Cùng dự có các đại biểu Quốc hội: Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội; đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Vi Văn Sơn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đồng chí Trần Nhật Minh, đại biểu Quốc hội chuyên trách; đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Về phía HĐND tỉnh có đồng chí Nguyễn Như Khôi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Lân, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở, các phòng, ban liên quan và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện Hội Thủy lợi Nghệ An tham dự.

Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị, đề xuất của Sở để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và những ý kiến góp ý vào Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045 mà Chính phủ sẽ trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội phê duyệt, thông qua.

plugin_ckeditor_upload.upload.a729c8b79361aebd.614e4820c491e1bb862e6a7067.jpg

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ báo cáo về tình hình an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều hồ chứa nước nhất trên cả nước với 1.061 hồ chứa. Những năm gần đây, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lũ bất thường nên nguồn nước có xu hướng giảm. Tác động từ việc dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm. Những yếu tố đó dẫn đến cảnh báo về an ninh nguồn nước và cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Các đại biểu dự họp đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ thêm thực trạng, nguyên nhân, giải pháp trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương trong quản lý an ninh nguồn nước; vướng mắc thể chế qua thực tiễn quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước của Sở và kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện thể chế; kiến nghị từ thực tế địa phương nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bổ sung giải pháp cho Đề án để Đoàn ĐBQH tỉnh có thêm thông tin từ thực tiễn của địa phương khi thảo luận tại nghị trường Quốc hội.

plugin_ckeditor_upload.upload.96eb473ae09d8d61.54687520312e6a7067.jpg

ĐBQH Trần Đức Thuận cho rằng cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về việc 38% lượng nước trên địa bàn tỉnh nhận từ lưu vực bên ngoài lãnh thổ

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Sở bổ sung, làm rõ một số nội dung để báo cáo với Đoàn ĐBQH như: việc duy trì an toàn hành lang công trình bảo vệ nguồn nước như xử lý tình trạng san lấp ao hồ, sông suối trái quy hoạch, khai thác cát sỏi trái phép; cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước; đánh giá thêm về hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; những giải pháp để giảm thất thoát nguồn nước; cung cấp số liệu trữ lượng nước ngầm, nước mưa hàng năm; ngân sách của tỉnh hàng năm dành cho việc tu sửa, nâng cấp hồ đập; nguy cơ thiệt hại đối với người dân từ những hồ đập bị xuống cấp khả năng bị vỡ; sự phối hợp thực hiện quy chế vận hành xả lũ và việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu nguồn nước để chủ động phương án ứng phó. Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh vì hiện nay nguồn nước nội sinh chiếm 62%, nguồn nước sản sinh ngoài lãnh thổ chiếm đến 38%.

plugin_ckeditor_upload.upload.92d0e4e1fe76a371.54687520332e6a7067.jpg

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh đề nghị bổ sung các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ngoài giải pháp về nguồn lực

Liên quan đến nội dung Đề án, có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Đề án vì hiện nay các Luật và văn bản hướng dẫn liên quan đã khá đầy đủ, quy định chi tiết trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước. Thêm vào đó, dự thảo Đề án mới chỉ tập trung các giải pháp về nguồn lực đầu tư công trình thủy lợi mà chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá để giải quyết vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đề án cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng, trong đó có thực trạng về công tác quản lý nhà nước chưa được đề cập, từ đó mới xác định được sự cần thiết ban hành Đề án và các giải pháp gắn liền với thực trạng hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận, đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung trong Đề án như: bổ sung đánh giá thực trạng, giải pháp đối với nguồn nước ngầm; nguyên nhân của hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước thuộc về công tác quản lý nhà nước; dự báo nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung cấp nước; giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước đối với những vùng bị sa mạc hóa và nguy cơ sa mạc hóa; chính sách đối với người dân sống ở vùng đầu nguồn; ưu tiên giải pháp làm hồ chứa nước; bổ sung giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ngoài giải pháp về nguồn lực; giải pháp nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm của người dân đối với nguồn nước…

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình, làm rõ những ý kiến của các đại biểu, đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn ĐBQH tỉnh.

plugin_ckeditor_upload.upload.b113242f14d75d3d.54687520322e6a7067.jpg

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thái Thị An Chung đánh giá những thông tin tại buổi làm việc rất hữu ích, sát thực giúp Đoàn ĐBQH tiếp cận Đề án

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Thái Thị An Chung cảm ơn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp thông tin hữu ích giúp Đoàn ĐBQH tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, trước khi tham dự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Thu Nguyễn

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh