Tham dự hoạt động giám sát, có đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Công Thương, lãnh đạo huyện Quế Phong, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na.

bna-8-anh-pv-5753.jpg Các đại biểu tham dự hoạt động giám sát. Ảnh: Đ.C

10 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 353,8 MW

Trước khi làm việc với UBND huyện Quế Phong, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, đoàn giám sát đã đi khảo sát tại đập, hồ chứa và khu vực Nhà máy Thủy điện Hủa Na.

bna-1-anh-pv-3263.jpg Đoàn giám sát đi khảo sát tại đập, hồ chứa của Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Ảnh: Đ.C

Dự án Thủy điện Hủa Na được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tại Văn bản số 129/TTg- CN ngày 19/1/2006, với tổng mức đầu tư 7.092,98 tỷ đồng.

Đây là dự án thủy điện có công suất lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bình quân mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 650 triệu kWh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Trong giai đoạn từ 2016-2021, dự án đóng góp cho ngân sách tỉnh Nghệ An hơn 483,39 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc, theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã phê duyệt 10 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy là 353,8 MW; trong đó có 8 dự án thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy là 318 MW (cụ thể: Hủa Na 180 MW, Châu Thắng 14 MW, Bản Cốc 18 MW, Sao Va 3 MW, Nhạn Hạc (A,B) 59 MW, Nậm Giải 4 MW, Đồng Văn 28 MW, Sông Quang 12 MW), có 1 dự án đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện các điều kiện theo quy định (thuỷ điện Châu Thôn, công suất sau điều chỉnh thiết kế 29,8 MW), 1 dự án đang tạm dừng đầu tư do vướng mắc giải phóng mặt bằng (thuỷ điện Tiền Phong công suất thiết kế 6 MW, vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng rừng).

bna-23-anh-pv-225.jpg

Đại diện huyện Quế Phong và Công ty Thủy điện Hủa Na báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.C

Với việc có 10 dự án/công trình thuỷ điện đã và đang xây dựng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kinh tế bền vững đồng thời cung cấp, truyền tải năng lượng điện cho các khu vực lân cận; cơ chế, chính sách, điều phối hoạt động giữa các lĩnh vực, phân ngành bảo đảm an ninh năng lượng được thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Đồng thời, với hệ thống cơ sở hạ tầng về truyền tải điện hiện có trên địa bàn (bao gồm: các đường dây 110 kV, đường dây 35 kV, đường dây 0,4 kV và các TBA) đáp ứng đủ khả năng về cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện.

bna-4anh-pv-1254.jpg Đoàn giám sát tham quan khu vực điều hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Ảnh: Đ.C

Về cơ chế, chính sách, điều phối hoạt động giữa các lĩnh vực, phân ngành bảo đảm an ninh năng lượng. Cụ thể, Huyện uỷ Quế Phong đã ban hành Kế hoạch số 40-KH/HU ngày 29/4/2021 về thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 10/3/2021 của Tỉnh uỷ Nghệ An với 7 nội dung chỉ đạo về phát triển năng lượng trên địa bàn huyện.

Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 10/3/2021 của Tỉnh ủy với nhiệm vụ và giải pháp phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững, cụ thể, UBND huyện đã phối hợp với các Sở, ngành thực hiện các nội dung: đề xuất, phối hợp xây dựng các chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng; cấp điện ổn định cho các thôn, bản, vùng dân cư khó khăn, đặc biệt khó khăn; chỉ đạo, tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng…

Bên cạnh đó, công tác giải toả hành lang lưới điện trên địa bàn đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, Quế Phong là huyện đầu tiên ban hành kế hoạch về giải toả hành lang lưới điện và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện. Góp phần nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, giảm số lần mất điện đột ngột từ 631 lần năm 2018 xuống còn 15 lần trong năm 2022.

Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Quế Phong, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, các thành viên trong đoàn giám sát đã đề nghị làm rõ một số nội dung. Trong đó, có vấn đề liên quan công tác giao đất nông nghiệp cho dân, cụ thể đối với 154,616 ha đã giao đất sản xuất nông nghiệp nhưng đang có rừng tự nhiên; Vấn đề tái định cư; quyền lợi của người dân liên quan đến thủy điện, ảnh hưởng trực tiếp từ thủy điện... Đồng thời đoàn cũng nêu băn khoăn trước việc hiện có 350 hộ dân trên địa bàn xã Tri Lễ và Cắm Muộn vẫn chưa được sử dụng điện.

Lãnh đạo huyện Quế Phong, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đã giải đáp làm rõ, cũng như kiến nghị một số vấn đề.

bna-9-anh-pv-6692.jpg Thành viên đoàn giám sát nêu ý kiến. Ảnh: Đ.C

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của huyện Quế Phong, cũng như đóng góp của các nhà máy thuỷ điện, trong đó có Nhà máy Thủy điện Hủa Na.

Với những khó khăn, vướng mắc đã được các thành viên trong đoàn nêu ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư các dự án thuỷ điện để sớm tháo gỡ, cụ thể như việc giúp người dân tại địa bàn xã Tri Lễ và Cắm Muộn sớm được sử dụng điện... Cùng với đó, tiếp tục khai thác, tận dụng mặt nước hồ chứa các thuỷ điện trên địa bàn để phát triển chăn nuôi thuỷ sản, cũng như kế hoạch phát triển du lịch.

bna-76-anh-pv-3547.jpg Đồng chí Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.C

Đối với chủ đầu tư các dự án thuỷ điện, cần thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, chủ động ứng phó với thời tiết bất thường xảy ra. Chấp hành đầy đủ các quy định của địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn...

Riêng đối với Thủy điện Hủa Na, là dự án thủy điện lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh, có nhiều đóng góp cho tỉnh nói chung, huyện Quế Phong nói riêng trong thời gian qua trên mọi mặt, trong thời gian tới, nhà máy cần phối hợp với UBND huyện để giải quyết triệt để vấn đề giao đất sản xuất cho người dân.

bna-8-anh-pv-2-60.jpg Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.C

Với những kiến nghị của huyện, chủ đầu tư, đoàn sẽ tổng hợp, xem xét trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, để có giải pháp tháo gỡ, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.

Đặng Cường