Những ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 kỳ họp đang diễn ra khẩn trương, quyết liệt. Gắn với thực tiễn quản lý, các đóng góp của Đoàn không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn chính sách mà còn thể hiện vai trò chủ động, kết nối sâu rộng giữa nghị trường và đời sống.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV

 Đổi mới từ nền tảng thể chế

Không khí nghị trường bước vào Kỳ họp thứ Chín với nhiều kỳ vọng: Thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, xử lý những bất cập trong thực tiễn và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật... Trong dòng chảy đó, tính đến thời điểm này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nổi bật với hơn 40 lượt phát biểu tại tổ và hội trường trải đều trên các lĩnh vực từ giáo dục, khoa học, tư pháp, dữ liệu cá nhân đến tổ chức bộ máy và chính sách dân sinh.

Ngày 06/5/2025, khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã có những chia sẻ đầy cảm xúc: “Khi Luật Nhà giáo được ban hành, thầy cô sẽ có một môi trường làm việc an toàn để cống hiến”. Đại biểu cũng đã khẳng định việc luật hóa địa vị pháp lý, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo là bước đi tất yếu, nhằm bảo vệ người thầy, xác lập lại vị thế ngành và khơi dậy động lực đổi mới giáo dục.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Không dừng ở đó, đại biểu Thái Văn Thành cũng nhấn mạnh chuyển hướng từ “quản lý” sang “quản trị nhà giáo”, tức là xây dựng cơ chế phát triển năng lực thay vì chỉ áp dụng các ràng buộc hành chính, một cách tiếp cận mang tính cải cách sâu sắc.

Tiếp nối tinh thần cải cách, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật góp ý cho Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với đề xuất: Mở rộng miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự trong nghiên cứu khoa học miễn là trung thực và không vì tư lợi. “Nếu không có vùng an toàn pháp lý, sẽ không thể tạo ra đột phá”, đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị luật hóa cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát” thay vì để rải rác trong nhiều đạo luật - điều đang khiến địa phương gặp lúng túng trong triển khai.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tranh luận về một số nội dung liên quan đến chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Với Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cảnh báo nguy cơ “trộn luật” và kiến nghị cần rà soát toàn bộ hệ thống viện dẫn, đặc biệt là quy định liên quan đến thuế và chính sách ưu đãi để tránh xung đột giữa các ngành luật.

Những đóng góp không chỉ mang hàm lượng chuyên môn cao mà còn bắt nguồn từ thực tiễn quản lý, vận hành… thể hiện tư duy lập pháp vững chắc, bám sát yêu cầu đổi mới.

Trách nhiệm gắn với thực tiễn quản lý

Không chỉ dừng ở xây dựng thể chế, các ĐBQH Đoàn Nghệ An còn tiếp tục thể hiện bản lĩnh lập pháp qua các góp ý cụ thể về bộ máy nhà nước, chính sách dân sinh phản ánh sát sao những vướng mắc từ cơ sở.

Tại phiên góp ý sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất tổ chức lại quy trình bầu Hội thẩm nhân dân theo mô hình chính quyền hai cấp… Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất giao quyền bầu chọn cho HĐND xã, trên cơ sở đề xuất của MTTQ bảo đảm dân chủ, minh bạch và gần dân.

Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 19/5 ở hội trường, đại biểu chuyên trách Trần Nhật Minh cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật mang tính chất quy định chuyển tiếp giữa luật hiện hành và luật sửa đổi, bổ sung. Do đó, không nên quy định trực tiếp trong luật, mà cần chuyển các nội dung này sang Nghị quyết thi hành luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh gây rối loạn trong quá trình thực hiện. Đại biểu cũng lưu ý, việc sử dụng các cụm từ như “UBND”, “HĐND có thẩm quyền” hiện chưa được xác định rõ cụ thể là cấp nào (tỉnh, xã), dễ dẫn đến lúng túng khi triển khai trên thực tế.

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân – vấn đề “nóng” hiện nay, đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu: “Chính sách hình sự nhân đạo không có nghĩa là giảm sức răn đe pháp luật”… Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung chế tài nghiêm khắc, đồng thời xác định rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giám sát dữ liệu.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận về kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu tiếp tục đưa ra một cảnh báo thực tiễn đáng chú ý: yêu cầu các sàn thương mại điện tử “truy xuất nguồn gốc” hàng hóa là không thực tế. Theo đại biểu, cần xác định đúng vai trò của sàn – là trung gian cung cấp nền tảng, không phải cơ quan kiểm định chất lượng. Đại biểu kiến nghị: thay vì yêu cầu kiểm tra, nên quy định sàn phải lưu trữ thông tin và cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu – hợp lý hơn, khả thi hơn.

Từ huyện Thanh Chương, cử tri Trần Hữu Nghi nhận xét: “Nghe các đại biểu phát biểu, tôi thấy họ hiểu dân, nói đúng chỗ. Mong các vị tiếp tục giữ lửa để tâm tư người dân Nghệ An thành tiếng nói chính sách.”

Gắn kết nghị trường và đời sống

Ghi nhận tiếng nói Nghệ An không thể thiếu những góp ý đầy tính phản biện, giàu tính chiến lược góp phần làm rõ và hoàn thiện nhiều dự luật. Với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị làm rõ nguyên tắc phân cấp, nhất là quyền phân bổ nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa Trung ương và địa phương – bảo đảm minh bạch, tránh chồng lấn.

Tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cũng đề xuất cơ chế phản hồi từ thực tiễn để văn bản pháp luật không bị “xa rời điều kiện thi hành”… Còn đại biểu Trần Nhật Minh thì lưu ý kỹ thuật lập pháp: việc bổ sung nhiệm vụ cho Viện trưởng VKSND Tối cao khi Luật Tổ chức VKSND chưa được điều chỉnh tương ứng là thiếu đồng bộ, có thể gây xung đột luật.

Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận tổ

Ở góc nhìn khác, tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng đề xuất định nghĩa rõ “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” để tránh lợi dụng chính sách… Đại biểu Nguyễn Vân Chi thì tiếp tục cảnh báo sự thiếu liên thông giữa luật công nghệ và luật thuế – điều có thể tạo ra “khe hở chính sách”.

Trong không khí thảo luận sôi nổi tại Tổ 4 (gồm các đoàn Nghệ An, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực. Là người đã từng làm công tác Mặt trận từ cấp huyện đến cấp tỉnh, hiện nay đã hơn 6 năm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, đại biểu có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành hệ thống chính trị và giám sát xã hội. Bên cạnh các phát biểu sâu sắc tại các phiên họp, đại biểu còn đảm nhận vai trò điều phối thảo luận tổ trong một số phiên… góp phần giữ nhịp trao đổi dân chủ, hiệu quả.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đáng chú ý, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu đã nhấn mạnh: “Thời điểm này là một dấu mốc để hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sang một giai đoạn mới. Khi trở thành một ngôi nhà chung thì tiếng nói mạnh hơn.”

Những phát biểu ấy thể hiện tư duy cải cách tổ chức bộ máy một cách hài hòa, vừa gắn kết các kênh chính trị - xã hội, vừa giữ tinh thần hành động vì dân.

Những đóng góp tại nghị trường không tách rời thực tiễn. Trước kỳ họp, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã trực tiếp tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương từ đồng bằng đến miền núi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị cụ thể.

Đơn cử, tại huyện Nghi Lộc, đại biểu Võ Thị Minh Sinh ghi nhận ý kiến cử tri về chế độ cho cán bộ bán chuyên trách và tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn, đại biểu Thái Thanh Quý – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các ĐBQH trong Đoàn cũng đã lắng nghe đề xuất đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục vùng nông thôn. Tại các huyện miền núi như Tân Kỳ, Anh Sơn… các đại biểu Vi Văn Sơn, Phạm Phú Bình... cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh về đất rừng, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Tại thành phố Vinh và các huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn… cử tri nêu rõ lo ngại về an ninh dữ liệu cá nhân, tổ chức hành chính… Những vấn đề đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp nghiêm túc và phản ánh tại nghị trường.

Đồng hành cùng Đoàn, đại biểu Đỗ Văn Chiến – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã góp phần tăng cường phối hợp giữa kênh Quốc hội và Mặt trận, giữa thực tiễn và chính sách… Chính điều đó giúp tiếng nói của Nghệ An tại nghị trường ngày càng sắc bén, lan tỏa.

Đợt 1 của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đang bước vào giai đoạn nước rút. Trong khi các đại biểu tiếp tục làm việc tại nghị trường, ở quê nhà – từ thành phố Vinh đến Anh Sơn, từ chợ Phuống (Thanh Chương) đến vùng cao Quỳ Châu – cử tri vẫn lặng lẽ dõi theo, lắng nghe và gửi gắm kỳ vọng.

Ở huyện Anh Sơn, cử tri Trần Thị Tân (thị trấn Anh Sơn) chia sẻ chân thành: “Tôi nghe đại biểu nói nhiều đến chính sách cho người dân vùng khó khăn, vùng cao… thấy rất yên tâm. Mong những tiếng nói ấy được ghi nhận và từng bước thể chế hóa thành chính sách cụ thể, phù hợp với tinh thần Hiến pháp và nguyện vọng của Nhân dân”.

Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Tại thành phố Vinh, cô giáo Hoàng Thị Tuyết xúc động: “Tôi rất xúc động khi nghe đại biểu kiến nghị sớm có Luật Nhà giáo. Nếu có luật, không chỉ là sự bảo vệ cho nghề dạy học mà còn giúp giáo viên chúng tôi yên tâm đổi mới, cống hiến.”

Còn tại chợ Phuống (xã Mai Giang, huyện Thanh Chương), chị Hoàng Thị Thủy – một tiểu thương nhỏ thẳng thắn bày tỏ: “Mua bán online mà lo lộ thông tin cá nhân lắm. Nghe đại biểu nói đến luật bảo vệ dữ liệu cá nhân thấy đúng quá. Có luật rồi thì dân buôn bán như chúng tôi mới yên tâm làm ăn”.

Từ những phát biểu trên nghị trường đến lời kể mộc mạc giữa đời thường, có thể thấy: Mọi kiến nghị, góp ý của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đều xuất phát từ thực tiễn, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Đợt 2 kỳ họp này (dự kiến diễn ra từ ngày 11 – 27/6/2025) là chặng nước rút quyết định, với nhiều nội dung hệ trọng gắn chặt đến vận hành thể chế, đảm bảo quyền lợi Nhân dân và định hình chiến lược phát triển quốc gia… Trong hành trình đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đại biểu toàn quốc, tham gia thảo luận các vấn đề lớn như: Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh – một chủ đề gắn bó mật thiết với yêu cầu tinh gọn bộ máy và hiệu quả quản trị… Hay đó còn là các dự án luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh liên quan trực tiếp đến an ninh con người, an ninh dữ liệu và quốc phòng toàn dân;... Các chính sách đầu tư trọng điểm như Dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku  nhằm tạo đột phá cho kết nối vùng và phát triển hạ tầng quốc gia.

Cử tri toàn tỉnh Nghệ An đang hướng sự quan tâm và kỳ vọng vào các phiên biểu quyết sắp tới, đặc biệt là đối với Luật Nhà giáo – đạo luật đã được các đại biểu Nghệ An kiên trì theo đuổi, đóng góp xuyên suốt từ đầu kỳ họp. Bên cạnh đó, cử tri cũng đặc biệt mong đợi các nghị quyết quan trọng như: miễn học phí, phổ cập giáo dục mầm non, đầu tư tuyến đường sắt, gia hạn chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp – những quyết sách thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân.

Sự dõi theo của cử tri tỉnh nhà vẫn hiện hữu, âm thầm mà bền bỉ. Trên bàn nghị sự của Quốc hội, từng kiến nghị đã được ghi nhận từ các buổi tiếp xúc ở Anh Sơn, Quỳ Châu, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ… sẽ tiếp tục trở thành những dữ liệu nền quan trọng cho hoạch định chính sách.

Kỳ vọng vẫn còn. Trách nhiệm vẫn còn. Và hành trình đồng hành cùng dân – nói tiếng nói của dân… vẫn đang được Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện, với một tinh thần xuyên suốt: “Tư duy đổi mới, hành động trách nhiệm”.