mceu_17889582911646670333535-copy.jpg

sapo-copy12.jpg

tit-1-copy.jpg

Hạ tuần tháng giêng năm Quý Mão trong tiết trời còn chút se lạnh, tôi tìm đến Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam trên đường Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Leo lên tầng 2, tôi ghé vào phòng trưng bày những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ từng được đào tạo dưới thời Pháp thuộc (1925- 1945). Xem qua một số bức tranh của các tác giả Nguyễn Gia Trí, Lê Quốc Lộc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Nùng …tôi tâm đắc với nhận định của ai đó mà mình đã đọc: Nền mỹ thuật, hội họa Việt Nam có bước phát triển vượt bậc kể từ khi có các thế hệ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tôi dừng lâu hơn trước các bức sơn mài của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm bởi sau tứ kiệt "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn"(Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), là bộ tứ "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Sở dĩ dừng lâu hơn còn vì một lẽ ông với tôi là “đồng hương” trong cùng một xã thuộc huyện Nam Đàn mà lúc sinh thời cha tôi biết ông nhiều lắm. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học (cha là Phó Bảng Nguyễn Tư Tái thi đỗ cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc thân phụ Bác Hồ), giữa những năm 30 của thế kỷ trước, Nguyễn Tư Nghiêm rời làng Trung Cần, xã Nam Trung ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ (tốt nghiệp khóa đầu Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương) để học vẽ. Năm 1941, ông thi vào học khóa 15 trường này nhưng chỉ đỗ vớt. Song với ý chí nỗ lực khi còn học năm thứ 3, bức tranh sơn dầu "Người gác Văn Miếu" của ông với bút pháp mới lạ và táo bạo đã được Hội đồng giám khảo Salon Unique năm 1944 chấm giải nhất; cũng trong năm này, các tác phẩm "Cảnh đồng quê", "Cổng làng Mông Phụ" của ông cũng được giới mỹ thuật đánh giá cao. Đang học dở dang năm thứ 5 thì không khí cách mạng tháng 8/1945 diễn ra ở nhiều nơi, Nguyễn Tư Nghiêm trở về tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại quê nhà và làm Ủy viên ủy ban hành chính kháng chiến huyện Nam Đàn. Năm 1947, ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia Hội Văn nghệ kháng chiến, vừa sáng tác ông vừa làm công tác giảng dạy ở trường Mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sau này).

hoa-sy-vu-inh-tuan-a1-2-copy.jpg

Những năm học ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà phần lớn giảng dạy là thầy người Pháp và Châu Âu, dĩ nhiên họ định hướng cho các học trò trong đó có Nguyễn Tư Nghiêm nên theo đuổi nghệ thuật tạo hình hàn lâm châu Âu. Tuy nhiên ông không thụ động mà tiếp thu một cách có chọn lọc và luôn ý thức sáng tạo, bởi như có lần ông nói: "Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả. Tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và thời đại". Có lẽ vì thế chăng mà trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm đề tài xuyên suốt là cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống đế quốc và phong kiến, là hình ảnh làng quê Việt thân thương dưới lũy tre làng, cảnh lao động sản xuất ở nông thôn, là truyền thống quật cường của dân tộc và 12 con giáp mỗi độ Tết đến xuân về… Hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa nay được các loại hình nghệ thuật phản ánh, cày xới, Nguyễn Tư Nghiêm cũng không là ngoại lệ.

ong-giong-1990-8171-1466007407.jpg
Bức "Gióng" năm 1990. Tác phẩm được trao giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc

Ông có khoảng 15 bức tranh với các kích cỡ và chất liệu khác nhau, nhưng nhiều hơn cả vẫn là sơn mài và bột màu. Năm 2013, với sự kết nối của GS.TS Susan Bayly- Đại học Cambridge (Anh) với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh “Ông Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được chuyển bằng đường hàng không sang trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học của Vương quốc Anh. Đây là sự kiện hiếm có đối với một họa sĩ đương đại người Việt, bởi bức tranh được tác giả sáng tác cách đó hơn 20 năm và vinh dự được trưng bày tại bảo tàng của một trường đại học có lịch sử 800 năm tuổi của một quốc gia Phương Tây phát triển. Việc trưng bày triển lãm bức tranh “Ông Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm đã giúp người xem nước ngoài hiểu rõ hơn lòng yêu nước, tinh thần dân tộc quật cường của người dân Việt Nam trước kẻ thù xâm lược, được thể hiện bằng kỹ thuật sơn mài độc đáo; và bức tranh Ông Gióng của ông sau đó đã được định giá một triệu USD. Các chuyên gia mỹ thuật cho rằng, sở dĩ bức tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá cao vì lẽ bút pháp tạo hình sinh động, khỏe khoắn; người họa sĩ đã khai thác triệt để các yếu tố đường nét, màu sắc, nhịp điệu, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn và các hoa văn đồ gốm thời Lý, Trần cũng như nghệ thuật điêu khắc đình làng. Bức tranh được bố cục cân đối, hài hòa và giàu tính trang trí; mặt khác điều quan trọng là tác giả của bức tranh đã khắc họa nổi bật hình tượng Thánh Gióng - một trong "tứ bất tử" trong tín ngưỡng dân gian người Việt trở thành biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do; sức mạnh quật cường của một dân tộc nhỏ bé trước các thế lực xâm lược. Đúng như đánh giá của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung “Nếu nói về tính dân tộc trong hội họa thì Nguyễn Tư Nghiêm là hàng đầu. Đó là vì Nguyễn Tư Nghiêm đã hút cái tinh túy của nghệ thuật cổ kim Đông - Tây và nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, rồi nhất thể hóa tất cả để tạo thành một phong cách dân tộc và hiện đại: phong cách Nguyễn Tư Nghiêm”.

hoa-si-ntc-a1-2-copy.jpg

Cả cuộc đời, họa sĩ người Nghệ Nguyễn Tư Nghiêm dường như chỉ dành cho vẽ, ngay khi tuổi đã ngoại 90 ông vẫn chưa buông bút. Có lần đại tá, bác sĩ Nguyễn Tư Điền (cháu họ gần với họa sĩ) cho tôi biết: bà con họ hàng ở Hà Nội khá đông nhưng vì say nghề nên ông Nghiêm ít khi qua lại. Có lần tôi đến thăm, ông chào hỏi qua loa rồi lại chăm chú vào hòa phối màu, chỉnh sửa tranh; từ đó mình cũng ngại. Con người ít quảng giao ấy (tránh những nơi đám đông, xô bồ) lại được giới mỹ thuật ngưỡng mộ và coi ông là bậc thầy, là "cây đại thụ" của nền hội họa Việt Nam hiện đại.

anh-1-copy.jpg

Không quan tâm đến triển lãm cá nhân, chẳng đao to búa lớn trong quan điểm nghệ thuật. Vậy mà ông đã vinh dự giành được những giải thưởng lớn, như Giải nhất triển lãm mỹ thuật toàn quốc kháng chiến với tác phẩm "Du kích làng Phù Lưu" (1948); Giải thưởng mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm "Con nghé quả thực" (1957); Giải chính thức triển lãm quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia (Bungari) với tác phẩm "Điệu múa cổ 1" (1985); Giải nhất triển lãm mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm "Ông Gióng" (1990). Đặc biệt năm 1996, cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn( được truy tặng), Nguyễn Tư Nghiêm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm "Con nghé quả thực", sơn mài (1957); "Đêm giao thừa", sơn mài (1958); "Nông dân đấu tranh chống thuế", sơn mài (1958); "Gióng", sơn mài (1976); "Ông Gióng", sơn mài (1990); "Điệu múa cổ", sơn mài (1987)...

tit-2-copy.jpg

Hòa bình lập lại, từ Việt Bắc họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trở về Hà Nội. Cùng với một số văn nghệ sỹ trưởng thành trong kháng chiến, ông được phân một căn phòng 9m2 trong khu tập thể trên đường Nguyễn Thái Học và sau đó hàng chục năm được nhà nước bố trí thêm nửa gian từ căn nhà của nhạc sĩ Trần Hoàn ở khu Trung Tự. Say mê nghề nghiệp, những vật liệu bút chì, sơn mài, sơn dầu và cây cọ vẽ cứ cuốn hút ông để đến lúc ngoảnh lại thì đã luống tuổi mà vẫn chưa có ai "nâng khăn sửa túi". Thế rồi nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người ta thấy "ái nữ" của nhà văn Nguyễn Tuân - họa sĩ Nguyễn Thu Giang thời điểm này cũng đang "giữa đường đứt gánh", hay tìm đến nhà Nguyễn Tư Nghiêm để học hỏi thêm về chuyên môn và nhờ ông vẽ chân dung mình. Thực ra giữa Nguyễn Tuân - bậc thầy về thể loại tùy bút trong văn chương Việt Nam hiện đại và Nguyễn Tư Nghiêm họa sĩ tài danh đã có mối quan hệ quen biết từ thời kháng chiến 9 năm chống Pháp.

hinh-anh-hoa-si-nguyen-tu-nghiem-cung-vo---ba-thu-giang.jpg
Hình ảnh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng vợ - Bà Thu Giang

Về sau họ càng quý trọng nhau hơn bởi giữa hai ông đều có sự "liên tài". Lúc sinh thời, Nguyễn Tư Nghiêm hay qua lại nhà Nguyễn Tuân mỗi khi có sự kiện lớn, sự kiện nhỏ và coi cô gái Thu Giang (cách ông gần 30 tuổi) như hàng con cháu. Thế nhưng, từ khi Nguyễn Thu Giang đến nhờ ông vẽ chân dung, giờ giải lao cô hay thu dọn đồ đạc cho ngăn nắp, chỉnh treo lại các bức tranh cho cân đối, hoặc có hôm đi chợ rồi nấu nướng cho ông ăn. Thế là mỗi lần "con gái rượu" nhà văn Nguyễn Tuân chào ra về thì Nguyễn Tư Nghiêm lại dõi theo "rồi nhớ, rồi thương thế là yêu"… Mối tình Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang đến khi ông đã vào tuổi "thất thập"cho nên năm 2013, khi một phóng viên báo Nhân dân hỏi về chuyện này thì danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thú thật "Khi tỏ tình, tôi nói với Giang: sinh lực tôi không còn, chỉ có tình cảm dành cho em thôi". Nghe thật chạnh lòng. Là người đã trải nghiệm cuộc sống gia đình, lại hiểu bản tính và phong cách Nguyễn Tư Nghiêm nên “ái nữ” nhà văn lớn Nguyễn Tuân chẳng hề lăn tăn, ngần ngại. Gắn bó với nhau qua nhiều năm, tháng Nguyễn Tư Nghiêm thừa nhận Thu Giang là người vợ duy nhất và đích thực của đời ông. Bởi bà không chỉ chăm sóc ông một cách chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn là chỗ dựa, là niềm cảm hứng để ông sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị. Ngược lại bà rất hiểu cá tính của chồng, như có lần bà chia sẻ tại Triển lãm “Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm” ở Ngàn Phố Gallery cách đây chưa lâu, rằng “Ông bỏ qua tất cả những ồn ào, bon chen ngoài xã hội để sống trọn đam mê hội họa của mình. Với ông vẽ như cơm ăn, nước uống, như máu thịt. Không vẽ là ông ốm, ông buồn”. Và không ai khác, chính bà Thu Giang là người đã tìm cách sưu tập, bảo tồn khoảng 300 bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm bị thất lạc, mất mát nơi nọ chốn kia. Có lẽ nhờ thế mà nguồn sống của người họa sĩ tuổi xế chiều như được tiếp sức, vun bồi và trái tim ông chỉ ngừng đập khi tuổi đời xấp xỉ 100 năm.

chu-tich-nuoc-nguyen-minh-triet-tang-qua-cho-hoa-si-nguyen-tu-nghiemanhttxvn.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. (Ảnh:TTXVN)

Ngày tổ chức lễ tang ông (trung tuần tháng 6/2016) tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, ngoài gia đình, con cháu, còn có đông đảo tầng lớp văn nghệ sĩ cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong điếu văn do hoạ sĩ Trần Khánh Chương (đương nhiệm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khi đó) trịnh trọng ghi nhận:

"Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là thế hệ vàng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là danh họa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam, là những báu vật của văn hóa Việt Nam"

- Một số bức vẽ nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm:

ipiccy_image.jpg