bna_z5556591991921_b2641580521cdd373614e3297f4be5cb.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ngãi và Nghệ An sáng ngày 20/6. Ảnh Nghĩa Đức

Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Các Luật trên đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

bna_z5556592191854_418b73ad4fc48e88c4b1c9ef60730a0b.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì buổi thảo luận Tổ. Ảnh Nghĩa Đức

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm; đồng thời tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Luật Các tổ chức tín dụng cần phải bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Kinh doanh bất động sản để áp dụng đồng bộ pháp luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, Chính phủ trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó sửa đổi hiệu lực thi hành của các Luật thành ngày 01/8/2024; riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Cần chuẩn bị kỹ các điều kiện đảm bảo thi hành các Luật

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Trần Nhật Minh, đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ được sự tác động, tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực các Luật thành từ ngày 01/8/2024. Theo đại biểu, Tờ trình mới chỉ nêu những điểm mới của các Luật này chứ không phải là những tác động trực tiếp của việc sớm đưa các Luật này vào cuộc sống. Vì vậy, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nêu rõ những tác động trực tiếp về sự phát triển kinh tế xã hội khi Luật này sớm đưa vào cuộc sống. 

Đại biểu Trần Nhật Minh, đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Cùng với đó, đại biểu Trần Nhật Minh hết sức băn khoăn về các điều kiện đảm bảo thi hành Luật, nhất là việc ban hành văn bản Luật giao cho địa phương. Mặc dù Tờ trình của Chính phủ nêu “Các địa phương cũng đang đồng loạt tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn để đảm bảo các điều kiện, căn cứ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8/2024”, nhưng đại biểu cho rằng hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong việc dự thảo ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật, chưa rõ kết quả chuẩn bị của các địa phương sẵn sàng cho việc thi hành các Luật từ ngày 01/8/2024. “Trong khi đó, việc ban hành các văn bản của địa phương cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà thời gian từ nay đến ngày 01/8/2024 chỉ còn hơn 1 tháng”, đại biểu Trần Nhật Minh lo ngại.

Từ các lập luận trên, vị đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần hết sức cân nhắc những khó khăn, vướng mắc như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu để quyết định nên hay không nên thông qua việc có hiệu lực sớm 4 luật trên.

bna_z5556591995944_8f32c4e6bd6cd882e19387b33a2bb03e.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Nhật Minh, đại biểu Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng hết sức băn khoăn về công tác chuẩn bị và các điều kiện đảm bảo thi hành 04 Luật nếu sớm có hiệu lực thi hành. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng những vướng mắc trong việc thực hiện các Luật cũ chủ yếu từ việc chờ các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ liên quan. 

Đối với việc chuẩn bị các điều kiện đảm bảo 04 Luật mới này, dẫn chứng thêm cho ý kiến của mình, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng mặc dù tại Tờ trình của Chính phủ nêu có những vấn đề có thể triển khai được ngay như liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất nhưng để thực hiện bồi thường thì còn liên quan đến quy định về giá đất do Chính phủ, Bộ và địa phương hướng dẫn, quy định. 

Cùng với việc ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần tập trung cho công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các Luật và văn bản hướng dẫn thi hành bởi vì các Luật này có nhiều quy định mới và rất khó. “Từ quan điểm ban đầu của nhà soạn thảo đến khi Luật đi vào thực tiễn cuộc sống cần một khoảng thời gian, trong khi đó, thời gian 05 tháng không phải là nhiều. Nếu triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2025 đảm bảo chắc chắn hơn thì nên thực hiện kể từ thời điểm đó”, đại biểu đề nghị.   

bna_z5556591997709_00c264b03bcede32fb3d4cbfc12488fd.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc hiệu lực thi hành của 04 Luật kể từ ngày 01/8/2024. 

Mục đích sửa đổi của Luật này nhằm đưa những chính sách của 04 luật đã được cụ thể hóa, không cần văn bản hướng dẫn chi tiết, có lợi cho người dân, giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn sẽ có hiệu lực ngay, đặc biệt là những chính sách ưu đãi, có lợi cho người dân trong Luật Đất đai. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, các địa phương khẩn trương chuẩn bị ban hành các văn bản triển khai thi hành 04 Luật trên để đảm bảo các Luật khi có hiệu lực thi hành sẽ thực hiện được ngay./.