Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An triển khai chương trình hoạt động năm 2025
____________
Đóng góp vào thành tựu chung của Quốc hội, của đất nước và địa phương
Báo cáo tại Hội nghị, ĐBQH chuyên trách Trần Nhật Minh cho biết: năm 2024, với tinh thần quyết tâm cao, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, như: xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát, TXCT, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tham gia thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương... Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt các hoạt động xã hội, xứng đáng với vai trò đại diện của Nhân dân và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, của đất nước và địa phương.
Nổi bật, với khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, năm 2024, Đoàn đã duy trì và tiếp tục có nhiều đổi mới, đa dạng, phong phú về hình thức tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật như: tổ chức hội nghị lấy ý kiến, hội nghị TXCT chuyên đề, khảo sát thu thập thông tin và ban hành văn bản xin ý kiến. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên pháp luật trong việc lấy ý kiến xây dựng luật; phối hợp và đề nghị các cơ quan, đơn vị chuẩn bị nội dung, cung cấp tài liệu liên quan đến các vấn đề được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến...
Trong năm, Đoàn đã tổ chức 53 lượt lấy ý kiến góp ý vào 38 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Bảy và Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV; trong đó, Đoàn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, xin ý kiến bằng văn bản đối với đối với 30 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết, tiến hành khảo sát kết hợp với lấy ý kiến đối với 6 dự án Luật; tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi các ĐBQH trong Đoàn để lựa chọn nội dung nghiên cứu, tham gia phát biểu thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội; nhiều ý kiến của Đoàn được Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý trước khi thông qua.
Tại các kỳ họp, các ĐBQH đã tập trung nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến vào các Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp... tiến hành giám sát tối cao các chuyên đề theo chương trình của Quốc hội… Đoàn đã gửi 4 vấn đề đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, thứ Tám Quốc hội Khóa XV; 3 vấn đề đề nghị đưa vào chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ; tham gia đầy đủ, nghiêm túc hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31, 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch đề ra. Theo đó, thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3 cuộc khảo sát chuyên đề kết hợp với lấy ý kiến vào dự án luật... Qua 7 chuyên đề giám sát, khảo sát Đoàn đã trực tiếp làm việc với 53 đơn vị, địa phương và giám sát thông qua việc xem xét báo cáo báo cáo đối với 18 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Sau các đợt giám sát, Đoàn đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh và các đơn vị được giám sát. Báo cáo giám sát của Đoàn đã chỉ ra được những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế và phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó đưa ra 86 kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương về các vấn đề, lĩnh vực giám sát (trong đó có 42 kiến nghị gửi cơ quan Trung ương, 44 kiến nghị gửi cơ quan địa phương). Các kết luận, kiến nghị giám sát của Đoàn đều được các cơ quan nghiên cứu, xem xét, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện...
Về hoạt động TXCT, tính đến ngày 15.11.2024, Đoàn đã tổ chức 3 đợt TXCT, với 10.254 lượt cử tri tham dự... Qua các đợt TXCT, Đoàn đã tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới các cơ quan có thẩm quyền; trong đó, có 73 kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 63 kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền chỉ đạo giải quyết của UBND tỉnh; 1 kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An và 7 kiến nghị gửi Công ty Điện lực Nghệ An.
Công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri được chú trọng. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành rà soát và ban hành báo cáo nhận xét, đánh giá việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, thứ Bảy Quốc hội Khóa XV theo yêu cầu của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Tiến hành khảo sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Kỳ Sơn đối với công tác triển khai dự án kè sông Nậm Mô đoạn qua khối 4, khối 5 thị trấn Mường Xén và việc triển khai xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét năm 2022 ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ…
Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá: Trong thành công chung của Đoàn ĐBQH tỉnh trong năm 2024, không thể thiếu vai trò tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Cụ thể, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Đoàn tham gia các kỳ họp; tham mưu, tổng hợp các nội dung được nhiều cử tri quan tâm gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn tại các kỳ họp… Đồng thời, chủ động tham mưu, phục vụ các hoạt động giám sát, khảo sát, TXCT, tham gia góp ý vào dự thảo các dự án luật…
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc 6 kỳ họp (trong đó, 2 kỳ họp thường lệ và 4 kỳ họp bất thường). Các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao các phiên họp toàn thể, phiên thảo luận tại tổ... Tại kỳ họp thường kỳ đã có 29 lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, 77 lượt ý kiến đại biểu tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, 12 ý kiến gửi bằng văn bản để tham gia vào các tờ trình, dự án luật, dự thảo nghị quyết và các báo cáo về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội... Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Bảy, Đoàn đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và đã được Quốc hội thông qua...
Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh luôn được lãnh đạo Đoàn quan tâm, chú trọng, được triển khai kịp thời, phản ánh đầy đủ các hoạt động trên Báo Nghệ An, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, mở rộng phối hợp tuyên truyền với nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương, nhất là Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội... Các hoạt động an sinh, xã hội trên địa bàn tỉnh được ĐBQH đặc biệt quan tâm; đồng thời, Đoàn cũng đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; các hoạt động đối ngoại; tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật thông qua hình thức tổ chức hội nghị chưa được nhiều; chất lượng góp ý một số dự án luật chưa cao, nhất là hình thức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản, ít có ý kiến tham gia… Một số cuộc giám sát, khảo sát; hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật; các cuộc làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương của Đoàn số đại biểu Quốc hội tham dự chưa được nhiều. Công tác đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH chưa được thường xuyên, nhất là giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; việc tổ chức TXCT ngoài địa bàn bầu cử còn ít; chưa thực hiện việc TXCT ở ngoài tỉnh...
Tại Hội nghị, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình cao với báo cáo đánh giá năm 2024; thời, tập trung thảo luận các nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian tới.
Làm cầu nối truyền tải, theo dõi giải quyết ý kiến của cử tri
Từ những kết quả đã đạt được, năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An sẽ triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc lấy ý kiến các dự án luật theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tham gia các hoạt động thẩm tra, góp ý, thảo luận về các dự án luật, nghị quyết tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; chủ động khảo sát thực tiễn các nội dung liên quan đến dự án luật trình kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là các dự án luật liên quan trực tiếp đến người dân... Triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đồng thời, thực hiện tốt các quy định về tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn thư theo đúng quy định; theo dõi chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân... Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh rà soát, lựa chọn để giám sát, khảo sát một số vụ việc trả lời chưa thỏa đáng hoặc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tham gia tiếp công dân thường kỳ và tổ chức tiếp công dân khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động TXCT, nghiên cứu tổ chức TXCT ngoài địa bàn bầu cử, đơn vị bầu cử; tăng cường TXCT chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng mà đại biểu quan tâm hoặc liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tổ chức để đại biểu TXCT trước và sau Kỳ họp thứ Chín, thứ Mười theo luật định; tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Theo dõi, rà soát việc giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tiếp tục đôn đốc, giám sát những nội dung chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng.
Cùng với đó, Đoàn cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh trong việc kết nối, tổ chức làm việc với Bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp Quốc hội để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh... Thực hiện tốt các hoạt động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan của tỉnh trong các hoạt động chung của địa phương; phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh để hạn chế trùng lặp nội dung, thời gian, địa điểm.
Mặt khác, Đoàn sẽ tăng cường hoạt động đối ngoại; tổ chức trao đổi kinh nghiệm với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đến các gia đình chính sách; tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực để thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội của Đoàn, nhất là vào các dịp tết Nguyên đán, Ngày đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, dịch bệnh...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung đã tiếp thu các ý kiến đề xuất của các đại biểu; đồng thời, cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp, hỗ trợ để Đoàn ĐBQH tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ của người đại biểu dân cử trong năm 2024.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, gắn bó trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền của Đoàn ĐBQH. Mỗi đại biểu và tập thể Đoàn hoạt động trách nhiệm, tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực như: Tham gia các ý kiến thảo luận, với nhiều nội dung sâu sắc; phát hiện, kiến nghị các vấn đề từ thực tiễn của địa phương; thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội, đối ngoại;…
Về chương trình công tác năm 2025, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động để giữ vững vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, của từng đại biểu trong hoạt động của Quốc hội và tại địa phương... Qua đó, đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động từ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng, đến làm cầu nối truyền tải, theo dõi giải quyết ý kiến của cử tri.
Tính đến ngày 15.11.2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp với tổng giá trị 1.571 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thực hiện Chương trình “Tết vì người nghèo”, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 475 triệu; hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà cho người nghèo với số tiền 500 triệu đồng; hỗ trợ 50 tấn xi măng cho các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn; 400 chiếc chăn ấm, 600 chiếc màn chống muỗi cho đồng bào vùng khó khăn; trao 20 chiếc máy tính cho các trường học; trao 20 suất quà cho cán bộ công tác thuộc lĩnh vực giáo dục, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn (thị xã Hoàng Mai); 74 suất quà cho công nhân lao động tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, TP Vinh và Khu Kinh tế Đông Nam...