Tham dự có các vị đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và các chuyên gia, cộng tác viên xây dựng pháp luật.

DSC06809.JPG
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Bá

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm có 10 chương, 88 điều, trong đó giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 Điều, bổ sung mới 16 điều và bỏ 8 điều. Có thể nói, Luật Tài nguyên nước được sửa đổi một cách toàn diện với 4 chính sách quan trọng: Thứ nhất, đảm bảo an ninh nguồn nước. Thứ hai, xã hội hóa nguồn nước, ngành nước. Thứ ba, tài chính về tài nguyên nước. Thứ tư, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống các tác hại do tài nguyên nước gây ra được cụ thể hóa trong 88 điều của dự thảo Luật.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Thái Thị An Chung nhấn mạnh: Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, qua thời gian 10 năm thực hiện, Luật này đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, như: có sự giao thoa, chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước và các Luật khác, vì vậy quá trình thực hiện Luật hiện hành đã nảy sinh nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực; Luật chưa tách bạch được chức năng quản lý nguồn nước với chức năng quản lý công trình khai thác và sử dụng nước dẫn đến sự chồng chéo về nhiệm vụ và công tác phối hợp giữa các sở, ngành/bộ ngành, địa phương; vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước trong thực tế đã xảy ra nhưng Luật chưa đề cập tới;… và khá nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế khác đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ, đã đặt ra mục tiêu sửa đổi Luật này.

DSC06866.JPG
Ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An góp ý về dự án Luật. Ảnh: Hoàng Bá

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành liên quan đều đánh giá cao việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước đã từng bước giải quyết những bất cập, hạn chế giữa luật hiện hành và thực tiễn sử dụng Tài nguyên nước; đồng thời đưa ra nhiều ý kiến xác đáng góp ý cho dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An và bà Quế Trâm Ngọc, Phó Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh đã phân tích, góp ý cụ thể về một số điều Luật, trong đó đề nghị giải thích rõ một số từ ngữ, bổ sung danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; hành vi bị cấm; bổ sung thuyết minh số liệu, điều tra chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, thống nhất tiêu chí lập quy hoạch tài nguyên nước….

DSC06921.JPG
Bà Quế Trâm Ngọc, Phó Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh góp ý về dự án Luật. Ảnh: Hoàng Bá

Liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: Tài nguyên nước là lĩnh vực rất rộng, hiện nay có nhiều luật liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước như Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường. Đề nghị nghiên cứu để không chồng chéo, trùng lặp với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị xem xét, sửa đổi một số điều khoản liên quan đến tiền cấp quyền khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

DSC06894.JPG
Ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý về dự án Luật. Ảnh: Hoàng Bá
DSC06882.JPG
Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý về dự án Luật. Ảnh: Hoàng Bá

Về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Văn Ngọc, Phó giám Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét làm rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình trong hành lang bảo vệ nguồn nước; việc xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước, xả nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…để phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường; làm rõ thêm việc đăng ký, cấp phép, khai thác, sử dụng tài nguyên nước “công trình ngăn sông, suối, kênh rạch” thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp phép; các trường hợp không phải làm đăng ký, cấp phép “khai thác nước phục vụ cho mục đích quốc phòng và an ninh, trật tự”...

1DSC06855.JPG
Bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Hoàng Bá

Kết luận hội nghị, bà Thái Thị An Chung, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến để báo cáo Đoàn, làm căn cứ thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Từ đó, góp ý xây dựng báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, có thêm ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)./.