Sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dược cần đảm bảo tương thích, nhất quán với các Luật khác và không phá vỡ khuôn khổ pháp luật hiện nay

Phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An bày tỏ sự băn khoăn vì việc sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư trong dự thảo Luật sửa đổi lần này có thể gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lắp với các Luật chuyên ngành về ưu đãi đầu tư và có thể phá vỡ khuôn khổ pháp luật hiện nay.

bna_z5550942578312_e05063e45eb09749436fcf464f56f76b.jpg
Đại biểu Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận Tổ chiều 18/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Một trong những nội dung chính của dự thảo Luật lần này là sửa đổi lớn liên quan đến ưu đãi đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực dược. Phạm vi các dự án đầu tư đề nghị được hưởng mức ưu đãi đầu tư đặc biệt tại dự thảo Luật là khá rộng. “Do đó, có thể hiểu rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp dược được áp dụng mức ưu đãi đầu tư đặc biệt này”, đại biểu Nguyễn Vân Chi lập luận. Trong khi đó, hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chưa có báo cáo đánh giá tác động, so sánh với các Luật khác liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư này như Luật Đầu tư, các Luật Thuế, Luật Chuyển giao công nghệ... Các ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dược đã được quy định trong các luật trên. Vì vậy, nếu quy định như dự thảo thì sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp với các luật hiện hành.

Phân tích và làm rõ thêm cho lập luận này, vị đại biểu Đoàn Nghệ An dẫn chứng Luật Đầu tư hiện hành quy định điều kiện để được ưu đãi đầu tư đặc biệt thì phải có 2 điều kiện: lĩnh vực nằm trong danh mục ngành nghề được ưu đãi đầu tư đặc biệt và phải là những dự án rất lớn, có quy mô đầu tư trên 30.000 tỷ, có tác động kinh tế xã hội lớn. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, trong đó thể hiện định hướng áp dụng đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Nếu dự thảo Luật Dược lại đưa ra quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với phạm vi rộng thì sẽ phá vỡ những định hướng chung về khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với những dự án rất lớn vì có những doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Từ góc độ của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đại biểu lo ngại về vấn đề này. Vì vậy, đại biểu đề nghị các quy định về ưu đãi đầu tư nên được quy định trong các luật chuyên ngành, không nên mỗi luật quy định một ưu đãi thì sẽ phá vỡ khuôn khổ pháp lý của các chính sách về thuế và chính sách về đầu tư.

Thêm vào đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An bày tỏ sự băn khoăn về quy định tại dự thảo cho phép các công ty dược được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ Khoa học công nghệ và cho phép kéo dài thời gian sử dụng. So với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp chỉ được trích tối đa 10% thu nhập trước thuế để sử dụng vào Quỹ Khoa học công nghệ trong thời gian 05 năm, thì quy định này tại dự thảo Luật là ưu đãi lớn đối với doanh nghiệp dược và có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì trích mức 20% là một mức rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị nếu quy định chính sách này thì cần có đánh giá kỹ chính sách cũng như đánh giá việc các doanh nghiệp dược hiện nay đang sử dụng quỹ khoa học công nghệ này như thế nào.

Từ những lập luận trên, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đánh giá lại những nội dung sửa đổi lần này để đảm bảo sự tương thích, nhất quán với các Luật khác và không phá vỡ khuôn khổ pháp luật hiện nay.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm phát huy và quản lý tốt hơn các giá trị di sản văn hóa

Thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật lần này nhằm phát huy và quản lý tốt hơn các giá trị di sản văn hóa.

bna_z5550942553408_5805d516bce7a30bb0d2602efcb85af9.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận Tổ chiều 18/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng cần phải bổ sung quy định khái niệm về “đô thị di sản”. Đại biểu cho rằng, hiện nay, do chưa cụ thể hóa khái niệm này trong văn bản pháp lý nên một số địa phương ở nước ta đang sở hữu những khu đô thị, di tích mang tính đặc trưng riêng về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, nghệ thuật (như Hội An, Huế, Đà Lạt…) đang khá lúng túng trong công tác quản lý và bảo tồn di sản. Đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nguy cơ nhiều di sản đô thị dần bị lấn át, thậm chí chấm dứt sự tồn tại.

Đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh “Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có”. Vì vậy, để có một định hướng chung, việc xây dựng một cơ chế cụ thể cho bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị là hết sức cấp thiết. Từ lý lẽ đó, đại biểu đề nghị xây dựng khái niệm và tiêu chí cho đô thị di sản và lấy đó làm cơ sở xây dựng các quy chế bảo vệ và phát huy di sản kiến trúc đô thị bổ sung trong dự án Luật sửa đổi lần này.

Cũng liên quan đến vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng việc dự thảo quy định di sản văn hóa phi vật thể phải được “kế thừa, tái tạo và trao quyền liên tục qua nhiều thế hệ” là chưa phù hợp, không khả thi. Lý giải cho điều này, đại biểu Minh phản ánh trong thực tế có nhiều di sản bị thất truyền một thời gian, sau đó mới được nghiên cứu, phát hiện và tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, đại biểu Minh đề nghị đối với trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng di tích cần nghiên cứu bổ sung quy định hồ sơ khoa học di tích phải được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định để tranh thủ, tiếp thu được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động di sản văn hóa. Còn đối với trường hợp quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp di tích có tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài không hòa giải được.

bna_z5550942573661_99dc42f1491356b2069fe44e4419d8f7.jpg
Đại biểu Thái Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận Tổ chiều 18/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Cùng thảo luận về Luật Di sản văn hóa sửa đổi, đại biểu Thái Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần cân nhắc quy định phạm vi điều chỉnh và giải thích các khái niệm về di sản văn hóa.

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng quy định phạm vi điều chỉnh của Luật “Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu” như dự thảo là chưa phù hợp. Bởi lẽ, với cách hiểu thông thường thì di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. “Nếu đưa di sản tư liệu là thành phần văn hóa thứ 3 ngoài di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể thì cần làm rõ cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học để phân loại thành 03 loại hình như dự thảo Luật”, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị. Nếu không có cơ sở khoa học mà đưa khái niệm di sản tư liệu phân loại cùng với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể thì sẽ không tương thích với khái niệm văn hóa. Vì vậy, đại biểu cho rằng không cần thiết phải đưa di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của Luật mà nội hàm này chủ yếu đã nằm trong di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, đại biểu Thái Văn Thành đồng tình với việc có một chương riêng quy định về di sản tư liệu trong dự thảo Luật để phát huy và quản lý loại hình di sản này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với việc giải thích khái niệm “di sản văn hóa vật thể” và “di sản văn hóa phi vật thể”, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng hai khái niệm có hai cách tiếp cận khác nhau, chưa thống nhất. Đại biểu đồng tình với khái niệm “di sản văn hóa vật thể” như dự thảo, tuy nhiên, khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể” còn trừu tượng, chung chung, phức tạp. Đại biểu đề nghị quy định khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể” rõ ràng, cụ thể để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu.

Đối với chương quy định về quản lý nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Thái Văn Thành thấy rằng còn có sự nhầm lẫn giữa nội dung quản lý nhà nước và phân cấp, phân quyền quản lý; nội dung quản lý nhà nước chưa đầy đủ, sắp xếp chưa khoa học. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung và sắp xếp nội dung quản lý nhà nước về di sản một cách logic hơn.

bna_z5550942586308_f2fe63214b8c640a2739ab605372a28f.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu thảo luận Tổ chiều 18/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng tình với một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, đại biểu Thái Thị An Chung, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế di sản cho phù hợp với mục tiêu đó. Đại biểu cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật di sản lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh tới di sản tư liệu, góp phần bảo vệ và phát huy các tư liệu văn hóa.

Về hình thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng quy định như dự thảo chưa đảm bảo với hình thức ghi danh của di sản văn hóa vật thể. Hiện nay, di sản văn hóa vật thể có 2 cấp độ ghi danh gồm ghi danh quốc gia và ghi danh thế giới; ở ghi danh quốc gia thì phân loại thành ghi danh cấp tỉnh, ghi danh quốc gia và ghi danh quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, đối với di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thì hiện nay chỉ quy định hai hình thức là ghi danh bằng danh mục quốc gia và ghi danh bằng danh sách của UNESCO, đại biểu lý giải thêm. Từ việc ghi nhận ý kiến cử tri và cán bộ làm công tác văn hóa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần bổ sung hình thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu cấp tỉnh nằm trong ghi danh danh mục quốc gia để tương thích với hình thức ghi danh của di sản văn hóa vật thể và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể quản lý di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu.

Về hệ thống bảo tàng, dự thảo Luật quy định gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị sử dụng khái niệm “bảo tàng tư nhân” thay vì “bảo tàng ngoài công lập” và cần thiết kế quy định chung về điều kiện thành lập bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân; có quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc thành lập bảo tàng công lập và có thêm quy định về điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ công tác bảo quản, trưng bày, đội ngũ nhân lực đối với bảo tàng tư nhân.

Liên quan đến việc chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung nội dung chi cho hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích, khoanh vùng, cắm mốc, tổ chức các hoạt động khác để phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Bởi vì mặc dù đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan chuyên môn nhưng không có kinh phí thì khó hoạt động./.