Toàn cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Thay mặt Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật thể hiện, Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động. Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh.
Ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn đang còn những bất cập, vướng mắc.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đề xuất sửa đổi, bổ sung 92 Điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, chủ yếu tập trung sửa đổi những nội dung: đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chính sách của Nhà nước về Sở hữu trí tuệ, các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, thời hạn bảo hộ quyền tác giả…
Ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Bằng
Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An Trần Nhật Minh bày tỏ đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không quy định chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Cảnh sát cơ động là chưa tuân thủ đầy đủ, tương thích với Luật Công an nhân dân.
Phân tích sâu về nội dung này, đại biểu Minh cho rằng, tại Điều 9 của dự thảo luật, về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động có nêu nhiệm vụ trấn áp phòng, chống tội phạm. Trong thực tế, chức năng phòng chống tội phạm của cảnh sát cơ động rất rõ. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát cơ động đã tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh các chuyên án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát biểu. Ảnh: Phạm Bằng
Đai biểu Trần Nhật Minh còn cho rằng, trong quá trình thực hiện, nhiều hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt để thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, nhằm tạo được hành lang pháp lý một cách đầy đủ, vững chắc cho hoạt động của Cảnh sát cơ động nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cần đưa nội dung bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trở thành những nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Về dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, cần sửa đổi bổ sung theo hướng tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký. Phương án này sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ, thay vì thuộc quyền đăng ký của Nhà nước như hiện hành.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Minh cho rằng cần giữ nguyên như quy định hiện hành. Cùng đó, phải phân biệt được thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp của Tòa án và giải quyết vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo phù hợp với các quy định khác.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Bằng
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thì cho rằng, cần sửa đổi toàn diện vì Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành năm 2005, đến nay 2 lần sửa đổi và lần này sửa đổi, bổ sung đến 92 Điều. Bên cạnh đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này quá lớn nên có một Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) để dễ theo dõi, dễ áp dụng hơn.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng thống nhất nên chọn phương án tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghệ, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Vì phương án này sẽ thúc đẩy được vấn đề nghiên cứu khoa học, cơ quan chủ trì nghiên cứu khi được cấp quyền thì sẽ sử dụng hiệu quả và phát huy được vai trò hơn.
Về nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Chung cho rằng, cần phân biệt rõ mức độ hành vi vi phạm, tùy trường hợp để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Còn đối với vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là theo quan điểm dân sự, có thể xử lý bằng nhiều hình thức như kiện ra tòa, cơ chế trọng tài, sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, cần nghiên cứu lại cả 2 phương án mà Chính phủ đề xuất./.
Phạm Bằng
(Nguồn: BNA)