duyên làm báo...
Đồng chí Trần Hữu Nghĩa - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An ân cần thăm hỏi sức khỏe và gửi lời chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tới gia đình ông Thái Ngô Dương. Ảnh: Đình Tuyên |
Khi còn là cán bộ nghiên cứu Sở Thương nghiệp Việt Bắc, trong một lần đi công tác với đồng chí giám đốc sở, nhận thấy ở đâu cũng xuất hiện tình trạng ngăn sông, cấm chợ. Trở về, ông Thái Ngô Dương viết bài góp ý đăng trên Báo Việt Nam độc lập (tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập). Và sau đó, người cán bộ thương nghiệp Thái Ngô Dương thỉnh thoảng vẫn viết bài gửi đăng báo. “Lúc đó, đồng chí Lâm Ngọc Thụ - Phó Tổng Biên tập Báo Việt Nam độc lập nhận thấy Thái Ngô Dương có năng khiếu làm báo, nên đề nghị Ban Tổ chức Khu ủy Việt Bắc cho về báo làm phóng viên” – ông Thái Ngô Dương chia sẻ về bước ngoặt trở thành người làm báo của mình.
Còn cái duyên với Báo Nghệ An, ông Thái Ngô Dương cho biết, khi còn làm ở Việt Bắc, thỉnh thoảng ông tham gia hội họp ở Hà Nội. Trong những lần đó, ông được gặp ông Nguyễn Hường – Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Là anh em đồng hương, hiểu nhau, quý mến nhau nên ông Nguyễn Hường nhiều lần đề nghị ông Thái Ngô Dương về quê đóng góp cho Báo Nghệ An. Thế là ông trở về quê, trở thành một thành viên của Báo Nghệ An.
Khi Báo Nghệ An và Báo Hà Tĩnh sáp nhập thành Báo Nghệ Tĩnh (1976), ông Thái Ngô Dương giữ vai trò Thư ký tòa soạn rồi được đề bạt lên Phó Tổng biên tập. Đến năm 1991, khi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chia tách để tái lập tỉnh, ông được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Đến năm 1994, ông nghỉ hưu, trở về sống một cuộc đời thanh đạm tại xóm Yên Trung (nay là xóm Tân Trung Thịnh), xã Yên Sơn, huyện Đô Lương.
Ông từng nói rằng, mình thấy vui khi trở thành một phần của Báo Nghệ An. Ông chưa ngừng đọc báo một ngày nào, và cũng không bỏ sót bất cứ bài báo nào. Ông vẫn nhớ như in từng gương mặt, từng cây bút của tờ báo Đảng. Ông mong Báo Nghệ An không ngừng nâng cao chất lượng, đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân, quan tâm các vấn đề thời sự nóng có tính chiến đấu cao. Bên cạnh đó, trong xu thế hiện nay, Báo cũng cần tập trung đổi mới toàn diện và sâu sắc; bài không cần dài mà cần hơn là sự sắc sảo. Có như vậy, Báo Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ tỉnh và đông đảo công chúng.
Đồng chí Thái Ngô Dương
Sinh ngày: 18/04/1933
Quê quán: Xóm Tân Trung Thịnh - xã Yên Sơn - huyện Đô lương - tỉnh Nghệ An.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng đã được các con cháu cùng các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào lúc 19h ngày 02/02/2023 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Quý Mão), hưởng thọ 90 tuổi.Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 03 tháng 02 năm 2023 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão) tại nhà riêng ở xóm Tân Trung Thịnh, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Lễ truy điệu và đưa tang vào lúc 7h ngày 04 tháng 02 năm 2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão).
An táng tại nghĩa trang quê nhà, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.