111-1.jpg

st0.jpg

Vào những năm đầu thế kỷ 20, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, hàng trăm thanh niên yêu nước Nghệ An đã vượt núi băng rừng, xuất dương ra nước ngoài hoạt động để tìm con đường giải phóng dân tộc.Với lòng yêu nước và căm thù giặc, khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, được tiếp thu ánh sáng của Học thuyết Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga, Lê Hồng Phong trở thành một người Cộng sản tiêu biểu của Quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, trọn đời đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ chí Minh đã chọn.

st1.jpg

Thuở nhỏ, Lê Hồng Phong có tên khai sinh là Lê Văn Dục, sinh ngày 6-9-1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Bắt đầu đi học trường làng đổi tên là Lê Huy Doãn, khi rời quê hương đi xuất dương ra nước ngoài hoạt động đổi tên là Lê Hồng Phong.

Thân phụ là ông Lê Huy Quán, con trai trưởng của cụ Lê Văn Lệ, là hậu duệ đời thứ 12 của họ Lê ở Nghệ An, một dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học và khoa bảng. Ông Quán tham gia trong đội hát phường vải của làng Đông Thôn, thường đi hát giao lưu với các phường vải của huyện Nam Đàn. Tính ông khảng khái, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Ông học hết bậc Tú tài, nhưng con đường công danh thi cử lại lận đận nên các khoa thi sau đều không đậu. Ông ở nhà mở lớp dạy học, cùng vợ làm ruộng và nuôi dạy các con. Thân mẫu của Lê Huy Doãn là bà Phạm Thị Thứ (còn gọi là Sáu, người tổng Nam kim, huyện Nam Đàn). Bà Thứ là con gái của Cụ Tú Phạm Côn, vừa đẹp người, lại đẹp nết, hát phường vải hay nhất vùng. Khi về làm dâu trưởng tộc họ Lê, bà luôn chiều chồng, thương con, siêng năng, chăm chỉ, lo chu toàn mọi công việc của họ tộc, giàu lòng nhân ái, hay giúp đỡ mọi người.

tbt-le-hong-phong-8335-1.jpg

Ông bà sinh được 5 người con, hai trai, ba gái, Doãn là con thứ tư. Lê Huy Doãn thông minh từ thuở bé, sáng dạ, chăm làm, ham học và ngoan ngoãn, luôn được dân làng và bạn bè cùng trang lứa yêu mến. Ông bà Tú Quán và mọi người luôn đặt niềm tin yêu vào tương lai ở Doãn.

Sau khi Lê Huy Doãn thi đậu bằng Sơ học yếu lược, ông Quán bị bệnh qua đời, mẹ cũng đau yếu nên Doãn phải nghỉ học. Để có tiền lo thuốc thang cho mẹ và nuôi em, Doãn đã ra Vinh, xin làm thư ký cho hiệu buôn Thuận Ký người Hoa, ở khu vực Cửa Tiền để có điều kiện học thêm tiếng Pháp. Thời gian làm thuê ở Vinh, Doãn làm quen được với nhiều anh anh chị em làm thuê bốc vác và những người phu kéo xe ở chợ Vinh. Khu vực Cửa Tiền, nơi Doãn làm việc có nhiều anh chị em công nhân làm thợ ở nhà máy Diêm Vinh Bến Thủy. Trong số họ, Lê Huy Doãn có cảm tình nhất với anh thợ điện có tên là Phạm Thành Khôi. Anh Khôi lớn tuổi hơn Doãn, quê ở làng Xuân Nha, cạnh sông Lam (nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên). Trước khi đi làm công nhân, Phạm Thành Khôi đã học tại Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh. Anh đọc thông viết thạo tiếng Pháp và tiếng Hàn. Để có tay nghề giỏi, Phạm Thành Khôi đã ra Hải Phòng thi vào học tại trường kỹ nghệ thực hành. Lê Huy Doãn rất cảm phục đức, tài của Phạm Thành Khôi và anh cũng muốn đi làm công nhân ở Vinh Bến Thủy. Phạm Thành Khôi đã xin cho Doãn vào nhà máy Diêm làm cùng bộ phận.

1-1597637968600369676643.jpg
Xã Hưng Thông - Quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ngày nay

Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn rất hợp tính nhau, họ rất hiểu những mánh khóe và sự bóc lột thậm tệ của bọn chủ đối với anh chị em công nhân. Không thể ngồi nhìn cảnh anh chị em công nhân trong nhà máy bị đánh đập, cúp lương, chị em phụ nữ luôn bị bọn cai, kíp trêu gẹo làm nhục, có người bị đánh đến chết, từ năm 1922 đến 1923, Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi đã bàn với anh em công nhân như Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Thị Nình, Nguyễn Thị Bảy vận động anh chị em công nhân đoàn kết đấu tranh để đòi các quyền lợi chính đáng. Cuộc đấu tranh của công nhân thắng lợi, nhưng bọn chủ đã đuổi việc những người lãnh đạo, trong đó có Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi. Sau khi bị đuổi việc, sau gần 4 năm (1920-1923) ra Vinh làm thuê cho hiệu buôn và làm công nhân trong nhà máy Diêm, được tiếp xúc với các thành phần lao động trong xã hội, đã giúp Lê Huy Doãn trải nghiệm và trưởng thành. Kể từ năm Giáp Tý, cuộc đời Lê Huy Doãn bắt đầu bước sang trang mới. Năm 1924 đi xuất dương, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong) đã trở thành một chiến sĩ hoạt động xuất sắc của Quốc tế Cộng sản.

st2.jpg

Cuối năm 1923, cụ Phan Bội Châu đã cử Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu về nước để đưa thanh niên đi xuất dương ra nước ngoài hoạt động. Được các ông bà: Vương Thúc Oánh, Ngô Quảng, Trần Thị Trâm, Võ Trọng Đài, Võ Trọng Ân giúp đỡ, sau Tết Nguyên Đán, Lê Huy Doãn cùng 15 thanh niên đã tạm biệt người thân và quê hương để lên đường xuất dương. Trước khi đi, đoàn xuất dương Lê Huy Doãn đã đổi tên là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái,Trương Văn Thanh đổi tên là Trương Vân Lĩnh, Lê Thiết Hùng đổi tên là Lê Như Vọng, Lê Văn Quý đổi tên là Lưu Quốc Long. Sau nhiều ngày đi đường gian khổ, trèo đèo lội suối, vượt dãy Trường Sơn, qua sông Mê Kông, cụ Võ Trọng Đài đã đưa Lê Hồng Phong và anh em trong đoàn đến Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa ở Phì Chịt (Xiêm). Qua mấy tháng học tập và rèn luyện, Lê Hồng Phong và những thanh niên tích cực được gửi sang Quảng Châu hoạt động.

ttxvn_le_hong_phong.jpg
Macau (Trung Quốc) - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935). Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Tháng 4 -1924, đến Quảng Châu, Lê Hồng Phong và anh em trong đoàn được Lê Hồng Sơn tiếp đón và giới thiệu vào tổ chức Tâm Tâm Xã. Được bổ sung thêm lực lượng, Tâm Tâm Xã muốn gây ảnh hưởng và tiếng vang nhằm thức tỉnh tinh thần đấu tranh dân tộc. Tháng 6-1924, Toàn quyền Đông Dương Mechlanh và đồng bọn có chuyến đi công cán từ Đông Dương sang Nhật Bản, bàn việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài. Trên đường về, Mechlanh sẽ dừng tại tô giới của Pháp (khách sạn Víchtoria ở Quảng Châu) để dự tiệc chiêu đãi. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái đã chuẩn bị kế hoạch mưu sát toàn quyền Đông Dương Mechlanh. Phạm Hồng Thái là người sống cạnh sông Lam, bơi lội giỏi từ thuở nhỏ nên Tâm Tâm Xã đã đồng ý để Phạm Hồng Thái thực hiện nhiệm vụ cải trang đóng giả phóng viên nhiếp ảnh để ném tạc đạn (được dấu trong máy ảnh) để mưu sát. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong lo chuẩn bị thuyền và chờ sẵn để đón bên kia sông Châu Giang. Tối 19-6-1924, kế hoạch ám sát toàn quyền Đông Dương Mechlanh đã không thành công. Phạm Hồng Thái hy sinh là một tổn thất lớn cho Tâm Tâm Xã. Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và anh em đã tổ chức truy điệu, đọc thơ khóc Phạm Hồng Thái và hứa noi gương, tiếp tục làm thay những phần việc của Phạm Hồng Thái đang đi mà chưa đến đích.

Mặc dù Tâm Tâm Xã không giết được toàn quyền Đông Dương Mechlanh nhưng tiếng bom Sa Điện của liệt sĩ Phạm Hồng Thái “Như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân”. Tháng 11-1924, được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga đã về Quảng Châu Trung Quốc hoạt động. Được cụ Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm giới thiệu, tháng 2-1925, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm Xã để thành lập nhóm“Cộng sản Đoàn” (gồm có 9 người) trong đó có Lê Hồng Phong. Để đưa những thanh niên Việt Nam vào tổ chức cách mạng, theo chủ nghĩa Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga. Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Thanh niên và xuất bản tờ Báo“Thanh niên” vào ngày 21-6-1925, mở lớp học chính trị tại ngôi nhà 132 đường Văn Minh.

Để thêm kiến thức quân sự, mùaThu năm 1924, được ông Hồ Học Lãm giúp đỡ, Lê Hồng Phong và một số anh em Việt Nam được nhận vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (khóa thứ 2, thời gian 16 tháng). Tháng 12-1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và tiếp tục vào học Không quân tại Trường Hàng không ở Quảng Châu, thời gian 9 tháng. Với tầm nhìn xa, để đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự tương lai cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc lại đề nghị với Chính phủ Tôn Dật Tiên cử Lê Hồng Phong sang Liên Xô (Lêningrát) để học Trường Lý luận quân sự không quân từ tháng 10-1926, đến tháng 12-1927 chuyển sang thành phố Bôrítxgơlépxcơ học Trường đào tạo phi công quân sự số 2 và tháng 11-1928, lớp học mãn khóa.

05-09-2021dclhphong_2.jpg
Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Xét yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ, Quốc tế Cộng sản quyết định chuyển Lê Hồng Phong sang học lớp đào tạo lý luận chính trị dài hạn khóa 3 (1928- 1931) tại Trường Đại học Phương Đông. Nhờ tinh thần hăng say học tập, ý thức kỷ luật tốt, chính trị vững vàng nên ngày 25-5- 1929, nhà trường đã được kết nạp Lê Hồng Phong vào Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tháng 5-1931, tốt nghiệp khóa học, khi đang chờ đợi, Lê Hồng Phong lại làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Phương Đông. Thời gian này, ở trong nước, cách mạng Việt Nam đang gặp muôn ngàn khó khăn, thực dân Pháp tập trung đàn áp khủng bố phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong máu và lửa. Các tổ chức Đảng lần lượt bị tan vỡ, các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương Đảng xuống Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy lần lượt bị bắt, tù đày và lên máy chém (Tổng bí Thư Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Tiềm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thiếp). Ở nước ngoài, ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Vân Lĩnh, đều bị bắt hoặc bị trục xuất, trụ sở hoạt động của Đảng ở ngoài nước bị khám xét, đóng cửa. Trước tình hình đó, tháng 11-1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Lê Hồng Phong, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương về nước làm nhiệm vụ khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở Việt Nam và các nước Đông Dương.

st3.jpg

Thực hiện quyết định của Quốc tế Cộng sản, cuối năm 1931, Lê Hồng Phong tìm đường trở về Tổ quốc. Chặng đường đi về Tổ quốc thật gian nan vì bọn mật thám đã bủa vây khắp mọi nẻo đường. Từ Liên Xô, Lê Hồng Phong phải đi qua Pháp, đến Nam Kinh, Inđônêxia, Xingapo rồi về Trại Cày của Cụ Đặng Thúc Hứa ở Phì Chịt (Xiêm) rồi qua Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở ngoài nước, đi đến đâu cũng bị theo dõi. Tháng 6-1934, đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập cuộc hội nghị các đại biểu Đảng ở trong nước để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng và phổ biến nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới, xúc tiến thành lập các Xứ ủy để cử đại biểu đi dự Đại hội lần thứ Nhất vào đầu năm 1935 và giới thiệu đại biểu đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Hội nghị đã bầu Lê Hồng Phong làm Trưởng đoàn, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đi dự. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí đã đọc bài tham luận được cả hội trường đứng lên vỗ tay. Đồng chí Lê Hồng Phong được Đại hội bầu là Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng7-1936, Lê Hồng Phong về đến Thượng Hải đã triệu tập và chủ trì Hội nghị để phổ biến tinh thần Đại hội Quốc tế Cộng sản và truyền đạt Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc:box1.jpg

Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong bàn giao công việc của Ban chỉ huy ở ngoài lại cho đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách rồi về Sài Gòn - Chợ Lớn hoạt động để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Do có kẻ đã phản bội khai báo, ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị bắt giam để hỏi cung, nhưng không khuất phục được, không đủ chứng cớ nên ngày 23-12-1939, Lê Hồng Phong bị trục xuất khỏi Nam kỳ, giải về quê quản thúc để theo dõi. Đầu năm 1940, Tòa án thực dân Pháp đã kết tội “Lê Hồng Phong hoạt động lật đổ”, bắt và giải vào Sài Gòn.

Ngày 22-10-1940, Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù, mất quyền công dân 10 năm, cấm cư trú vì tội “hoạt động lật đổ”. Tại Khám Lớn Sài Gòn, chúng đã bố trí cho hai vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai gặp nhau. Không khuất phục được chất thép của hai vợ chồng, thực dân Pháp đã giải Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo để giết dần, giết mòn. Trong ngục tù đế quốc, Lê Hồng Phong luôn tỏa sáng chất thép và khí tiết của người cộng sản: đó là tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh, quyết tử cho Tổ quốc của Lê Hồng Phong đã nêu tấm gương sáng ngời cho các chiến sĩ tại ngục tù Côn Đảo noi gương học tập. Trong bài “Bát cơm chan máu” đồng chí Ngô Đăng Đức, tù chính trị ở Côn Đảo đã viết về Lê Hồng Phong khi bị tra tấn:box2.jpg

Ngày 6-9-1942, biết mình không thể sống để tiếp tục đấu tranh giành độc lập dân tộc, Lê Hồng Phong đã dồn hết sức để trăng trối lời cuối cùng với anh em đồng chí: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

lhp-1.jpg

Khi đánh giá về lớp cán bộ đa tài, trung kiên bất khuất thời kỳ dựng Đảng, Chủ tịch Hồ chí Minh đã khẳng định:“ Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm ngàn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc.Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng mới khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”./.

118804294_2296151530517316_578241645938734976_n.jpg

Trương Quế Phương