Đây là một trong những nội dung của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, góp ý về nội dung lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào khoản 3, Điều 34 của dự án Luật quy định “Việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án đối với các dự án có nhà đầu tư được lựa chọn trong trường hợp đặc biệt chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hơp với quy định tại khoản 3, Điều 2 của dự thảo luật về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng cho 2 nhóm trường hợp: các dự án đầu tư có sử dụng đất và các dự án đầu tư kinh doanh.
Cùng nội dung này, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định “gói thầu thuê địa điểm để phục vụ hội nghị, sự kiện... mà trên địa bàn đó chỉ có một địa điểm đáp ứng, có giá gói thầu trên 50 triệu đồng, trừ trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật này” vào các trường hợp mua sắm đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 29 Dự thảo, vì đây là trường hợp thường gặp phổ biến trong thực tiễn, nhất là ở các địa bàn xa trung tâm, ở nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa. Việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của mình phải thực hiện các gói thầu này sẽ gây mất nhiều thời gian, công sức, không đạt được hiệu quả về kinh tế.
Về quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 20, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức, quy trình, đối tượng trong trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ ban hành nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành Luật hoặc Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật về thẩm quyền ban hành Nghị định của Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hướng trước khi quy định chi tiết, Chính phủ phải báo cáo xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Góp ý kiến về khiếu nại, tố cáo và kiến nghị trong đấu thầu được nêu tại Điều 92 của dự thảo luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng quy định về khiếu nại, tố cáo và kiến nghị trong đấu thầu vẫn còn lẫn lộn, chưa có sự phân biệt giữa 3 cơ chế giải quyết: giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kiến nghị và giải quyết bằng phán quyết của Tòa án hoặc trọng tài nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa dự thảo Luật với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ luật Tố tụng dân sự. Vấn đề này cũng đã được Bộ Tư pháp nêu trong Báo cáo thẩm định, tuy nhiên, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định thì cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đề cập, làm rõ ý kiến này.
Theo quy định của khoản 1, Điều 92, có thể thấy rằng cùng một nội dung kiến nghị nhưng nhà thầu, nhà đầu tư có thể được quyền lựa chọn một trong 3 cơ chế giải quyết do 04 luật khác nhau điều chỉnh. Quy định như vậy là chồng chéo, mâu thuẫn về mặt thẩm quyền (vì theo quy định của pháp luật, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và các tranh chấp dân sự là hoàn toàn khác nhau về phạm vi điều chỉnh và thủ tục giải quyết, theo đó cơ quan Toà án sẽ không thể thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo theo thủ tục tố tụng dân sự và ngược lại, cơ quan hành chính các cấp cũng sẽ không thể thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp dân sự được). Do đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, phân định rõ các nội dung mà nhà thầu, nhà đầu tư được “Khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”; nội dung mà nhà thầu, nhà đầu tư được khiếu nại, tố cáo phù hợp với các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; và các nội dung kiến nghị khác thì được giải quyết theo quy định của Luật này. Việc phân định rạch ròi về thẩm quyền, cơ chế giải quyết sẽ khắc phục được tồn tại, hạn chế đã được Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Đấu thầu giai đoạn 2015-2020 nêu là“vẫn xảy ra tình trạng nhiều nhà thầu gửi kiến nghị đến nhiều nơi, không đúng thẩm quyền. Một số đơn vị chủ đầu tư, bên mời thầu giải quyết kiến nghị không triệt để, kéo dài dẫn đến kiến nghị vượt cấp, ảnh hưởng đến kết quả gói thầu, dự án”.
Ngoài ra, tại khoản 19 và khoản 20 Điều 4, dự án luật chỉ mới đề cập đến khái niệm đối với trường hợp lựa chọn nhà thầu, nhưng chưa đề cập đến trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải thích từ ngữ về “hồ sơ mời nhà đầu tư quan tâm”, “hồ sơ nhà đầu tư đăng ký, quan tâm”.... để nhất quán về nội dung phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu được quy định tại Điều 1 là lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu; Khoản 1, Điều 34 về hình thức lựa chọn nhà đầu tư./.
|